Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, những ngày này nông dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, đang háo hức chờ thu hoạch lúa. Dự kiến vụ mùa năm nay bà con vừa trúng mùa, trúng giá nên ai nấy đều phấn khởi.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Trúng mùa lúa, nông dân miền Tây rủng rỉnh sắm tết

Trần Khải 31/12/2024 07:00

Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, những ngày này nông dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, đang háo hức chờ thu hoạch lúa. Dự kiến vụ mùa năm nay bà con vừa trúng mùa, trúng giá nên ai nấy đều phấn khởi.

Giá lúa ST tăng cao

Những ngày qua, nông dân vùng trồng lúa trên đất tôm ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu liên tục đón tin vui, giá lúa ST24, ST25 hiện đang ở mức cao, dao động từ 12.000 – 13.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng lúa ST đang rất háo hức chờ ngày thu hoạch.

anh-2-lua-st24-st25-hien-dang-dat-muc-gia-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-dao-dong-tu-12.000-13.000-dongkg-cao-hon-ca-gia-lua-st-vu-lua-tren-dat-tom-nam-truoc..jpg
Lúa ST25 hiện được thương lái thu mua với giá từ hơn 12.000 đồng/kg

Toàn huyện Hồng Dân có hơn 24.000ha lúa đang trong giai đoạn làm đồng, trổ bông. Trong đó, lúa ST24, ST25 có khoảng 7.000ha đang trong giai đoạn phát triển. Lúa trổ quằn bông, trĩu hạt hứa hẹn một vụ mùa bội thu đối với bà con nông dân địa phương.

Ông Nguyễn Thành Nghiệp, ngụ xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân phấn khởi: “Từ khi đưa con tôm vào nuôi trên đất lúa, vùng đất này như được hồi sinh và chuyện trúng tôm kiếm lãi vài ba chục triệu đồng/công không phải là chuyện hiếm. Với hơn 2ha công đất áp dụng mô hình lúa – tôm từ năm 2020 cho đến nay, gia đình tôi thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Cuộc sống của bà con nông dân địa phương những năm gần đây khá lên rất nhiều. Những ngày qua có nhiều thương lái đến đặt cọc thu mua lúa ST. Bà con rất phấn khởi, kỳ vọng lớn vào vụ mùa năm nay đón một cái tết sung túc”.

Niềm vui trúng mùa lộ rõ trên nét mặt của ông Nguyễn Văn Khánh, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân. Vụ mùa năm nay, gia đình ông Khánh xuống giống lúa ST trên diện tích đất nuôi tôm khoảng 5ha, khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch. Hiện các trà lúa đang phát triển rất tốt nhờ thời tiết thuận lợi.

Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân Nguyễn Văn Chiến cho biết từ khi mô hình lúa – tôm được triển khai trên địa bàn huyện đã phát huy được hiệu quả rất cao. Đặc biệt là trong niên vụ 2023-2024, người dân vô cùng phấn khởi khi trúng mùa, trúng giá.

Vụ lúa trên đất tôm năm nay, nông dân Bạc Liêu xuống giống lúa ST với diện tích hơn 18.000ha, chiếm gần 40% diện tích lúa - tôm của toàn tỉnh. Hiện bà con nông dân đang tích cực chăm sóc, chờ ngày thu hoạch. Bà con đang kỳ vọng vào một vụ mùa thuận lợi, đạt năng suất cao.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, với việc phá thế độc canh cây lúa, mô hình lúa – tôm ở Bạc Liêu đã khẳng định được tính bền vững và có khả năng thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Với tổng diện tích sản xuất đến nay đã vượt hơn 43.600ha (chiếm khoảng 30% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh), mô hình này được đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả và cần nhân rộng trong thời gian tới.

Theo ông Ly, mô hình lúa – tôm là một mô hình sáng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt. “Những năm trước 1ha canh tác nông dân có lãi từ 80 – 90 triệu đồng là mừng rồi, nhưng trong khoảng 2 năm nay có người dân lãi từ 150 – 180 triệu đồng/ha, do sản phẩm tôm sạch, lúa chất lượng cao nên có giá cao kỷ lục” - ông Ly nói.

anh-3-mo-hinh-lua-thom-tom-sach-o-huyen-hong-dan-tinh-bac-lieu..jpg
Mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Mục tiêu của giai đoạn từ 2025 – 2030, ngành nông nghiệp địa phương hướng đến là mở rộng diện tích sản xuất lúa – tôm lên hơn 70.000ha. Để đạt được mục tiêu này, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa theo yêu cầu của thị trường; thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trúng mùa, nông dân có tiền mua sắm tết

Cánh đồng lúa – tôm ở ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau những ngày qua rộn rã tiếng cười xen lẫn âm thanh của tiếng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Do được bao tiêu sản phẩm, nên sau khi thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua và tự vận chuyển. Nhờ đó, nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí. Với giá bán từ 8.700 – 9.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lãi khoảng 35 – 40 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Phong, nông dân địa phương vui mừng nói: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên vụ lúa phát triển tốt, năng suất cao và được thu mua giá cao nên tôi rất vui. Vụ này tôi lãi khoảng 30 triệu đồng. Năm nay được mùa, có tiền mua sắm tết nên chắc chắn sẽ đón mùa xuân mới sung túc. Mong rằng những năm tới cũng trúng mùa, được giá như vậy thì đời sống nông dân chúng tôi sẽ khá lên”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, dù chưa vào chính vụ thu hoạch vụ lúa đông - xuân, nhưng tại thời điểm lúa ở địa phương đã được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá từ 8.500-8.700 đồng/kg.

Ông Bùi Hữu Tính, xã viên Hợp tác xã Tân Hưng Phú (xã Tân Hưng, huyện Long Phú) phấn khởi cho hay, gia đình ông có 10ha đất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ được hỗ trợ phân bón hữu cơ, kỹ thuật canh tác giảm sâu bệnh nên chi phí sản xuất giảm từ 20 – 30%.

anh-4-mo-hinh-trong-lua-tren-dat-nuoi-tom-o-huyen-hong-dan-tinh-bac-lieu-mang-lai-hieu-qua-nang-suat-cao..jpg
Hiện bà con nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL đang háo hức chờ ngày thu hoạch lúa

Theo ông Tính, vụ mùa năm trước gia đình ông trúng lớn, lúa đạt năng suất 7 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản phí, ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. “Trúng mùa, được giá nên nông dân chúng tôi phấn khởi lắm, bà con rất hào hứng đi thăm đồng. Giờ mong sao cho trúng hơn mọi năm. Tết Nguyên đán đang cận kề, thu hoạch vụ này gia đình có thêm tiền sắm tết rồi”, ông Tính nói.

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú cho biết vụ lúa đông - xuân năm nay địa phương xuống giống trên 1.100ha. Hiện ngành chuyên môn tiếp tục hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống cấp xác nhận. Đồng thời, áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ, quản lý chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng thông tin, vụ lúa đông - xuân năm nay hầu hết nông dân địa phương chọn sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu theo sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp như: OM 5451, Đài Thơm 8, ST25 nên được thương lái ưa chuộng thu mua.

Mục tiêu ngành NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng hướng đến là sản xuất có sự liên kết của 4 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) theo định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sĩ phải không ngừng bám sát nhịp cuộc sống, hơi thở của nhân dân, hòa mình cùng đất nước
12 giờ trước Sự kiện
Chiều 30.12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trúng mùa lúa, nông dân miền Tây rủng rỉnh sắm tết