TP.HCM thời gian gần đây đã liên tục có nhiều động thái như phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, đề xuất sử dụng ngân sách, lấy đất công… đầu tư dự án nhằm tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội.
UBND TP.HCM tuần trước đã ban hành quyết định về phê duyệt phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh TP.HCM, UBND TP.HCM phê duyệt quỹ vốn cho vay mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở cho các quận, huyện với số tiền là 10 tỉ đồng.
Cụ thể, quận 3 là 1,1 tỉ đồng, quận 5 là 200 triệu đồng, quận 7 là 800 triệu đồng, quận 8 là 400 triệu đồng, quận 10 là 1 tỉ đồng, quận 12 là 2 tỉ đồng, quận Tân Bình là 500 triệu đồng, quận Bình Thạnh là 1 tỉ đồng, quận Bình Tân là 1 tỉ đồng, huyện Hóc Môn là 1 tỉ đồng, huyện Bình Chánh là 300 triệu đồng, huyện Nhà Bè là 700 triệu đồng.
Cũng liên quan đến bố trí nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TP.HCM cũng mới có đề xuất gửi Bộ Xây dựng phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất). Việc này nhằm để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM và giải quyết cho các hộ gia đình chính sách vay mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ triển khai việc cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở, cũng như chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất công; cải cách hành chính các thủ tục đầu tư xây dựng.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là giải pháp căn cơ để góp phần giải quyết tình trạng xây dựng nhà không phép trên địa bàn hiện nay. Từ khi Luật Nhà ở 2006 có hiệu lực đến nay, TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội với hơn 47.500 căn. Đến nay đã có 12 dự án hoàn thành với 3.886 căn hộ.
Cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư, hoàn thành 35 dự án nhà lưu trú công nhân với 5.500 căn hộ, đáp ứng gần 40.000 chỗ ở cho công nhân và năm dự án xây ký túc xá sinh viên, đáp ứng khoảng 61.000 chỗ ở.
Hiện nay, TP.HCM còn triển khai 39 dự án xây nhà ở xã hội với gần 43.700 căn hộ. Sở Xây dựng rà soát, thống kê 94 dự án phát triển nhà ở thương mại có dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội với số căn hộ nhà ở xã hội dự kiến khoảng 157.000 căn.
Trong năm 2020, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương dành 9 khu đất với diện tích hơn 60.000m2 để xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. 9 khu đất này nằm ở nhiều quận, huyện gồm quận 4 (gần 4.000m2), quận 6 (gồm 2 khu đất với diện tích hơn 5.000m2), quận 9 (8.872m2), quận 12 (gồm 2 khu đất với diện tích gần 12.000m2), quận Thủ Đức (7.000m2), huyện Bình Chánh (gần 13.500m2), huyện Củ Chi (gần 4.500m2). Các khu đất này Nhà nước đang trực tiếp quản lý.
Trong đó, khu đất rộng gần 12.000m2 ở quận 12 đã được xác định chỉ tiêu quy hoạch khoảng 540 căn hộ. Còn 8 khu đất còn lại UBND quận, huyện đã xác định chỉ tiêu quy hoạch làm cơ sở để đấu thầu chọn chủ đầu tư.
Đối với khu đất 7.000m2 ở quận Thủ Đức, Sở Xây dựng đã gọi nhà đầu tư, nhưng chỉ có hai nhà đầu tư đăng ký tham gia và đều không đáp ứng được yêu cầu theo quy định về đấu thầu.
Do vậy, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép tổ chức đấu thầu mời gọi đầu tư. Khu đất nào có một nhà đầu tư đăng ký tham gia thì thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật nhà ở. Nếu có hai nhà đầu tư trở lên đăng ký sẽ chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng về đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Phan Diệu