UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho Bộ Y tế đầu tư xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại lô 3 - 27 khu Tân Tạo - Chợ Đệm tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh với diện tích khoảng 5 - 6ha.

TP.HCM bố trí quỹ đất để xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Phan Diệu | 28/02/2017, 10:18

UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho Bộ Y tế đầu tư xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại lô 3 - 27 khu Tân Tạo - Chợ Đệm tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh với diện tích khoảng 5 - 6ha.

Kinh phí xây dựng, giải phóng mặt bằng do Bộ Y tế đảm nhiệm

Theo đó, TP.HCM giao UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Bộ Y tế, Sở Y tế tổ chức xác định ranh giới, cắm mốc tại thực địa khu đất dự kiến xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Đồng thời, cơ quan này cần cập nhật dự án xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào danh mục thu hồi đất trình HĐND TP phê duyệt theo quy định, cập nhật dự án vào kế hoạch sử dụng đất trình thẩm định phê duyệt theo quy định.

Hồi đầu tháng 11.2016, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Tiến cho biết tỉ lệ người dân mắc các bệnh nội tiết đang có xu hướng gia tăng, trong khi đó khoa nội tiết của các bệnh viện tại TP.HCM vẫn chưa thực sự có chuyên môn cao và đang trong tình trạng quá tải.

Do đó, với quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khu vực phía Nam (nếu được xây dựng hoàn thành) sẽ giải quyết những nhu cầu bức thiết về khám chữa bệnh cho người dân TP.HCM cũng như người dân các tỉnh miền Nam.

Trong buổi làm việc, Bộ Y tế đề xuất TP.HCM bố trí quỹ đất khoảng 10ha tại huyện Bình Chánh để xây dựng bệnh viện này, kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng sẽ do Bộ Y tế phụ trách.

Xây dựng đề án cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM

Bên cạnh việc bố trí quỹ đất xây dựng bệnh viện, sau buổi làm việc với Viện Kinh tế Việt Nam mới đây, UBND TP cũngđã yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng đề án “Cơ chế, chính sách đột phá để TP phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị” dựa trên các đặc điểm và định hướng phát triển TP trong những năm tới.

Cụ thể, TP.HCM là trung tâm nhiều mặt của cả nước với mức độ đô thị hóa cao. Quy mô dân số ngày càng tăng chủ yếu do nhập cư, đã tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng kinh tế - xã hội. Thế nhưng vì cả nước, TP phải chịu trách nhiệmchăm lo cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Về lâu dài, TP cần kiểm soát dân số và nhập cư bằng các biện pháp, công cụ kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành dịch vụ, ưu tiên các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao.

TP cũng cần chú trọng lĩnh vực dịch vụ, xuất khẩu, chuyển dịch và phân bố hợp lý các ngành khai thác tài nguyên và thâm dụng lao động trong thực hiện liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh của từng vùng trong phát triển và phân bố nguồn lực.

Song song đó là phát triển TP trên nền khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp hoạt động theo hướng mở rộng quy mô hoạt động, định hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực TP đang khuyến khích, đơn giản hóa các thủ tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các tập đoàn đa quốc gia. TP sẽ hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh, gắn kết với doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ hiện đại.

TP cũng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, với các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, mới lạ. Việc hình thành các trung tâm thương mại, các khu vực kinh doanh ngành hàng tập trung… phải kết nối với các tour du lịch nội thị, liên kết (hàng không, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, điểm đến…).

Đề án cần có cơ chế, chính sách đột phá cho TP về ngân sách, đầu tư… phù hợp với điều kiện của TP, xây dựng chính sách phát triển và cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TP.HCM. Trọng tâm là quy hoạch phân bổ lực lượng sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và xây dựng cơ chế điều phối giữa các địa phương.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM bố trí quỹ đất để xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương