TS Vũ Anh Tuấn kiến nghị TP.HCM cần phát triển mạng lưới giao thông trên cao để tách giao thông đường dài khỏi giao thông đô thị.
Hạ tầng và bất động sản

TP.HCM cần đẩy nhanh phát triển giao thông trên cao

Ánh Dương 03/08/2024 16:52

TS Vũ Anh Tuấn kiến nghị TP.HCM cần phát triển mạng lưới giao thông trên cao để tách giao thông đường dài khỏi giao thông đô thị.

Ngày 3.8, Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 5, để đánh giá kết quả 1 năm thực hiện nghị quyết và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Tại phiên họp, các chuyên gia tập trung thảo luận, phân tích kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách mới trong thời gian qua và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, thành phố đã đạt được rất nhiều. “Nghị quyết 98 đã lan tỏa trong TP.HCM. Thành phố đã được vực dậy và phát triển”, ông Ngân nói.

ngannan.jpg
PGS-TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại cuộc họp

Ông Ngân cho biết sự đóng cho GDP cả nước của TP.HCM, năm 2021 thành phố đóng góp 15,8%, sáu tháng năm 2024 là 16,4%. Đây là con số lớn, cho thấy đóng góp của TP tiếp tục đi lên.

Tiếp đến là sự đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước với 21,7% - rất cao vào tăng trưởng chung. TP.HCM vẫn duy trì được "phong độ" khi đóng góp 26% vào tổng thu ngân sách cả nước. TP.HCM vẫn là địa phương đầu tàu cả nước, động lực cả nước.

"Trong một năm qua, TP đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù bằng 30 nghị quyết của HĐND TP. Để có 30 nghị quyết đó thì phải chuẩn bị biết bao tờ trình, đề án từ các sở ngành, quận huyện, chuyển đến UBND TP, Thành ủy", PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong năm qua, TP đã làm tích cực, nỗ lực nhiều việc. TP đã làm hết những gì có thể nhưng vẫn còn vướng những cái khó, cái mới, nhiều việc chưa triển khai được, còn nhiều việc chờ chừng nào có mới bắt đầu nghiên cứu.

Có thể kể đến như mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở). Mô hình này xác định rõ được áp dụng với các tuyến đường sắt đô thị và đường vành đai 3 nhưng đến giờ thành phố vẫn chưa có TOD đường sắt đô thị và vành đai 3.

Hay như tín chỉ carbon, cứ nghĩ chưa có gì nên chưa làm, trong khi lẽ ra cần có cơ chế, chính sách để phát triển ngay từ bây giờ. Rồi mô hình PPP (đối tác công tư) cho các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, TP.HCM đã có danh mục, tổng mức đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được vấn đề xã hội hóa, thu hút nguồn lực.

phoi-canh-tuyen-metro-tai-viet-nam.jpg
Phối cảnh tuyến metro điển hình TP.HCM

“Rõ ràng, đây đều là những cơ hội để huy động nguồn lực nhưng chúng ta chưa tạo cơ hội để người dân bỏ nguồn lực vào. Chúng ta chưa hình thành cơ chế, chính sách cho vấn đề này. Trước tiên, TP cần nhìn nhận, hình thành cơ chế, chính sách và trình HĐND TP.HCM, sau đó tới các dự án. Từ những cơ chế, chính sách rõ ràng, các công ty, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu và xin làm”, Phó chủ tịch Hoan nói.

Một vấn đề khác được lãnh đạo UBND TP.HCM nhắc đến là việc điều chỉnh tầng cao quy hoạch, chỉnh trang đô thị, giải quyết bài toán nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. TP có 20% quỹ nhà và 10% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại nhưng chưa thu được. Theo ông Võ Văn Hoan, đây là những việc đã bàn, đã nghĩ đến nhưng trong quá trình thực hiện làm chưa tới.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mục tiêu xây dựng 180km đường sắt đô thị vào năm 2035 là điều không dễ dàng đối với TP.HCM. Để có được, thành phố phải làm được 3 điều: đổi mới tư duy, đổi mới cách thức tổ chức và đổi mới về vấn đề pháp lý.

Theo ông Sơn, mô hình TOD sẽ tạo thêm nguồn thu ngân sách từ bản thân dự án, giảm lệ thuộc vào ngân sách trung ương. Đối với dự án này, tư duy kinh tế thị trường là điều cốt lõi, tạo ra được nguồn tài chính. TP cần tính toán để đảm bảo lợi ích của tất cả người liên quan từ chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp cho tới người dân.

Về mặt đổi mới phương pháp tổ chức, mỗi sở ngành của TP đều phải xắn tay vào làm và cam kết tiến độ. Từng sở ngành sẽ phụ trách từng phần việc khác nhau để đạt được mục tiêu chung của toàn TP.

“Người xưa có câu nói nếu có 6 giờ để chặt cây thì hãy bỏ ra 4 giờ để mài rìu. Nếu chúng ta có 11 năm để làm 180km metro thì nên mạnh dạn bỏ ra 3 - 4 năm để làm tốt việc kết nối xe buýt, thu hút người dân sử dụng hằng ngày, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội; từ đó nhân rộng sang các tuyến còn lại”, KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý.

Theo TS Trần Du Lịch, TP cần thực hiện đấu giá tiền sử dụng đất và dùng tiền thu được để thực hiện dự án, không hòa ngân sách chung. TP có thể sử dụng trái phiếu để thanh toán cho khâu đền bù và khi thực hiện xong dự án TOD thì hoàn trả.

Phân tích nguyên nhân các dự án BT, BOT lĩnh vực giao thông ở TP.HCM chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, TS Vũ Anh Tuấn (thành viên hội đồng) nhận định do việc phân chia rủi ro giữa nhà đầu tư và chính quyền chưa rõ ràng nên nhà đầu tư còn e ngại.

Do đó, chuyên gia Vũ Anh Tuấn kiến nghị cần có cơ chế phân chia rủi ro, cùng với đó là phát triển mạng lưới giao thông trên cao để tách giao thông đường dài khỏi giao thông đô thị.

“Khoảng cách giữa các quận huyện của TP.HCM là khá xa, nhu cầu giao thông rất lớn, người dân sẵn sàng trả phí để lưu thông trên những tuyến đường trên cao để tránh kẹt xe”, TS Vũ Anh Tuấn phân tích và đề nghị TP.HCM cần đẩy nhanh phát triển giao thông trên cao.

Bài liên quan
Người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn tăng cao ở TP.HCM
Chỉ trong 3 tháng, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện và xử lý 45.557 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM cần đẩy nhanh phát triển giao thông trên cao