Nguyễn Hàng Tình

Trỗi dậy để vàng lên mênh mông

Một Thế Giới | 21/11/2013, 04:30

Nguyễn Hàng Tình

           

Bên bờ hồ Xuân Hương, một đôi uyên ương đưa nhau đi chụp hình lưu niệm ngày họ cưới nhau. Tôi sững người khi trên tay cô dâu không phải bó hoa hồng, hoa lily sang trọng như bao cô dâu ngày nay mà là hoa dã quì hoang dại.

Bó hoa dã quì giữa trời kia nhắc tôi về vùng bình nguyên rộng lớn dưới chân đèo Prenn, nơi có thể thiêu đốt ta bởi một loài hoa có một thứ quyền lực tự nhiên, vì Đà Lạt đã đô thị hóa, bê tông thế dần chỗ sơn nguyên rồi…Tôi lại “trôi” theo cây quì vàng.

Đây con suối Da Tam vàng rực loài hoa mà cô dâu kia cầm. Dã quì cứ đất trống là mọc, tìm sương gió mà lên, nên hai bên bờ suối cũng là không gian sinh tồn của nó. Lúc này, nó làm ta liên tưởng cứ như dòng suối kia chảy ra hoa Dã quì. Nó chảy mãi về tận Finôm cách đó hai mươi ba cây số.

unnamed (14)

Phủ xuống miên man

Suối kia hết đường lại đổ xuống sông Đa Nhim. Dã quì lại vàng như một dòng sông sắc màu. Lòng sông Đa Nhim mới xanh ngút đó, giờ chợt nhuộm lên màu vàng cam hun hút. Độ rộng của lòng sông xưa, luôn cạn nước, khiến quì có đất sống, nuôi ủ sắc vàng chờ mùa về. Sắc vàng chen đôi bờ, tràn xuống lòng sông, phủ xuống vách đá, lấn át cỏ dại, liếm lên những vườn lơghim của dân nông ở bên trên.

Màu vàng cam chế ngự mọi thứ thảo mộc có hoa khác. Trên những cây cầu, hai đầu cầu bỗng xuất hiện thứ “cổng chào” thiên nhiên được làm bằng cây hoang dã quì. Nhìn sát vào từng đóa là cảm giác về sự lung linh, mười ba cánh xòe ra, cười tưng, phơi trần nhan sắc lẫn hình hài.

unnamed (11)

Thế là cây dã quì trở về với cuộc đời của nó, với sứ phận duy nhất là “đón nắng về”, ra hoa, khoe sắc cho trời đất, xới lên rạo rực ở con người

Nhưng nhìn xa ra, nó như một tấm vải vàng kéo đi dọc bờ sông. Tấm vải vàng thiên nhiên kéo đi miên man. Chỉ thiên nhiên mới có thể tạo ra bức tranh trời đất tuyệt mỹ này. Nhìn hút theo nó tôi sướng tê người, mãn nhãn. Gần đó, con thác ngày xưa vua Bảo Đại hay đi săn ở sơn nguyên hạ lưu sông Đa Nhim màu vàng hai bên thân thác tạo một thứ phông nền cho mảnh lụa thác trắng kia, vì mưa của những ngày bão lũ miền Trung trước đó khiến hồ Thủy điện Đa Nhim buộc phải xả nước trả lại cho dòng sông mang nghĩa diễm tình- khóc, Da nhìm, tiếng K’ho. Một tấm lụa vàng kéo dọc, một tấm lụa trắng kéo ngang. Trò chơi sắc màu của Thượng đế.

Và trên những con đường ở vùng Bồng Lai, qua Tu Tra, Phi Vàng… dân cày đi làm trong thăm thẳm sắc vàng hai bên đường. Sự tần tảo cũng được nhuộm vàng, màu thuần khiết của hoang dại. Giữa cuộc mưu sinh, có thể dân cày sẽ không để ý đến vẻ thơ mộng tạo ra từ trời đất. Nhưng những bức hình tôi chụp họ đi như đâm xuyên qua tranh của Levitan.

Hình như nỗi nhọc nhằn phải nhạt đi, hoặc buộc phải biến mất. Những người đánh mật ong từ đâu dưới xuôi bỗng xuất hiện, bày vô số những thùng ong ra, mở cửa cho ong đi hút mật từ những đóa dã quì. Đây đó những đứa trẻ con dân cày đi bắt ong bướm bỏ bịch chơi; hái từng bông quì làm chong chóng mà xoay trước gió; làm vương miện đội đầu như những hoa hậu. Những đứa cá tính hơn thì kết những đóa quì vào bánh bánh xe đạp.

unnamed (12)

Cả chiếc xe đạp chuyển động trong vòng xoay vàng óng. Các đạo diễn điện ảnh tinh tế nhất vẫn khó có thể nghĩ ra hình ảnh đó. Nó là sản vật của “mùa vàng lên” thuận theo tự nhiên. Cứ thế, các thiên thần cõi người đạp đi trong sáng khắp làng quê của nó. Có thể Cha mẹ của nó thì nhớ vào cái thời cả đất nước sống trong không gian “hợp tác xã”, bao cấp, gọi chung là “Đêm trước đổi mới”, thì quì tự dưng trở thành thứ phân bón chủ lực của vùng cao nguyên.

Nó sống mạnh và nhiều, nên mới đủ để trở thành đối tượng con người chặt về làm phân xanh cho cây trồng vào cái buổi đất nước còn nghèo túng. Đốn dã quì làm phân xanh tội nghiệp đã khép lại khi đất nước này “mở cửa”, nhất là sau 1990. Thế là cây dã quì trở về với cuộc đời của nó, với sứ phận duy nhất là “đón nắng về”, ra hoa, khoe sắc cho trời đất, xới lên rạo rực ở con người, và giữ cái “gen”- nguồn gốc bình an hoang dã của mọi làng quê, thành phố trên cao nguyên.

Giai điệu của đất trời

Màu vàng hiệp sĩ của vũ trụ kia đã tha thứ cho mọi thứ tầm thường ở trần gian và sự loay hoay của cõi người. 

Nhưng ở xứ Đức Trọng này, vùng bình nguyên rộng lớn dưới chân cao nguyên Langbian, màu vàng Dã quì làm người ta thảng thốt nhất là sườn núi Voi nối với dãy Pnơm Panơ. Màu vàng cứ thế giăng lê thê xen giữa màu xanh đứt quãng của những cánh rừng thông, hoặc những vườn cà phê của người K’ho nương trú trên sườn núi.

Từ ấp Quảng Hiệp nhìn lên, chỏm vàng của hoa, chỏm xanh của cây nông nghiệp, chỏm nâu của đá, chỏm đỏ của đất, cứ như quang phổ nơi mặt đất, sắc màu chơi trò trốn tìm. Cảnh vật cứ rải khắp nơi và mê man thế, rõ là thách thức thị giác cũng như trái tim của con người rồi. Những trang trại của những cựu quan chức hay của đại gia nhiều tiền cheo leo trên sườn núi hoa Dã quì vẫn hào sảng nhuộm vàng những hàng rào.

Con đường cao tốc nối chân cao nguyên Langbian với phi trường Liên Khương mới xây đã xuống cấp, nhưng tiết mùa này khiến người ta khi chạy trên nó dễ quên mất sự xuống cấp kia. Màu vàng hiệp sĩ của vũ trụ kia đã tha thứ cho mọi thứ tầm thường ở trần gian và sự loay hoay của cõi người. Kìa nữa, cả phi trường Liên Khương phủ xuống một một vàng thanh nhã, ngoại trừ cái đường băng. Chỉ ông Trời mới đủ sức và chịu chơi “trồng” một lúc cả ngàn hécta hoa như thế rồi bỏ giữa trời.

Sân bay đang ngồi đấy mà cứ như đang trôi, như không có thật. Vàng mênh mông quá, khiến cái sân bay cũng thành chốn mơ tưởng. Ngọn núi lửa R’Chai xa xưa danh tiếng đội lên giữa bình nguyên mang vóc dáng đôi ngực trần phụ nữ cũng bỗng mặc vào chiếc áo ngực vàng thê thiết. Trời cao đã vẽ ra một bức tranh sự sống. Con người được ngắm miễn phí. Thế này thì cũng cần gì phải tìm nó trong tranh của ngài Vincen van Gogh, cho dù là danh họa, bậc thầy sáng tạo sắc vàng mùa màng trên vải.

Thiên nhiên bỗng vào kỳ có giai điệu, cung bậc, hội họa, tạo hình, ngôn ngữ.

Ngang qua vùng người K’ho bản địa ở buôn Srê Đăng, N’Thôl Hạ, tôi hỏi họ về dã quì – Pơtăng, theo cách họ gọi. Họ bảo khi còn xanh nó cũng chỉ như bao cây khác thôi, thường. Ấy thế mà khi trào hoa dậy, nó khác hẳn, thành một thực thể khác. Từ vô chủ, vô hồn, sang có hồn và đa chủ. Từ chỗ hàng ngày đi về không để ý, chuyển sang phải để ý, ngắm nhìn, bình luận hoa mùa này xấu hay xinh hơn….

unnamed (13)

Cuộc cưỡng chế bất thành

Chả có loài hoa nào trên đời mà tác động sâu rộng vào quần chúng như dã quì. Hoa gì mà chi phối nhịp sống buôn này nối làng kia, cả ấp, cả xã, cả huyện, cả tỉnh, cả cao nguyên, núi đồi, thung lũng, và mùa trong trời đất. Khách đồng bằng chẳng sống đời ở kiếp cao nguyên, chỉ tạt qua, nhưng cũng khó mà thoát khỏi niềm rạo rực.

Hoa chậu, hoặc cắt cành thương mại, người ta cảm xúc chút rồi thôi. Thứ hoa hoang dại này thì vừa quen vừa lạ, gần đấy mà thấy xa, hoang vắng, cảm xúc cứ lê thê, cắt nghĩa không nổi. Hoa gì mà khi đứng trước nó, tôi phải vừa dùng mắt lẫn miệng. Ngắm và xúc cảm chưa đủ, mà nhiều lúc phải la lên. Nó thuộc về hoa dân gian. Vì mang tính dân gian nên nó có chiều sâu. Vì có hồn, có vía nên vĩnh cửu.

Nó chi phối xứ sở này nhất, nhưng là loài không tham gia “Festival Hoa quốc gia” hai năm một lần ở “Vương quốc hoa” Đà Lạt. Chính nó đã thành lễ hội, cứ mùa vàng lên. Nó ngang tàng và ngạo nghễ, nở vang cả bầu trời. Ngạo nghễ như chính nó thách đố Phòng công nghệ sinh học của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong việc cố dùng kỹ thuật hạt nhân để làm “lùn” nó lại theo ý tưởng đặt hàng của ngành thương mại & du lịch sở tại, từ ba thước còn độ hai chục centimet để đưa ra đất thành công, biến thành loài hoa thương mại hoặc trang trí.

Người ta thất bại. Trong thiên nhiên huyền bí không phải cái gì loài người kia cũng đe dọa, thuần dưỡng, tóm tóc để biến thành nô lệ được; thay đổi cấu trúc gen, biến đổi cho bằng hết những điều vốn thiện lành căn bản của trời đất.

Sắc dân bản địa K’ho bảo với cây Bơtăng, cái chu kỳ xanh và vàng kia thân quen nhưng khiến họ mơ tưởng. Họ khuyên tôi hãy “chết chìm” trong nó, trong Bơkào Bơtăng(hoa dã quì), vào mùa vàng dậy, sẽ thấy thiên nhiên đẹp huyền bí, sẽ hiểu và yêu trời đất hơn, vạn vật hơn. Thế mới được như cây Bơtăng, “chết” rồi lại tái sinh; ẩn mình như thiền sư, nỗ lực, bền bỉ, thâm hậu, quyết liệt đổi thay để có sức sống, được hiện hữu, “mới”. Một dòng dõi thực vật nhạy cảm, luân hồi…

Người Đô Thị

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trỗi dậy để vàng lên mênh mông