Vụ triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" đã trở thành vấn đề của đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên quá bất ngờ về sự việc? Lần đầu cuộc chiến “tranh giả tranh thật” xảy ra hay chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”?

Tranh giả xuyên biên giới

DDVN | 12/08/2016, 06:28

Vụ triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" đã trở thành vấn đề của đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên quá bất ngờ về sự việc? Lần đầu cuộc chiến “tranh giả tranh thật” xảy ra hay chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”?

Có hay không việc toa rập áp phe tranh giả xuyên biên giới từ nước ngoài trở về đội lốt tranh của các mét, các danh họa rồi mượn những cửa pháp nhân uy tín như “viện bảo tàng”, “viện mỹ thuật” treo tranh để hợp thức hóa như một biến tướng mới của thị trường tranh Việt?

Thị trường tranh giả theo các Maphia nghệ thuật quốc tế

Vụ việc lùm xùm xoay quanh bức tranh của họa sĩ Tạ Tỵ nằm trong bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của ông Vũ Xuân Chung triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trung tuần tháng 7.2016 bị họa sĩ Thành Chương lên tiếng nói tranh của mình làm nóng dư luận. Mặc dù bộ tranh này đã có kết luận của Hội đồng thẩm định gồm những họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật uy tín như Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Quân, Uyên Huy “phần lớn 16.17 bức là tranh giả” và hiện nay bảo tàng đã dỡ xuống, khép lại cuộc triển lãm tai tiếng - vì hết thời hạn treo nhưng liệu Thành Chương có phải là tác giả thật của bức tranh hay không vẫn còn tranh cãi không dứt.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết ý kiến của anh chưa thể chắc chắn là tranh Thành Chương vì ông cũng không trưng ra được ảnh gốc giống 100%. Cái hình họa sĩ đưa lên báo chí chỉ là phác thảo hao hao giống nên không kết luận được! Họa sĩ làm việc có thể vẽ phác thảo hàng trăm bức. Nhưng bức tranh chỉ có một. Đó là chưa kể nhiều người nói bức tranh được cho là của Tạ Tỵ và phác thảo hao hao giống Thành Chương cũng chỉ là những sao chép tranh trừu tượng, lập thể của Picasso. Vậy nên “mèo nào cắn mỉu nào” vẫn còn để ngõ cho những câu hỏi. Chỉ chắc một điều những bức tranh “lập lờ” này đang cố tình mượn cửa uy tín của Viện bảo tàng, Viện mỹ thuật... để được treo và “chính danh” sau các triển lãm. Một tranh luận khác xung quanh ông Jean Francois Hubert, chuyên viên giám định tranh của hãng đấu giá tranh nổi tiếng Christie's Hong Kong.

Liệu ông này có là một “maphia” lập các “hồ sơ thật” cho tranh giả rồi bán thốc bán tháo cho ông Vũ Xuân Chung hay không? Câu nói nổi tiếng của ông Chung khi tức giận quyết định lao vào “đấm thụi” ăn thua đủ với họa sĩ Thành Chương tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: “Mày nói cái gì ba lăng nhăng với các bức tranh của tao thế? Mày có biết tao phải mua nó bao nhiêu tiền không?” cho biết ông phải trả tiền cho Francois Hubert một cái giá “không thể đùa” là hàng chục, hàng trăm ngàn đô".

Với nhiều người am hiểu Hubert không thể làm giả tranh Thành Chương thành Tạ Tỵ mà chỉ có thể làm tranh giả của Tạ Tỵ từ tranh thật của Tạ Tỵ (!?). Tại sao? Bởi Tạ Tỵ là một tên tuổi nổi tiếng! Khi ông qua đời các bức tranh của ông sẽ được các nhà sưu tập, gia đình, người yêu tranh thống kê. Thời gian vẽ, chất liệu, màu sắc. Các họa sĩ nổi tiếng đều có những vựng tập, catalogue riêng! Chú thích rõ ngày tháng thời điểm sáng tác. Không thể đánh nhầm tréo ngoe từ ông Tỵ sang ông Chương được! Rõ ràng trong vụ việc này chưa thể khép lại! Vì bạn bè, các tri âm yêu thích tranh họa sĩ Tạ Tỵ vẫn còn sống trong và ngoài nước. Bởi thế, theo người viết sẽ còn tiếp diễn nhiều ly kỳ “vô tiền khoáng hậu” mà không ai có thể tiên đoán được! Hãy chờ xem!

Tranh giả từ...trong nhà họa sĩ ra thị trường

Là một nhà báo từ lâu theo dõi địa hạt mỹ thuật, người viết nhận thấy chưa bao giờ làng tranh Việt phức tạp và hỗn loạn như hiện nay. Hình như thực trong ảo và ảo trong thực. Thật khó lường! Trong khi tên tuổi những họa sĩ, danh họa như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Tạ Tỵ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Đinh Cường, Lưu Công Nhân... không tăng “theo cấp số nhân” cả tác phẩm mới và cũ - vì có người đã qua đời, hay từ lâu ngưng sáng tác vì tuổi cao sức yếu không còn cầm nổi cây cọ thì nhu cầu của xã hội vẫn nâng lên không ngừng do trình độ thưởng thức và thị hiếu. Vì thế tranh giả được làm ra là tất yếu! Cao siêu hơn, tranh được làm giả từ “lò” trong nhà các họa sĩ do con trai, người thân hay chỗ quen biết của danh họa. Từ vị thế này, cái giả hiển hiện được xem như “tất nhiên” vì có sự thông đồng của chính họa sĩ.

Người viết đã từng mục kỉnh tranh của các danh họa do con trai ông vẽ ra hàng loạt - những bức nổi tiếng và chính anh ta ký tên vào. Giống hệt như thật! Hay “vi diệu” hơn, chính anh ta đẩy xe lăn ông cụ vào phòng tranh và cầm tay bố mình run rẩy ký vào từng bức tranh do... anh ta vẽ (!?). Như thế, một bức tranh “hồn Trương Ba da hàng thịt” mặc nhiên được thừa nhận! Khoảng giữa năm 2012, một ấn phẩm catalogue về tranh của một danh họa chuyên vẽ phố cổ Việt Nam ở Hà Nội của nhà sưu tập Hàn Quốc khá nổi tiếng được in. Dư luận gồm những người thạo tranh và chuyên vỉa hè tranh pháo phản hồi 99% tranh trong catalogue này là tranh giả, tranh đểu. Người viết đã bằng mọi cách liên lạc để có catalogue này! Quả thật không thể tin được là rất nhiều tranh giả đã “lọt” vào ấn phẩm quan trọng! Vô tình hay cố ý?

Thật khó để diễn giải. Vì sự thật thế này! Bằng con mắt tinh đời, nhà nghề của những ai biết xem tranh pháo, xét đoán quá dễ dàng để nhận ra. Bên cạnh đường nét thô vụng, những nhấn nhá màu sắc cố ý không thể bằng sự buông bắt, tài hoa nghệ sĩ. Vậy tại sao nhà sưu tập Hàn Quốc có thể bỏ ra một khoản tiền lớn để mua những bức tranh đểu, tranh giả như vậy? Thì ra toàn bộ những bức tranh này được môi giới ngay tại nhà họa sĩ sau khi ông đã qua đời. Người bán không ai khác là các thành viên tứ đại đồng đường! Dưới mỗi bức tranh đều có giấy “đảm bảo tranh thật” của người nhà. Và nhà sưu tập Hàn Quốc còn kỹ lưỡng hơn, phô ra từng bức tranh phố cổ được chụp với từng thành viên gia đình họa sĩ. Họ là ai? Vợ ông, con trai, con gái, cháu chắt ông... Và giới sưu tập chặc lưỡi: “Thì thôi, không phải tranh họa sĩ thì cũng là người nhà họa sĩ!”...

Nguyễn Hữu Hồng Minh / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh giả xuyên biên giới