Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, các quận huyện không được “đánh trống bỏ dùi” mà phải quyết liệt lập lại trật tự giao thông, chấn chỉnh lại tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Chúng ta phải có giải pháp duy trì kết quả, không phải làm được một tháng rồi nghỉ kiểu phong trào.
Ngày 31.3, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách quý 1, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2017.
Hoan nghênh quận 1 việcdẹp vỉa hè
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các quận huyện không được “đánh trống bỏ dùi” mà phải quyết liệt lập lại trật tự giao thông, chấn chỉnh lại tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Các quận huyện phải có giải pháp duy trì kết quả, không phải làm được một tháng rồi nghỉ kiểu phong trào.
Theo ông Phong, tổ chức lại kinh tế vỉa hè phải nghe ý kiến nhiều chiều và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
“TP đã chỉ đạo tất cả phải vào cuộc, từ bí thư, chủ tịch cho đến trưởng công an quận huyện… chứ không thể để một mình anh phó chủ tịch đi làm mãi được, cái này Bí thư Thành ủy và Thành ủy đã chỉ đạo. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè hiện nay diễn ra rất lộn xộn, do quận huyện quản lý. Quận 1 và huyện Củ Chi làm rất quyết liệt, tuy nhiên cần có sự phối hợp của nhiều đoàn thể. Cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không chúng ta sẽ không đạt được kết quả. Quá trình làm có thể ý kiến này, ý kiến nọ nhưng phải có quyết tâm”, ông Phong nói.
Trong khi quận 1 và Củ Chi được khen ngợi, Chủ tịch UBND TP.HCM lại yêu cầu quận 5 cần chấn chỉnh và quyết liệt hơn trong vấn đề lập lại trật tự vỉa hè. “Trật tự lòng lề đường quận 5 cần mạnh mẽ hơn nữa. Tôi đi đường Kỳ Hòa, thấy vỉa hè nhỏ xíu mà buổi sáng xe máy đều đậu hết trên đó, học sinh đi dưới lòng đường. Cái này TP đã chỉ đạo mà tình hình không chuyển động gì hết. Tôi đã gọi điện cho đồng chí Chủ tịch quận 5 hỏi xem đồng chí có nắm được tình hình hay không”, ông Phong nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng cho rằng lập lại trật tự vỉa hè cũng cần đi song song với việc tạo điều kiện mưu sinh cho người dân, hộ kinh doanh hàng rongbị ảnh hưởng bởi vỉa hè.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết trên địa bàn quận này hiện có 580 hộ bán hàng rong nhưng có 260 hộ nghèo, trong đó có 130 hộ đồng ý chuyển đổi nghề nghiệp thông qua học nghề như giúp việc nhà, bảo vệ..; 100 hộ đã có đề án cụ thể là được tổ chức buôn bán tập trung ở đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp; còn lại 30 hộ, chủ yếu là người già, không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, chính quyền quận 1 đã vận động hơn 1.200 tiểu thương kinh doanh ở chợ Bến Thành thay túi ni lông bằng túi giấy, thế nên 30 hộ dân này sẽ làm túi giấy để cung cấp cho các tiểu thương trên. Ông Thuận nói rằng việc này quận 1 duy trì vận động là chính.
Sắp xếp lại chợ tạm
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Công Thương và các quận huyện cố gắng sắp xếp lại các chợ tạm vì hoạt động của các chợ này đang ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đô thị.
“Trên đường 145 ở quận 9, có một khu chợ tạm mà cứ buổi sáng là chợ hoạt động tràn ra đường, không còn lối đi. Đây chỉ là một ví dụ, hiện trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều chợ tạm, tự phát hoạt động trên lòng đường, vỉa hè”, ông nhận định.
Ông Phong cũng lưu ý chỉ tiến hành tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm chứ không phải dọn dẹp vì đằng sau đó là cuộc sống của người dân cũng như thói quen mua bán của người dân. Nếu tổ chức chợ mới chưa chắc người dân đã vào bán, vào mua nên trong quá trình quy hoạch sắp xếp chợ tạm phải tổ chức thăm dò ý kiến của người dân.
“Tôi nhấn mạnh là không phải dẹp, đẩy đuổi mà phải sắp xếp tổ chức lại cho nghiêm túc, khoa học, tạo điều kiện cho người dân và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn giao thông” ông Phong nói thêm.
Trang bị thẻ chip cho học sinh
Theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, hiện nay trên địa bàn quận này còn 8 địa điểm gây ùn tắc giao thông, trong đó có 5 trường học và 3 chợ tạm. Ở trường học, vào đầu và cuối giờ học, trung bình khoảng có 7.000 - 8.000 lượt học sinh có cha-mẹ, người thân đưa đón nên dễ gây ùn tắc giao thông.
Vì thế, sắp tới đây, quận 1 sẽ phối hợp với các trường học, xe buýt để đưa đón học sinh tới trường. Trước mắt, địa phương này sẽ thí điểm ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (đường Nguyễn Du).
Để đảm bảo an ninh cho học sinh, Chủ tịch quận 1 nói sẽ trang bị cho mỗi học sinh một thẻ chip để ba mẹ, người thân có thể nắm được tình hình con cái đang ở đâu, làm gì ở trường, hoạt động gì… Trên xe buýt, quận 1 cũng trang bị hệ thống camera để theo dõi, giám sát hoạt động của xe buýt cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh.
Trong khi đó, xe buýt khi chở học sinh đến sẽ tập kết ở những địa điểm gần trường để học sinh đi bộ vào và không gây ra kẹt xe ở trước khu vực cổng trường.
Phan Diệu