Một khi vắc-xin xuất hiện, nhu cầu vật tư y tế sẽ giảm mạnh. Các nhà máy trên thế giới sẽ phải đóng cửa nhưng các công ty Trung Quốc có thể duy trì hoạt động tiếp do chi phí vận hành thấp và yên tâm chờ thời cho tới khi đợt bùng phát toàn cầu tiếp theo.

Trung Quốc với tham vọng thâu tóm công nghiệp y tế thế giới sau đại dịch

06/07/2020, 18:46

Một khi vắc-xin xuất hiện, nhu cầu vật tư y tế sẽ giảm mạnh. Các nhà máy trên thế giới sẽ phải đóng cửa nhưng các công ty Trung Quốc có thể duy trì hoạt động tiếp do chi phí vận hành thấp và yên tâm chờ thời cho tới khi đợt bùng phát toàn cầu tiếp theo.

Trung Quốc sản xuất 76 tỉ khẩu trang trong mấy tháng đầu năm nay - Ảnh: Internet

Trước việc Trung Quốc siết chặt đối với việc cung cấp khẩu trang, áo choàng, bộ dụng cụ thử nghiệm và các y phẩm khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, các quốc gia trên thế giới đã tự xây dựng các nhà máy của riêng mình để đối phó với đại dịch.

Tranh thủ cơ hội

Thế nhưng khi bệnh dịch suy giảm, các nhà máy đó có thể lại phải vật lộn để sinh tồn. Trung Quốc vốn đã đặt nền tảng để thống trị thị trường vật tư bảo hộ và y tế trong nhiều năm tới. Chủ doanh nghiệp được chính phủ Trung Quốc giao đất giá rẻ và nhiều ưu đãi. Các khoản cho vay và trợ cấp cho doanh nghiệp rất dồi dào. Các bệnh viện Trung Quốc thường được yêu cầu phải mua vật tư tại địa phương và điều đó giúp cho các nhà cung cấp Trung Quốc có một thị trường rộng lớn nằm trong vòng bảo hộ.

Một khi vắc-xin xuất hiện, nhu cầu vật tư y tế sẽ giảm mạnh. Các nhà máy trên thế giới sẽ phải đóng cửa nhưng các công ty Trung Quốc có thể duy trì hoạt động tiếp do chi phí vận hành thấp và yên tâm chờ thời cho tới khi đợt bùng phát toàn cầu tiếp theo.

Omar Allam, cựu quan chức thương mại Canada đang cố gắng thiết lập sản xuất khẩu trang y tế N95 theo yêu cầu tại Canada. Ông Allam nhận xét: “Người Trung Quốc đã thành công trong việc giăng mắc sự thống trị toàn cầu trong ngành thiết bị bảo vệ cá nhân khi vừa điều hành cuộc chơi và vừa kiểm soát chuỗi cung ứng”.

Trung Quốc nắm chặt thị trường là một minh chứng cho nỗ lực thống trị các bánh răng quan trọng trong bộ máy công nghiệp toàn cầu. Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lo lắng rằng nước này phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn nước ngoài cho tất cả mọi thứ từ vật tư y tế rồi vi mạch cho đến máy bay chở khách. Trung Quốc đã sử dụng các khoản trợ cấp, các mục tiêu kinh tế và các sự thúc đẩy khác của chính phủ để nổi lên như một cường quốc trong các ngành công nghiệp quan trọng đó.

Chẳng hạn, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về ô nhiễm và sự lệ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, họ đã dốc sức trợ giúp các nhà sản xuất tấm pin mặt trời, tua-bin gió và thiết bị đường sắt cao tốc. Họ đã thực hiện các bước tương tự để thống trị các ngành công nghiệp trong tương lai, như đường truyền dữ liệu không dây thế hệ, được gọi là 5G.

Sự tham gia ngày càng tăng của nhà nước vào nền kinh tế đã dẫn đến sự lãng phí và manh mún có thể làm chậm sự tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng các chính sách thường tỏ ra hiệu quả trong việc xây dựng các ngành công nghiệp có thể chịu đựng tổn thất và cạnh tranh gay gắt với nước ngoài. Ngành sản xuất và xuất khẩu vật tư y tế có thể cũng vậy.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính trước đại dịch, Trung Quốc đã xuất khẩu mặt nạ phòng độc, mặt nạ phẫu thuật, kính bảo hộ y tế và quần áo bảo hộ nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại.

Đại dịch coronavirus càng củng cố thêm vào sự thống trị đó của Bắc Kinh. Bob McIlvaine, người điều hành một công ty nghiên cứu và tư vấn ở Northfield cho biết Trung Quốc đã tăng sản lượng khẩu trang gần gấp 12 lần chỉ trong tháng 2. Theo đó, Trung Quốc hiện mỗi ngày có thể cung ứng 150 tấn vải chuyên dụng cho chế tạo khẩu trang. Con số này cao gấp 5 lần so với sản lượng của Trung Quốc trước đại dịch và gấp 15 lần so với năng lực sản xuất của các công ty Mỹ ngay cả sau khi họ đẩy mạnh sản xuất vào mùa xuân này.

Các công ty Mỹ đã ngần ngại không đầu tư lớn vào sản xuất vải vì họ lo ngại rằng nhu cầu khẩu trang chỉ là tạm thời. Nhưng thứ 5 tuần trước, bang Texas yêu cầu người dân tại bang phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Ông McIlvaine cho rằng các công ty Mỹ đang mắc sai lầm lớn khi cho rằng nhu cầu của thị trường sẽ sớm biến mất.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu cho biết từ tháng 3 đến tháng 5, Trung Quốc đã xuất khẩu 70,6 tỉ khẩu trang. Con số đó rất ấn tượng nếu biết năm ngoái, toàn bộ thế giới chỉ sản xuất khoảng 20 tỉ và Trung Quốc chiếm một nửa số đó.

Trung Quốc cũng thấy trước tầm quan trọng của bộ xét nghiệm axit nucleic, có thể phát hiện nhiễm trùng coronavirus. Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã xác định mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp chuyên sản xuất bộ dụng cụ này.

Quyết định của Bộ là một phần quốc sách công nghiệp trị giá 300 tỉ USD ‘Made in China 2025’ để thay thế hàng nhập khẩu trong nhiều ngành công nghiệp chính, gồm cả thiết bị y tế. Bộ kêu gọi tăng thị phần của Trung Quốc trên thị trường địa phương từ 30 đến 40% trong mỗi loại vật tư y tế.

Ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước

Các nhà sản xuất thiết bị y tế Trung Quốc được hưởng trợ cấp hào phóng của chính phủ. Có thể nêu một vài ví dụ như sau: Shenzhen Mindray, một nhà sản xuất máy thở và các thiết bị chăm sóc đặc biệt khác, đã nhận được tới 16,6 triệu USD mỗi năm trong 3 năm qua, theo tài liệu của chính công ty. Winner Medical, một nhà sản xuất khẩu trang, nhận được 3 triệu đến 4 triệu USD mỗi năm. Guangzhou Improve, một nhà sản xuất khẩu trang và bộ dụng cụ thử nghiệm, cũng nhận được 2,5 triệu đến 5 triệu USD mỗi năm.

Các bệnh viện phải mua y phẩm tại địa phương. Ba năm trước, chính phủ trung ương yêu cầu các đơn vị mua phải mua từ các nhà sản xuất trong nước có thể đáp ứng yêu cầu. Chính quyền địa phương theo sau. Ví dụ tỉnh Tứ Xuyên cắt giảm một nửa số loại thiết bị và vật tư y tế có thể nhập khẩu. Chính quyền tỉnh cho biết chỉ các bệnh viện tuyến đầu mới có thể nhập bất cứ thứ gì, trong khi các bệnh viện tuyến dưới phải mua tất cả mọi thứ ở Trung Quốc. Ít nhất 3 tỉnh đông dân khác - Liêu Ninh, Hồ Bắc và Sơn Đông - đã đưa ra thông báo tương tự. Những nỗ lực như vậy đã giúp nền công nghiệp sản xuất y phẩm của Trung Quốc sống khỏe.

Chính phủ Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng trang thiết bị y tế trong năm nay. Sinopec, một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, cho biết họ đã hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc khi họ bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất vải lọc vi hạt cần thiết cho mặt nạ phẫu thuật và mặt nạ phòng độc.

Tại một địa điểm, 600 kỹ sư và công nhân đã làm việc suốt ngày đêm trong 35 ngày liên tiếp để xây dựng một nhà máy thường cần đến 1 năm để xây dựng. Theo một công ty, một nhóm thành viên xung kích đã làm việc 20 giờ liên tục vào ngày 26.2 để chuẩn bị một nhà kho cho dự án.

Các quan chức cũng tăng tốc nỗ lực để giao đất cho các nhà máy mới. Thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang đã tức tốc chuyển 1,6 mẫu Anh cho Công ty hóa chất Jiande Chaomei ngay trong ngày 15.2 để mở rộng sản xuất mặt nạ phòng độc. Lanxi, một quận ở Chiết Giang, đã chuyển nhượng đất cho Công ty Vật liệu mới Baihao vào cuối tháng 2 để sản xuất mặt nạ phòng độc. Các quan chức ở tỉnh Quảng Đông và thành phố Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông cũng chấp thuận các chính sách đất đai linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp cung ứng y phẩm.

Hỗ trợ của chính phủ cho ngành công nghiệp cung cấp y tế vẫn đang tiếp tục. Công ty Công nghệ sinh học Aoyuan Quảng Châu năm nay đã quyết định chuyển đổi hoạt động kinh doanh bình thường là sản xuất chất khử trùng sang sản xuất khẩu trang N95. Một quan chức địa phương hàng đầu đã ngay lập tức đến thăm công ty, sắp xếp mặt bằng trong một khu công nghiệp và phê duyệt tất cả các thủ tục cần thiết.

Một số chuyên gia chính sách kinh tế ở Trung Quốc cho rằng chính sách tất cả cho công nghiệp y tế nêu trên có thể sẽ đi quá xa và bộc lộ mặt trái. Theo Tianyancha, một dịch vụ dữ liệu của Trung Quốc, hơn 67.000 công ty tại Trung Quốc trong năm nay đã đăng ký sản xuất hoặc kinh doanh khẩu trang. Nhiều start-up kiểm soát chất lượng kém đã gặp rắc rối. Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt kiểm tra hải quan ngày càng nghiêm ngặt đối với hàng xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất hiện muộn hơn và không sở hữu nền tảng vững chắc - sẽ phải đối mặt với việc đóng cửa khi họ có thừa mứa khẩu trang và lợi nhuận bắt đầu lao dốc, ông Cai Enze, một phó thị trưởng đã nghỉ hưu và nhà hoạch định kinh tế ở miền trung Trung Quốc đã nhận định điều này từ tháng 4 với lo ngại đó là dấu hiệu khởi đầu của một cuộc khủng hoảng.

Doanh nhân Mỹ gặp khó

Một doanh nhân ở vùng ngoại ô Los Angeles, Rakesh Tammabattula đã chuyển công việc kinh doanh chất bổ sung dinh dưỡng và dưỡng ẩm sang sản xuất khẩu trang y tế và thuốc khử trùng tay để đối phó với dịch bệnh. Để làm điều đó, Tammabattula tìm mua một chiếc máy có thể ép và cắt vải để làm khẩu trang. Ông phát hiện ra rằng các máy móc mình cần chỉ được sản xuất tại Trung Quốc. Ông phải thuê một chiếc máy bay để chuyên chở thiết bị khổng lồ - dài 12 mét, cao 2 mét - từ miền nam Trung Quốc đến Los Angeles.

Còn sản xuất thuốc khử trùng, ông Tammabattula đã nhận ra rằng mình gặp khó khi đi tìm sản phẩm phụ trợ. Ông đã không thể tìm thấy bất kỳ công ty nào ở Mỹ sản xuất chai nhựa dạng có trang bị bơm ấn tay. Ông lại phải nhập khẩu chúng từ Trung Quốc với chi phí tốn kém.

Ông Tammabattula đã nộp đơn xin một khoản vay từ liên bang cho các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng sản xuất vật tư y tế, nhưng thủ tục khá nhiêu khê và chậm chạp. Ông Tammabattula so sánh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất y phẩm thì chính phủ Trung Quốc nhanh nhẹn hơn nhiều.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc với tham vọng thâu tóm công nghiệp y tế thế giới sau đại dịch