Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có "phép thuật" để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; đưa Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới...
Theo dòng thời sự

Tổng Bí thư Tô Lâm: Các nhà khoa học phải là người có 'phép thuật’, đưa VN vào top 3 Đông Nam Á về AI

Lam Thanh 30/12/2024 16:00

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có "phép thuật" để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; đưa Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới...

Ngày 30.12, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc.

Trí thức mạch nguồn cho sự trường tồn của đất nước

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trí thức là lực lượng đại diện cho trí tuệ, tài năng của nhân dân và dân tộc, là một trong những nguồn lực và động lực quan trọng nhất mang lại sự đột phá và sự phồn vinh cho đất nước. Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của trí thức, coi trí thức mạch nguồn cho sự trường tồn của đất nước.

Theo đó, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng. Ở một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận trình độ hiện đại trên thế giới.

Tổng Bí thư dẫn ví dụ về đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỉ USD; đội ngũ trí thức ngành y tế giúp Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện đúng lộ trình các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), một số lĩnh vực (ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, vắc xin và sinh phẩm) ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới…

“Lãng phí chất xám, chảy máu chất xám”

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, việc sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức và việc thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục triệt để.

z6179465303194348b91f7f8eb30085af6edc0124ccd59-17355361402091048610172.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Cụ thể, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển; cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp chưa thật sự thể hiện rõ sự quan tâm đúng mức, đầy đủ, sâu sắc đến việc sử dụng, trọng dụng, phát triển đội ngũ trí thức; cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài còn nhiều hạn chế.

Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, các trường đại học với các doanh nghiệp, nhà sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học thiếu trọng tâm, trọng điểm, dàn trải, chưa bám sát vào những vấn đề thực tiễn cấp thiết nổi lên; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức, nhà khoa học chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội.

“Việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, còn để xảy ra tình trạng "lãng phí chất xám", "bạc màu chất xám", "chảy máu chất xám"”, Tổng Bí thư nêu.

Mặt khác, Tổng Bí thư cũng cho rằng trong điều kiện đất nước đang phát triển còn rất nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, nhân dân đã dành nguồn lực cao nhất trong khả năng có thể để đầu tư cho khoa học công nghệ, song số công trình, sáng chế được công bố trên thế giới còn ít, chưa có nhiều sáng tạo, phát kiến mang tính bứt phá; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới…

Thậm chí, vẫn còn một số trí thức, nhà khoa học đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích quốc gia, chưa dám dấn thân đến những nơi khó khăn, gian khổ như lớp cha anh, hiểu biết thực tiễn còn hạn chế, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Ví dụ đâu đó còn có hiện tượng một số đơn vị, cá nhân coi ngân sách nhà nước phân bổ để thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học thành "nguồn kinh tế", "nguồn thu nhập" ngoài lương chứ không tính tới hiệu quả kinh tế - xã hội của các đề tài, công trình nghiên cứu đó; thờ ơ, bàng quang trong đấu tranh phê bình, tự phê bình với hiện tượng thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học...

Phấn đấu có 100 phát minh trong bảng xếp hạng thế giới

Tổng Bí thư cho rằng thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học.

Trong đó, ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo nội dung Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương khoá 13; khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập cũng như xác định các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh trí thức.

Đội ngũ trí thức cần sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật chiếm lĩnh đỉnh cao; ít nhất 3 tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới; đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực.

tbt1-17355397966441856218169.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học

Các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có "phép thuật" để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030. Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu không ngừng củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong điều kiện mới và thu hút trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức nước ngoài góp phần phát triển đất nước; quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, cần hoàn thiện thể chế, ứng xử nhất quán về phát triển khoa học công nghệ phù hợp cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, đặc thù của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo...

Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học
Sáng 30.12.2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Các nhà khoa học phải là người có 'phép thuật’, đưa VN vào top 3 Đông Nam Á về AI
44 giây trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có "phép thuật" để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; đưa Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng Bí thư Tô Lâm: Các nhà khoa học phải là người có 'phép thuật’, đưa VN vào top 3 Đông Nam Á về AI