TP.HCM sẽ ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng công nghiệp; định hướng khu vực phát triển hạ tầng công nghiệp trong tương lai của thành phố.

TP.HCM sẽ ưu tiên quỹ đất để phát triển hạ tầng công nghiệp

Phan Thị Diệu | 09/09/2020, 18:40

TP.HCM sẽ ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng công nghiệp; định hướng khu vực phát triển hạ tầng công nghiệp trong tương lai của thành phố.

Ngày 9.9, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn chỉnh đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM 2020 – 2045 dựa trên quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2010, có tính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Trong đó, TP.HCM đưa ra giải pháp cho việc điều chuyển một số khu công nghiệp, khu chế xuất thành khu công nghiệp hiện đại ứng dụng khoa học công nghệ cao (tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô bốt, các phần mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng…).

TP.HCM cũng lưu ý đề án cần bao gồm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn (5 năm, 10 năm, 20 năm, cho đến năm 2045). Đặc biệt, TP.HCM sẽ ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng công nghiệp; định hướng khu vực phát triển hạ tầng công nghiệp trong tương lai của thành phố; xác định gắn khu công nghiệp với cảng biển, cảng sông.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng các đường vành đai; dành quỹ đất để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa. Thành phố cũng đưa ra giải pháp nâng cấp các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu; có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các khu công nghiệp; đề xuất các giải pháp về quản lý vận hành khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đáng chú ý, liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp, UBND TP.HCM mới đây đã có công văn khẩn gửi Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho Công ty TNHH Điện tửSamsungHCMC CE Complex (Công ty Samsung) được chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất theo hình thức "doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong Khu Công nghệ cao". Việc chuyển đổi này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng Samsung cũng như những doanh nghiệp phụ trợ trên địa bàn thành phố đầu tư sản xuất kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.

Theo UBND TP.HCM, việc chuyển đổi này là một phần trong cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, củng cố niềm tin của Tập đoàn Samsung. Việc này cũng định hướng Việt Nam sẽ là trọng tâm của hoạt động đầu tư sản xuất, xuất khẩu của Tập đoàn Samsung cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Trước đó, năm 2018, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã đề nghị Bộ Tài chính chuyển Công ty Samsung thành doanh nghiệp chế xuất. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu công nghệ cao, không phải hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu kinh tế.

Mặt khác, tổng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của Samsung từ tháng 1.2016 đến tháng 6.2018 là 165.613 tỉ đồng, trong đó hơn 75% là doanh thu chịu thuế suất 0% (doanh thu xuất khẩu). Như vậy, tỷ lệ xuất khẩu của Công ty Samsung chỉ đạt trung bình khoảng 75%, chưa đảm bảo điều kiện là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của Nghị định 82/2018. Do đó, Bộ chưa có cơ sở để cho phép công ty này chuyển thành doanh nghiệp chế xuất.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM sẽ ưu tiên quỹ đất để phát triển hạ tầng công nghiệp