Sau khi Mỹ đưa tàu chiến đến gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp), Trung Quốc đã có phản ứng khiến tình hình khu vực cũng như quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng.

Trung Quốc dàn tên lửa có tầm bắn trùm khắp Biển Đông sau vụ tàu Mỹ tiến sát Hoàng Sa

10/01/2019, 11:21

Sau khi Mỹ đưa tàu chiến đến gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp), Trung Quốc đã có phản ứng khiến tình hình khu vực cũng như quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng.

Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 9.1 đưa tin: Tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa, DF-26 đã được huy động đến vùng cao nguyên và sa mạc phía tây bắc Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh động thái này được triển khai sau khi một tàu chiến Mỹ xâm nhập ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.

DF-26 là thế hệ tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng nhắm vào các tàu cỡ trung và lớn trên biển. Nó có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân. Vào tháng 4.2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tên lửa DF-26 đã chính thức gia nhập Lực lượng tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Hiện DF-26 nằm trong tay một lữ đoàn thuộc Lực lượng Tên lửa ở vùng cao nguyên và sa mạc phía tây bắc Trung Quốc.

Tại sao tên lửa chống hạm trên biển lại được Trung Quốc cất giấu tận vùng tây bắc nằm sâu trong nội địa? Hoàn cầu thời báo trích lời chuyên gia giải thích một vụ phóng tên lửa từ sâu trong nội địa sẽ khó bị đánh chặn hơn. Trong giai đoạn đầu khi phóng tên lửa đạn đạo, tên lửa bay tương đối chậm và không khó để phát hiện, khiến nó trở thành mục tiêu dễ dàng cho các tên lửa đánh chặn của đối phương. Nhưng đến giai đoạn sau, tốc độ của tên lửa sẽ rất cao và khó lòng bị đánh chặn hơn.

Trang china.com đưa tin tên lửa DF-26 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 4.500 km. Với tầm xa đó, nó có khả năng tấn công các mục tiêu bao gồm các căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương. Theo suy luận logic thì hầu hết các nước Asean cũng nằm trong bán kính phạm vi của tên lửa.

Hoàn cầu thời báo còn trích dẫn lời của chuyên gia khẳng định: "Ngay cả khi được phóng từ khu vực nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, DF-26 có tầm bắn đủ xa để trùm khắp Biển Đông". Đài truyền hình Trung Quốc cũng khẳng định đây là lần đầu hoạt động của tên lửa chiến lược được thông báo công khai.

Việc Trung Quốc công khai hoạt động tên lửa như vậy được báo News của Úc đánh giá là động thái dằn mặt hải quân Mỹ sau vụ tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ hôm 7.1 đã tuần tra hàng hải ở gần Hoàng Sa (quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Động thái của Mỹ được cho là thách thức các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Theo Reuters, phát ngôn viên của Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương, trung úy Rachel McMarr cho biết: "Tàu khu trục USS McCampbell đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải, đi vào khu vực 12 hải lý quanh 3 hòn đảo là đảo Phú Lâm, đảo Cù Mộc (đảo Cây) và đảo Linh Côn (Lincoln)”.

Bà McMarr nhấn mạnh hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải theo đúng luật pháp quốc tế, thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại khu vực này.

Sau đó, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng đã lập tức lên tiếng vừa phản đối, vừa đe dọa rằng: "Vào ngày 7.1, tàu USS McCampbell đã xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa (đây là giọng điệu Trung Quốc tự nhận vơ lãnh hải trong khi quốc tế không công nhận - PV) mà không có sự cho phép từ phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã ngay lập tức cử tàu chiến và máy bay quân sự đến tiến hành xác minh và nhận dạng ra tàu Mỹ rồi cảnh báo họ rời đi".

"Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động liên quan của phía Mỹ và kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức những hành động khiêu khích đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của chúng tôi".

News đánh giá các động thái gần đây của Trung Quốc (bao gồm cả việc phát ngôn từ Bộ ngoại giao lẫn khoe khoang tên lửa) cho thấy Bắc Kinh đang đánh mất kiên nhẫn trước Mỹ.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc dàn tên lửa có tầm bắn trùm khắp Biển Đông sau vụ tàu Mỹ tiến sát Hoàng Sa