Tuần rồi ra Hà Nội chụp được một số hình thích quá. Ngộ ghê, quê quán, nguyên quán, sinh quán của tôi đều ở miền Nam, sao mỗi lần ra Hà Nội lại có phần nào cảm giác về quê?

Trọng nước sơn hơn gỗ?

12/07/2018, 11:58

Tuần rồi ra Hà Nội chụp được một số hình thích quá. Ngộ ghê, quê quán, nguyên quán, sinh quán của tôi đều ở miền Nam, sao mỗi lần ra Hà Nội lại có phần nào cảm giác về quê?

Cổng lên chùa Tây Phương

Với tôi, cảnh Hà Nội đẹp. Đẹp vì thiên nhiên, đẹp vì các kiến trúc cổ nép vào, ẩn trong thiên nhiên, đẹp vì văn hóa, vì lịch sử trên từng thềm gạch, miệng giếng, đầu hồi, mái ngói...

Tuy nhiên, khi thăm các di tích, có việc khiến tôi không vui, hệt như đã chuẩn bị miệng trước món ngon, lúc bưng chén cơm lên thấy vài hạt sạn to! Không biết cảm nhận của mình có trùng với của đa số hay không, xin được nêu lên để trao đổi, học hỏi.

Lối vào chùa Thầy

Đó là, tới một di tích được sắp hạng, trên cổng vào di tích thấy chễm chệ tấm bảng màu vàng ghi chữ đỏ “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” trên chính tên của di tích.

Tôi nghĩ, “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” sẽ có giá trị hơn nếu biết khiêm tốn nép sau công trình di sản thực! Nên chăng “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” chỉ là tấm bằng công nhận nhỏ được lộng kính treo trong phòng khách của di sản, ai muốn xem thì tăng khách chỉ lên? Hoặc chỉ là một tấm bảng nhỏ nép mình dưới một gốc cây trong sân vườn di sản? Nhờ có công trình di sản thực do tiền nhân để lại mới có được cái “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt”, mà bây giờ “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” lại đứng trên tiền nhân thì tôi thấy hình như không phải lẽ!

Lẽ ra “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” nên tự biết rằng mình chỉ là kẻ ăn theo, chỉ là một cách sắp xếp để người nay biết mà bảo tồn cho đúng cách, để người nay đừng xâm phạm di sản từ người xưa? Hay “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” hãnh tiến vì là “sắc phong” của chính phủ đương thời mà tự xếp mình đứng cao hơn chính cái di sản của bao thế hệ cha ông qua hàng trăm năm xây dựng, gìn giữ để truyền lại cho đời sau?

Du khách tới thăm di sản là muốn thăm tâm hồn người xưa hay thăm “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt”?

Tấm bảng “Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt” ở vị trí đó có liên quan gì tới tâm lý khá phổ biến hiện nay trong dân chúng trọng cái mẽ hơn cái cốt, trọng nước sơn hơn tốt gỗ, trọng cái hão hơn cái thực, trọng cái trước mắt hơn cái lâu dài?

Xa hơn, có liên quan gì tới tâm lý trọng bằng cấp hơn thực học? Trọng cái danh vị chức tước hơn thực tài? Trọng cái khoe khoang khoác lác hơn đức khiêm cung? Trọng biệt phủ nguy nga hơn đức liêm chính của người công chức? Trọng các công trình to lớn tân thời mà mà xóa bỏ di sản ông cha? Trọng các tượng đài, quảng trường ngàn tỉ hơn là sự no ấm của người dân?

Trong khi cùng ngẫm nghĩ về các câu hỏi trên, xin mời bạn đọc vui với vài hình ảnh chùa Thầy!

Nơi khởi nguyên ngành Rối Nước. Hàng năm người dân về đây vui vầy tưởng nhớ

Nhà cầu, nghĩa là cái nhà cất trên cầu. Cây cầu bắt từ trên bờ tới mô đất nhỏ giữa hồ

Nhà cầu, nhìn trực diện. Nơi đây các cụ già, em bé sáng chiều ra trò chuyện, nô đùa

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trọng nước sơn hơn gỗ?