Quân đội nhân dân CHDCND Triều Tiên (KPA) có 1,2 triệu quân, nhưng không thể nuôi quân ăn đủ sức chiến đấu, vì sĩ quan Triều Tiên lấy khẩu phần ăn của lính, bán cho tư thương để tư lợi, theo một nhà làm phim tư liệu người Nhật Bản.

Triều Tiên: Lính suy dinh dưỡng vì sĩ quan tuồn phần ăn cho tư thương

26/08/2017, 19:17

Quân đội nhân dân CHDCND Triều Tiên (KPA) có 1,2 triệu quân, nhưng không thể nuôi quân ăn đủ sức chiến đấu, vì sĩ quan Triều Tiên lấy khẩu phần ăn của lính, bán cho tư thương để tư lợi, theo một nhà làm phim tư liệu người Nhật Bản.

Lính Triều Tiên suy dinh dưỡng vì thiếu ăn-Ảnh Getty Images

Báo Guardian (Anh) ngày 23.8 dẫn lời đạo diễn Jiro Ishimaru, người có quan hệ thân cận với dân làm báo Triều Tiên: “Họ phải nuôi ăn quá nhiều quân, mà tham nhũng tràn lan, có lúc các sĩ quan cấp cao lấy khẩu phần ăn của lính để bán cho tư thương để thu vén cá nhân, lính quèn chẳng được ăn đủ no, quá yếu sức để có thể chiến đấu”.

Ông còn nói: “Vì Nhà nước Triều Tiên không thể lo cho dân, đã có một thị trường tư nhân về lương thực và quần áo do Trung Quốc sản xuất, và các quan chức ngó lơ, thậm chí khuyến khích. Chính quyền cho phép thị trường này hoạt động, vì họ biết nhà nước rồi sẽ sụp đổ”.

Binh lính Triều Tiên bị suy dinh dưỡng

Ishimaru còn nói chính ông chứng kiến điều kiện ăn-ngủ của lính KPA, phát hiện nhiều “binh lính suy dinh dưỡng” giặt quân phục ở sông Yalu giáp Trung Quốc.

Trong khi chất lượng cuộc sống của một số quan chức được cải thiện, đại bộ phận trong tổng số 25 triệu dân sẽ phải chật vật kiếm ăn, những người dân thường có thể bị thất nghiệp vì lệnh cấm vận của quốc tế, theo nhà làm phim Ishimaru.

Ông lo ngại việc lãnh đạo Kim Jong-un mải mê phóng tên lửa và gây căng thẳng với Mỹ, sẽ làm Bình Nhưỡng không quan tâm những khó khăn của dân thường.

Ishimaru nói: “Điều Kim Jong-un muốn là phát đi hình ảnh Triều Tiên mạnh mẽ, lãnh đạo và quân dân đoàn kết một lòng. Ở nước khác có thể bất ổn vì thiếu lương thực nhưng không có ở Triều Tiên”.

Nhà làm phim nói: “Hạn hán, kết hợp với lệnh cấm vận sẽ khiến kinh tế Triều Tiên đi theo hướng nguy hiểm từ mùa xuân 2018. Đấy là thời điểm khó khăn cho người dân”.

Ông cho biết nguồn tin nặc danh ở Triều Tiên nói một bộ phận quần chúng cảm thấy “vỡ mộng”, vì Bình Nhưỡng chỉ lo phát triển tên lửa, thay vì cải thiện đời sống người dân.

Nguồn tin này nói: “Ai cũng biết mỗi khi chính quyền phóng tên lửa, tiếp nối sẽ là sự trừng phạt kinh tế. Người dân không thể vui mừng. Lúc đầu, họ tự hào việc chế độ công khai đối đầu với Mỹ bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, nhưng nay, cảm xúc chống Mỹ đã suy yếu, sự tôn trọng chế độ bị xuống cấp”.

Hội đồng bảo an LHQ vừa từng phạt Triều Tiên, nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ 3 tỉ USD/năm từ hàng hóa Triều Tiên xuất khẩu, đe dọa tạo thêm một tầng đói khổ cho dân thường nước này.

Các biện pháp trừng phạt đe dọa việc làm dựa vào xuất khẩu, gồm thợ mỏ Musan, mỏ quặng thép lớn nhất Triều Tiên.

Việc cấm xuất khẩu hải sản sẽ khiến ngư dân Triều Tiên bị tổn thất mạnh, vì cuộc sống của họ chủ yếu trông cậy bán được hải sản cho Trung Quốc.

Lãnh đạo Kim Jong-un tham quan một trại heo của không quân Triều Tiên

Nguy cơ tái diễn nạn đói chết hàng triệu người dân

Theo các cơ quan LHQ, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng nhanh hơn vẫn không đủ giúp Triều Tiên chống lại hậu quả vụ hạn hán nghiêm trọng nhất từ 16 năm qua ở nước này.

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã đưa tin “chiến dịch phòng chống” được bắt đầu từ tháng 5, để “đối phó hạn hán nghiêm trọng”.

Hồi tháng 7, phân tích ảnh vệ tinh đã khiến Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) phát lệnh báo động đặc biệt, dự báo vụ gặt 2017 ở Triều Tiên sẽ giảm 30% so với cùng kỳ năm 2016, và kêu gọi Bình Nhưỡng hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân nước này.

Báo cáo viết: “Đang rất cần mưa to để tránh nguy cơ mất mùa. Nếu điều kiện hạn hán kéo dài, tình hình an ninh lương thực rất có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Hầu hết người dân Triều Tiên hoàn toàn lệ thuộc nông sản để tồn tại. Đến lúc này, điều cần là nông dân được hỗ trợ sản lượng nông nghiệp đúng lúc và thiết thực”.

Các quan chức LHQ quyết tâm tránh tái diễn nạn đói những năm 1990, vốn làm khoảng 1 triệu người Triều Tiên chết đói, theo một số ước tính.

LHQ cũng lo ngại viễn cảnh suy dinh dưỡng tràn lan cùng các dịch bệnh, khi Triều Tiên trải qua cơn hạn hán nặng nề nhất kể từ năm 2011, đã duyệt khoản viện trợ nhân đạo 6,3 triệu USD, để Triều Tiên đối phó việc thiếu hụt gạo, ngô, khoai và các nông sản khác.

Bên cạnh đó là Triều Tiên bị quốc tế trừng phạt, trong khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục vung nguồn vốn hạn hẹp để theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công nước Mỹ.

Một báo cáo khác của LHQ hồi tháng 3 đã nêu: khoảng 18 triệu dân nước này bị thiếu ăn. Điều có nghĩa 70% dân số phải trông cậy sự hỗ trợ lương thực của chính quyền, gồm 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.

Báo cáo xác định: dân Triều Tiên cũng cần được chăm sóc y tế cơ bản và hỗ trợ đời sống vệ sinh. Không có được nước uống an toàn và không có điều kiện sống vệ sinh tốt hơn, bệnh phù phổi và tiêu chảy là những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em dưới 5 tuổi bị chết non.

Báo cáo còn lưu ý: những khẩu phần 380 gram cháo khoai do nhà nước cấp hỗ trợ cho một người dân đã giảm chỉ còn 300 gram.

Triều Tiên có khoảng 25 triệu dân. Khoảng 5,6 triệu dân đã phải chịu đựng những thiên tai như lũ lụt và hạn hán từ năm 2004 đến năm 2015.

Nhưng Bình Nhưỡng dồn ¼ ngân sách cho quân sự, thay vì dùng tiền để nuôi dân đang đói. Triều Tiên chi khoảng 25% GDP cho bộ binh, hải quân và không quân.

Ngược lại, khoản chi quân sự trung bình của thế giới chỉ là 2% GDP, theo báo cáo năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Báo cáo nêu từ những vụ phóng tên lửa của ông Kim Jong-un trong thời gian qua, cùng việc Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, các tổ chức thiện nguyện và lãnh đạo các nước khác đã kéo giảm những khoản giúp đỡ nhân đạo, càng khiến người dân Triều Tiên khó khăn lắm mới có được miếng ăn.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên: Lính suy dinh dưỡng vì sĩ quan tuồn phần ăn cho tư thương