Liên tục trong những ngày gần đây, bệnh nhân mắc sởi nhập viện tăng lên chóng mặt tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Không những trẻ em mà người lớn mắc sởi cũng khá cao, có cả phụ nữ mang thai. Tình hình trên được các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ trở thành “đại dịch” sởi trong năm nay.

TP.HCM: Bệnh sởi trước nguy cơ trở thành đại dịch

Hồ Quang | 14/01/2019, 19:25

Liên tục trong những ngày gần đây, bệnh nhân mắc sởi nhập viện tăng lên chóng mặt tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Không những trẻ em mà người lớn mắc sởi cũng khá cao, có cả phụ nữ mang thai. Tình hình trên được các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ trở thành “đại dịch” sởi trong năm nay.

          

Bệnh nhân mắc bệnh sởi tăng theo cấp số nhân

Tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP.HCM, số bệnh nhân mắc sởi nhập viện đều tăng cao so với những tháng trước đó. Đặc biệt, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, số bệnh nhân mắc sởi tăng theo cấp số nhân.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa - Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, nếu tháng 8.2018 chỉ có 1 ca mắc sởi đang điều trị tại đây thì tháng 9 có đến 17 ca, tháng 10 lại tăng lên 76 ca, tháng 11 lên 119 ca và đến tháng 12 vừa qua lên đến 269 ca. Như vậy trong tháng 12 vừa qua số ca mắc bệnh sởi đã tăng hơn gấp đôi so với tháng trước đó.

"Điều này cho thấy dịch sởi đang bùng phát rất nhanh, nhiều khả năng đây sẽ là chu kỳ của đại dịch sởi bùng phát 4 năm/ lần. Đợt dịch sởi mới nhất vào năm 2014 và nay bước vào đầu 2019. Điều đáng nói, số lượng bệnh nhân mắc sởi đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện mới bước vào nửa tháng của năm 2019, nhưng bệnh nhân mắc sởi đã quá đông khiến khoa đang quá tải, không còn giường bệnh cho bệnh nhân điều trị”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

Trẻ mắc sởi không chỉ có những trẻ quên không tiêm ngừa sởi, hay tiêm không đủ  mà cả những trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa. Thông thường trẻ bước vào 9 tháng tuổi mới tiêm mũi sởi đầu tiên và đến 18 tháng tuổi tiêm mũi thứ 2 nhắc lại nhưng hiện có rất nhiều trẻ mắc bệnh sởi mới chỉ có 6, 7 tháng tuổi.

“Hiện tại khoa chúng tôi đang điều trị 38 trẻ bị bệnh sởi, trong đó có đến 25 trẻ dưới 6 tháng. Điều này cho thấy sự chủ quan của các bậc phụ huynh”, bác sĩ Hoa nói.

Số người lớn mắc sởi cũng như trẻ em

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia y tế lo ngại hiện nay là căn bệnh sởi đang có sự dịch chuyển sang đối tượng người lớn. Nếu như trước đây, bệnh sởi chỉ tập trung chủ yếu ở trẻ em, còn người lớn thì rất ít, nhưng hiện nay số trẻ em và người lớn mắc sởi là 50 - 50.

Dù đã điều trị tại Khoa nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được 4 ngày nhưng cả người anh D.V.A. (27 tuổi, ngụ quận 4) vẫn còn nổi ban, mắt đỏ, mệt mỏi.

“Tôi bị bệnh đến nay hơn 7 ngày. Lúc đầu, tôi đau họng, sau đó chuyển sang chảy nước mắt, sốt, ho rất nhiều, đi khám bác sĩ bên ngoài, tôi được chẩn đoán viêm họng và cho thuốc uống.

Nhưng tôi ho nhiều hơn, mệt mỏi, đau nhức khắp người nên đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới khám lại thì phải nhập viện vì sởi. Tôi chưa từng mắc bệnh này nên nghĩ chỉ có trẻ em mới bị”, anh A. tỏ ra mệt mỏi cho biết.

Theo bác sĩ Hoa, tại khoa Nội A của bệnh viện đang điều trị khoảng 65 bệnh nhân mắc sởi thì có đến 50% bệnh nhân là người lớn, đặc biệt mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 đến 7 thai phụ với tuổi thai từ 8 tuần đến 34 tuần tuổi thai.

“Hiện chúng tôi đang điều trị cho 7 thai phụ mắc bệnh sởi. Nguy cơ lớn nhất của thai phụ mắc bệnh sởi là sinh non, thai chết lưu và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Trong tháng 11.2018 có 1 ca thai phụ mắc sởi bị thai chết lưu, còn thai 12 vừa qua có 1 thai phụ sinh non mới 24 tuần tuổi ngay tại bệnh viện rồi chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ để điều trị, một số trường hợp khác cũng bị sinh non ở tuần thứ 30 đến 34. Ngoài ra, thai phụ mắc sởi còn bị viêm phổi phải điều trị dài ngày, phức tạp”, bác sĩ Hoa cho biết.

Trước tình hình trên, các chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ khi muốn mang thai phải chắc ngừa vắc xin sởi - quai bị - rubella để tạo miễn dịch giúp việc mang thai an toàn. Nếu phụ nữ đã mang thai thì không nên tiêm ngừa vắc xin trên.

Theo bác sĩ Hoa, bệnh sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi bắn ra không khí và người xung quanh hít vào. Khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân thường có triệu chứng: sốt, đau họng, ho khan, sổ mũi, chảy nước mắt... Hai ngày tiếp theo mặt bị nổi ban đỏ, sau đó phát ban ở ngực, lưng, tay chân.

“Để ngừa bệnh sởi lây cho cộng đồng, người dân cần mang khẩu trang y tế, hạn chế đến nơi đông người. Ngoài ra, người dân nên tăng cường vệ sinh cá nhân, môi trường sống, rửa tay bằng xà phòng, bổ sung vitamin C… để ngừa và phòng bệnh lây lan.

Khi có những triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế địa phương như các bệnh viện quận, huyện, phòng khám… để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.

Hồ Quang

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bệnh sởi trước nguy cơ trở thành đại dịch