Chỉ một hôm sau khi Trung Quốc khoe cuộc tập trận tại Đài Loan thì đến hôm qua 14.8, Hải quân Mỹ ra tuyên bố cho biết họ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông với sự góp mặt của tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Trung Quốc tập trận sát Đài Loan, Mỹ đáp trả tại Biển Đông

15/08/2020, 15:32

Chỉ một hôm sau khi Trung Quốc khoe cuộc tập trận tại Đài Loan thì đến hôm qua 14.8, Hải quân Mỹ ra tuyên bố cho biết họ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông với sự góp mặt của tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan - Ảnh: Internet

Hôm thứ năm 13.8, Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan "để bảo vệ chủ quyền quốc gia" trong bối cảnh Mỹ tăng cường trao đổi ngoại giao với Đài Bắc.

Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar có chuyến thăm Đài Loan. Azar đã trở thành Bộ trưởng đầu tiên của Washington đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979 và ghi dấu như một ví dụ hiếm hoi mà Bắc Kinh đưa ra lý do chính trị cho một cuộc tập trận.

Đại tá Zhang Chunhui, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Quân khu Miền Đông Trung Quốc tuyên bố: “Gần đây, một số quốc gia lớn không ngừng có những động thái tiêu cực liên quan đến vấn đề Đài Loan và gửi những tín hiệu sai trái đến lực lượng Đài Loan độc lập , đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".

Theo phía Mỹ, ông Azar vẫn tuân thủ chính sách của Mỹ đối với Đài Loan trong chuyến công du ba ngày khi coi hòn đảo này là khu vực tài phán hơn là một quốc gia. Tuy nhiên, chuyến thăm của một quan chức cấp cao của Washington bị Bắc Kinh coi là một hành động khiêu khích.

Thực ra, phía Trung Quốc bày tỏ thái độ tức giận cũng không khó hiểu. Thời gian qua, Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch chống lại Trung Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức liên quan đến Tân Cương và Hồng Kông, chống lại các công ty Trung Quốc, đồng thời tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Đài Loan. Tất cả những vấn đề đó đều rất nhạy cảm với Bắc Kinh và trong quá khứ, Mỹ không đả động nhiều.

Đại tá Zhang cho biết các lực lượng từ các đơn vị khác nhau đã tổ chức các cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan và phía 2 đầu nam bắc của hòn đảo trong thời gian trùng với chuyến đi của ông Azar.

Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng cuộc thử nghiệm tên lửa chống hạm DF-26 được gọi là "sát thủ tàu sân bay" gần đây của Trung Quốc là một "lời cảnh báo cho những kẻ khiêu khích".

Tuy nhiên, động thái tập trận của Trung Quốc không hề làm Mỹ chùn bước mà ngược lại. Chỉ một hôm sau khi Trung Quốc khoe cuộc tập trận tại Đài Loan thì đến hôm qua 14.8, Hải quân Mỹ ra tuyên bố cho biết họ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông với sự góp mặt của tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Theo Reuters, nhóm tác chiến với tàu USS Ronald Reagan làm soái hạm, đã tiến hành các hoạt động tập trận và ổn định hàng hải, hàng không.

Joshua Fagan, sĩ quan tác chiến thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 70 trên tàu USS Ronald Reagan, cho biết: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan tiến vào Biển Đông hôm 14.8, thực hiện các hoạt động diễn tập phòng không trên biển để hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do".

Nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan và Không đoàn trên hạm số 5, tàu tuần dương USS Antietam, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin và USS Rafael Peralta đã thực hiện các hoạt động bay với tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm và trực thăng cũng như khoa mục diễn tập giữ ổn định hàng hải với các khí tài hiện đại trong biên chế.

Nhóm tàu còn tham gia diễn tập với một oanh tạc cơ B-1B Lancer xuất phát từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hiệp đồng.

Có thể nói, việc tàu sân bay Mỹ tiến hành tập trận ở Biển Đông thời gian qua giống như cơm bữa với tác dụng răn đe Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hai nước dâng cao.

Hồi đầu 7, tàu Nimitz và Reagan đã hiện diện ở Biển Đông và sự kiện đó đã gây chú ý khi lần đầu tiên hai tàu sân bay Mỹ hoạt động trên khu vực kể từ năm 2014 và chỉ lần thứ hai kể từ năm 2001. Lầy ấy, theo Sean Brophy, người phát ngôn trên tàu Reagan, đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng nhau ở Biển Đông kể từ năm 2014 và chỉ là lần thứ hai trong thế kỷ 21. Tuyên bố của Hải quân Mỹ khi đó cho biết: "Những nỗ lực này hỗ trợ cho các cam kết lâu dài của Mỹ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện quyền hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Đến giữa tháng 7, các nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Ronald và USS Nimitz với hơn 12.000 nhân viên quân sự trên hai tàu sân bay cũng như trên các tàu tuần dương và tàu khu trục hộ tống, đã hoạt động ở Biển Đông. Hải quân Mỹ tuyên bố hai tàu sân bay, với hơn 120 máy bay được triển khai, đang thực hiện các cuộc tập trận chiến thuật phòng không "để duy trì sự sẵn sàng và thành thạo trong chiến đấu".

Hôm thứ năm 13.8, chính quyền Đài Loan đã trình lên Hội đồng lập pháp một dự thảo ngân sách quân sự trị giá 453,4 tỉ Đài tệ (15,4 tỉ USD) cho năm 2021, tăng 10,2% chi tiêu so với ngân sách trong năm nay.

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho biết sự gia tăng này sẽ được sử dụng để đẩy nhanh việc Đài Loan có được các khả năng ứng phó phi đối xứng và tự phát triển vũ khí trong nước. Mục đích là “giúp xây dựng khả năng phòng thủ vững chắc và thể hiện quyết tâm tự vệ của chúng ta”.

Hsiao Bi-khim, đại diện của Đài Loan tại Mỹ, hôm thứ tư cho biết Đài Bắc đang đàm phán với Washington về việc mua tên lửa phòng thủ bờ biển và thủy lôi. Các chuyên gia quốc phòng Mỹ từ lâu đã hối thúc Đài Bắc mua sắm các loại vũ khí này như một phương tiện hiệu quả hơn để ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc thay vì mua các thiết bị đắt tiền hơn như máy bay chiến đấu hoặc xe tăng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chế nhạo việc tăng ngân sách quốc phòng của Đài Loan là một sự lãng phí tiền bạc. Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ví vón: “Dù chi bao nhiêu, như chúng ta đều biết, Đài Loan là một hòn đảo nhỏ. Nếu họ muốn chống lại Trung Quốc đại lục, nó chẳng khác gì châu chấu đá xe”.

Kể từ tháng 3, các máy bay quân sự Trung Quốc đã nhiều lần băng qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan. Dù đường này không có cơ sở pháp lý nhưng trong quá khứ, cả hai bên đều tôn trọng để tránh xung đột. Nhưng giờ Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến luật bất thành văn đó nữa. Vụ đột nhập mới nhất xảy ra vào sáng thứ hai 10.8, ngay khi ông Azar đang chuẩn bị tham dự cuộc họp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tập trận sát Đài Loan, Mỹ đáp trả tại Biển Đông