Chúng tôi đi thăm Tràm Chim miệt Đồng Tháp vào một ngày đẹp trời cuối năm 2016. Trên chuyến xe, chúng tôi nói chuyện về sự trù phú của vùng đất Nam Bộ mà chúng tôi tin rằng nếu có môi trường thúc đẩy, được sự hướng dẫn tài năng và liêm chính thì cư dân sẽ giàu mạnh, no ấm và văn minh chẳng mấy hồi.

Tràm Chim và chợ chim nói lên cả hai vấn đề xã hội 'quan trí' và dân trí

06/01/2017, 11:04

Chúng tôi đi thăm Tràm Chim miệt Đồng Tháp vào một ngày đẹp trời cuối năm 2016. Trên chuyến xe, chúng tôi nói chuyện về sự trù phú của vùng đất Nam Bộ mà chúng tôi tin rằng nếu có môi trường thúc đẩy, được sự hướng dẫn tài năng và liêm chính thì cư dân sẽ giàu mạnh, no ấm và văn minh chẳng mấy hồi.

Cảnh Vườn Quốc gia Tràm Chim ở Tam Nông - Ảnh: vietnamtourism

Những tấm hình đẹp mê hồn của hàng trăm, hàng ngàn cánh cò trắng phau bay lên, đáp xuống trên tán cây mạ ráng chiều đuợc chuyền tay nhau trong ánh mắt trầm trồ cùng từng tràng xuýt xoa…

Từ đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, qua Bến Lức, tới Tân An chúng tôi rẽ phải ra khỏi cao tốc theo hướng Mộc Hóa. Khoảng vài mươi cây số, tài xế kêu lên: “Tới chợ chim rồi. Ai mua chim về nuôi, về nấu cháo thì ghé vô. Chim sống, chim lặt lông, chim lớn, chim con có đủ hết!”.

Trước mắt chúng tôi là một dãy chòi bán chim nằm cạnh nhau trên chiều dài khoảng trăm mét. Bội chim sắp san sát bên ngoài, bên trong là chim treo ngược đầu cọc tre, chim nhốt lồng… Lại có cả chim chết bị vặt trụi lông bỏ trên những tấm ván dùng làm thớt!

“Chim bắt ở đâu vậy anh?”.

“Miệt này chim chóc thiếu chi! Dân chúng bẫy bắt đem ra đây bán, tụi tui thu”.

“Có chim trong Tràm đem ra bán không?”.

“Ai biết đâu, chim trời cá nước. Trong tràm ngoài tràm gì tụi tui thu hết! Chim nào hổng là chim?”.

Xin mời các độc giả xem hai tấm hình dưới đây cho thấy độ lớn cũng như mức độ tàn ác với chim chóc một cách hồn nhiên của cái chợ chim công khai này!

Chợ chim công khai trên đường từ Tân An tới Tràm Chim

Chim nhốt trong bội, trong lồng, treo trên đầu cột và vài con chim bị vặt lông ở sâu phía trong hình

Tràm Chim là nơi đất thấp, ngập nước, hàng năm chim di trú từ phương bắc bay về tránh giá lạnh. Miền Nam có nhiều tràm chim tại vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau…

Một tràm chim tại Đồng Tháp Mười được xếp hạng là Vườn Quốc gia Tràm Chim. Theo Wikipedia: “Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Tọa độ địa lý 10°40′ – 10°47′ vĩ bắc, 105°26′ - 105°36′ Đông với tổng diện tích 7.313ha nằm trong địa giới của 5 xã (Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sính) và Thị trấn Tràm Chim, với số dân trong vùng là 30.000 người”.

Cũng theo Wikipedia, nhiệm vụ của Vườn Quốc gia Tràm Chim là: “Bảo tồn hệ sinh thái ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài chim sếu (Grus antigone), bảo tồn các loài động - thực vật bản địa, các nguồn gien quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”.

Tóm lại, các tràm chim là nguồn lợi và phong cảnh đặc trưng của miền Nam tổ quốc, trong đó Vườn Quốc gia Tràm Chim là nơi tồn trữ nguồn sinh vật cực kỳ quý hiếm, nơi có nhiệm vụ giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá của tổ quốc. Đây là nhiệm vụ rất lớn đối với tổ quốc lẫn với thế giới.

Vậy mà một chợ chim công khai nằm trên đường đi tới Tràm Chim. Ngược lại hoàn toàn với nhiệm vụ của Tràm Chim, nhiệm vụ của chợ này chắc chắn là săn, bẫy, bắt và tiêu diệt chim, những con chim bay tới Tràm, bay khỏi Tràm tìm thức ăn và chưa kịp về Tràm… Có thể đặt câu hỏi liệu có những con chim được bắt từ trong Tràm ra không? Ai bắt?...

Sự hiện diện của chợ chim cho thấy:

1) Dân trí thấp. Dân chúng chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ những con chim quý hiếm, có tên trong sách đỏ cần được bảo vệ. Dân trí thấp còn ở chỗ cách nhốt chim, treo chim… mà tôi chắc rằng xã hội tiến bộ và văn minh hiện nay cho là dã man!

2) Chợ chim bày bán công khai như thế quan chức địa phương biết không? Ở địa phương đó, Tràm Chim là một nguồn lợi lớn và sự bảo vệ Tràm Chim là một trách nhiệm lớn, một đạo đức lớn. Nếu đồng ý rằng dân trí thấp, thì với cái chợ chim công khai như thế, ta nghĩ rằng quan trí thấp hay cao?

Những vị quan địa phương nghĩ gì về cái chợ chim? Nếu họ không tự thấy trách nhiệm của mình trong đó, thì chưa có người nào trong số cấp trên của họ đi qua chợ chim này sao? Nếu có, những người cấp trên có thể thản nhiên được không?

Tôi thường nghe những vị quan chức phê bình dân trí thấp, người dân thiếu ý thức… Dân trí thấp còn nhờ quan trí cao để nâng lên, nếu quan trí thấp thì dân trí ra sao?

Tôi không nêu địa chỉ của chợ chim này, vì nghĩ chắc không chỉ có một chợ chim. Hơn nữa chợ chim này bị dẹp thì chợ khác mọc lên, nhiều hơn và lớn hơn. Cái gốc của vấn đề nằm ở dân trí và nhất là quan trí kia!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tràm Chim và chợ chim nói lên cả hai vấn đề xã hội 'quan trí' và dân trí