Tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP.HCM ) được chi 160 tỉ đồng để lắp cống hộp chống ngập nhưng đến nay vẫn ngập, và dường như ngập nặng hơn. Vì sao?
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 24.10, ông Lý Thanh Long – Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM nói tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) được đầu tư 160 tỉ đồng để lắp cống hộp chống ngập nhưng đến nay vẫn ngập.
Theo ông Long, tuyến đường Nguyễn Văn Quá vẫn còn xảy ra tình trạng ngập, tuy nhiên nước rút hết nhanh khi dứt mưa. Nguyên nhân do kênh Đồng Tiến (rạch Cây Liêm) tiếp nhận lưu lượng rất lớn, khoảng 480ha từ các phường Trung Mỹ Tây, phường Đông Hưng Thuận, khi tiếp giáp đường Nguyễn Văn Quá, lòng rạch thu hẹp tiết diện thay bằng cống D1000 thoát không kịp, chảy tràn lên các tuyến hẻm, chảy ra đường Nguyễn Văn Quá, gây ngập.
Đồng thời, vị trí rạch Cầu Suối băng đường Nguyễn Văn Quá bằng tuyến cống D1000 không đảm bảo thoát nước cho khu vực thượng nguồn gồm một phần các phường Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp, Đông Hưng Thuận gây ngập.
Ngoài ra, dự án xây dựng hệ thống thoát nước cho tuyến đường Nguyễn Văn Quá thuộc dự án thành phần số 5, 6 của dự án nâng cấp đô thị thành phố do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư, đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Tại vị trí cống Cây Liêm (từ Nguyễn Văn Quá thoát về kênh Tham Lương) thi công chưa đúng theo quy hoạch thoát nước chung của khu vực (do vướng mặt bằng nên không thi công đủ 02 cống hộp 2mx2m theo thiết kế), làm giảm khả năng thoát nước hạ nguồn.
Để giải quyết thoát nước cho tuyến đường Nguyễn Văn Quá, ông Long cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đang tập trung triển khai các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo rạch Cây Liêm và dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Suối để mở rộng lòng rạch tại các vị trí thu hẹp dòng chảy, lắp đặt hoàn thiện hệ thống cống hộp cho tuyến đường Nguyễn Văn Quá. Bên cạnh đó, tập trung duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước.
Trong khi đó, tuyến đường song song với Nguyễn Văn Quá là tuyến đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) luôn trong tình trạng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn suốt từ nhiều năm qua.
Điều này, theo ông Long là do tuyến đường Phan Huy Ích (đoạn từ Trường Chinh đến Huỳnh Văn Nghệ) thoát nước chính ra tuyến kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình). Khi mưa lớn lưu lượng nước từ thượng lưu đổ dồn về rất lớn làm mực nước trong kênh dâng cao, hạn chế dòng chảy, nước thoát chậm gây ngập cục bộ cho đoạn đường này.
Ngoài ra, tuyến kênh Hy Vọng thoát nước chính cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến đường Tân Sơn , đường Phạm Văn Bạch, đường Phan Huy Ích và khu vực phường 15 (quận Tân Bình) có tiết diện nhỏ, rộng trung bình 6,7m, hiện chưa đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực.
Để giải quyết thoát nước cho tuyến đường Phan Huy Ích, ông Long cho biết Trung tâm hạ tầng thường xuyên thực hiện công tác duy tu nạo vét đảm bảo thông thoáng hệ thống thoát nước, sửa chữa mở rộng miệng thu nước, đồng thời tổ chức ứng trực, vớt rác, trước, trong khi mưa, đảm bảo thoát nước và mỹ quan đô thị.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đang đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng, và đang chờ Hội đồng nhân dân TP xem xét, thông qua.
“Khi dự án được triển khai thực hiện đầu tư phù hợp với quy hoạch sẽ giải quyết tình trạng thoát nước tại khu vực cũng như tuyến đường Phan Huy Ích”, ông Long nói.