Sau nhiều lùm xùm liên quan đến đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng của dự án chống ngập 10.000 tỉ, các cơ quan ban, ngành đang tham mưu cho UBND TP 2 phương án xử lý đơn vị này.

TP.HCM tính phương án xử lý đơn vị tư vấn dự án chống ngập 10.000 tỉ

thanhnien | 03/11/2018, 07:29

Sau nhiều lùm xùm liên quan đến đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng của dự án chống ngập 10.000 tỉ, các cơ quan ban, ngành đang tham mưu cho UBND TP 2 phương án xử lý đơn vị này.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản kết luận cuộc họp đề ra các biện pháp tái khởi động dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP giao Trung tâm chống ngập (đơn vị điều hành dự án) phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ pháp lý dự án, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP và để tiếp tục triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật, hợp đồng đã ký.

Nếu có nội dung chưa phù hợp, tham mưu đề xuất UBND TP phương án giải quyết tháo gỡ cụ thể. Đồng thời làm rõ nguyên nhân dự án chậm triển khai, dừng thực hiện, trách nhiệm của các bên liên quan; dự án có thể tiếp tục triển khai thực hiện được không, thời gian dự kiến hoàn thành. Về ý kiến của đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ), đặc biệt là cơ chế ký xác nhận ba bên có phù hợp không.

Về giải phóng mặt bằng còn tồn đọng, UBND TP giao các đơn vị liên quan điều chỉnh ranh đền bù giải phóng mặt bằng cống kiểm soát triều Mương Chuối khi di dời vị trí nhà quản lý trung tâm và sớm có ý kiến về điều chỉnh xây dựng mới đoạn đê kè 4 đi qua Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ. UBND huyện Nhà Bè, UBND quận 7 khẩn trương hoàn thành các thủ tục để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Đáng chú ý, trong cuộc họp này, các cơ quan liên quan như Trung tâm chống ngập, Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp đã thống nhất tham mưu cho UBND TP hai phương án xử lý liên quan đến đơn vị TVGSHĐ.

Phương án 1: Trường hợp liên danh TVGSHĐ (đại diện là Meinhardt) không đủ điều kiện thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật thì thống nhất báo cáo UBND TP quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá khối lượng hoàn thành (do nhà đầu tư báo cáo được xác nhận từ đợt 1 đến đợt 7) đã được tổ công tác liên ngành TP thực hiện. Tức quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá khối lượng hoàn thành của dự án sau này có thể không thông qua liên danh TVGSHĐ mà sẽ do tổ liên ngành TP thực hiện.

Phương án 2: Trường hợp thay thế thành viên đứng đầu liên danh TVGSHĐ (Công ty Meinhardt) hoặc lựa chọn đơn vị TVGSHĐ mới để tiếp tục thực hiện công việc TVGSHĐ dự án, đề xuất UBND TP xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong trường hợp chờ xin ý kiến kéo dài thì tiến hành xử lý như phương án 1.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP yêu cầu thi hành cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập hoạt động, giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt vì nợ thuế kéo dài gần 22,7 tỉ đồng.

Cục Thuế TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng TP về việc nợ thuế của nhà thầu Meinhardt (Công ty Meinhardt International PTE.LTD - đăng ký hoạt động tại Singapore) - thầu chính tư vấn giám sát thi công xây dựng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, tính đến ngày 18.10, nhà thầu này còn nợ thuế tại Cục Thuế TP.Hà Nội số tiền hơn 31,2 tỉ đồng, trong đó có hơn 1 tỉ đồng nộp hộ nhà thầu nước ngoài. Cục Thuế TP.Hà Nội đã thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và công khai nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng đối với doanh nghiệp này nhưng đến nay vẫn chưa thu đủ.

Cục Thuế TP.Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng xem xét có giải pháp hỗ trợ cơ quan thuế trong việc thu hồi số nợ trên. Đồng thời, báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình nợ thuế của nhà thầu Meinhardt đã vi phạm điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng tại Việt Nam, cân nhắc xem xét đối với việc đề nghị cấp giấy phép tư vấn xây dựng của công ty đối với các hợp đồng sau này.

Hà Mai/Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM tính phương án xử lý đơn vị tư vấn dự án chống ngập 10.000 tỉ