Việc trùng tu đảm bảo di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, tăng khả năng di tích chống đỡ lại tác động của thời gian là không hề đơn giản. Trên thực tế, có những câu chuyện buồn.

Trùng tu và phục dựng di tích ở Việt Nam: Những điều trăn trở

Nguyễn Văn Mỹ | 20/08/2022, 10:10

Việc trùng tu đảm bảo di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, tăng khả năng di tích chống đỡ lại tác động của thời gian là không hề đơn giản. Trên thực tế, có những câu chuyện buồn.

Không ai có thể tránh khỏi quy luật của thời gian. Bất chấp mọi nỗ lực, tất cả đều hư hao, mai một, từ cảnh quan, công trình cho đến con người. Với con người, khoa học tiến bộ vượt bậc cũng chỉ kéo dài quá trình lão hóa của thân thể. Còn với các công trình, kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa - tùy điều kiện, mà được phục dựng để bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống.

Bảo tồn rất cần kinh phí nhưng quan trọng hơn cả hơn là ý thức của con người.

Người ta thường đổ lỗi do thiếu kinh phí nhưng thực tế chứng minh, càng nhiều tiền càng dễ làm sai bởi những lợi ích cục bộ.

Trùng tu các công trình xuống cấp, phục dựng các di sản hư hỏng là một phần tất yếu của bảo tồn văn hóa phi vật thể và phổ biến toàn cầu. Quốc gia nào cũng có những khiếm khuyết trong việc trùng tu và phục dựng, nhưng chỉ ở tỉ lệ nhỏ. Còn khiếm khuyết phổ biến do lỗi hệ thống, chủ yếu bởi con người mà cụ thể là các cấp quản lý.

Mỗi di tích văn hóa là một trầm tích, di sản - một chứng nhân quan trọng của lịch sử, ở đó người ta thấy được một thời kỳ văn hóa, thấy được truyền thống tốt đẹp và trí tuệ của cha ông, xây dựng lên nền văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, điều kiện môi trường, các di tích khó tránh khỏi việc xuống cấp và hư hại.

Di tích xuống cấp, hư hỏng được trùng tu, phục dựng – người nào cũng vui mừng. Nhưng trùng tu và phục dựng xong thì hỡi ôi, chẳng thà giữ nguyên hiện trạng. Nhẹ thì màu sơn… lòe loẹt. Vừa thì thay đổi đổi nguyên vật liệu hoặc họa tiết, chỉ vài chút quen mà quá nhiều nét lạ. Còn nặng thì công trình biến dạng.

Báo chí, dư luận xã hội tốn không biết bao nhiêu giấy mực, từ góp ý đến phê phán. Các chuyên gia bảo tồn rất nhiều lần lên án mạnh mẽ nhưng chẳng ai nghe, cứ như nước đổ lá khoai. Không ít người nản lòng rồi… mặc kệ. Có ý kiến còn bi quan rằng: “trùng tu mà như… phá hoại, phục dựng như… xóa sổ”.

Các di tích và công trình do nhà nước quản lý, cả Trung ương và địa phương; kinh phí trùng tu và phuc dựng chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nguồn chi nay dễ bị trục lợi và thi công biến dạng nhiều nhất. Các di tích và công trình thuộc tôn giáo hoặc tư nhân, kinh phí được xã hội hóa, thu chi minh bạch hơn, hiệu quả trùng tu và phục dựng cũng cao hơn.

Di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… địa phương nào cũng có, ít nhiều tùy theo bề dày lịch sử. trẻ nhất cũng hơn trăm năm. Sự tùy tiện trong trùng tu và phục dựng thể hiện khắp nơi với rất nhiều tai tiếng và có nguy cơ tệ hại hơn.

Trùng tu và phục dựng: Nhiều công trình… buồn

Năm 1984, tôi đưa đoàn thiếu nhi lên Điên Biên Phủ. Sau 30 năm, di tích vẫn vẹn nguyên. Đồi A1 với xác xe tăng Pháp, hố bộc phá tổ chảng, mấy chiếc nón sắt lổ chỗ vết đạn. 20 năm sau trở lại (2004), thấy mà xót xa. Hố bộc phá và công sự tôn tạo mới, không còn giữ được nét xưa. Mấy cây cổ thụ ở nghĩa trang Đồi A1 được thay bằng cây mới, ngoại lai; mộ chí sắp xếp lại, không như trước.

Hầm De Castries to đẹp hơn xưa. Hố bom ở Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), các hạng mục ở Chiến Khu D (Đồng Nai)… đều khác với nguyên bản trước đó. Nhiều di tích được phục dựng, chỗ thì cứng ngắc, nơi thì hời hợt, tùy tiện.

Nhà Văn hóa các tộc người thiểu số đa phần được làm mới vô hồn hoặc bê tông hóa đại trà thô kệch. Nhiều bản làng toàn nhà lai, nửa Tây, nửa Tàu. Đến trang phuc và món ăn truyền thống, họa hoàn mới xuất hiện trong vài dịp lễ; hoặc để quay phim, chụp ảnh. Có nơi, các làng nghề như dệt thổ cẩm, đan lát… được đưa vào bốn bức tường Nhà văn hóa bê tông và chỉ để biểu diễn khi cần.

Bái Đính cổ tự (Ninh Bình) xây dựng từ năm 1136 nổi tiếng linh thiêng, huyền bí; gần như bị quên lãng, sau khi chùa Bái Đính mới xây dựng nguy nga, hoành tráng hơn cả cung điện vua chúa ngày xưa. Việc này không phải trùng tu, cũng chẳng phải phục dựng, mà là xây mới, cái cũ dần dà tự xóa sổ, không cần diệt chủng văn hóa. Các đia phương đang đua nhau xây chùa mới với đủ thứ kỷ lục không giống ai.

"Nạn nhân" nặng nhất của việc trùng tu và phục dựng là các đền thờ cổ, đình xưa. Toàn di tích cấp quốc gia, được bao cấp từ ngân sách nhà nước; đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Mỗi lần trùng tu, phục dựng đều có đủ thứ ban bệ, hội đồng xét duyệt, cân nhắc từ kinh phí đến nội dung, từ bản vẽ đến nguyên vật liệu. Thủ tục nhiêu khê, lắt léo nhưng tiêu cực xảy ra. 

giengco.jpg
Giếng cổ ở đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu bị phá bỏ khi trùng tu gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây

Vẫn còn nhiều điểm sáng: Tự nhiên và không giả cũ

Tuy nhiên, giữa bức tranh màu xám, vẫn có những điểm sáng trùng tu và bảo tồn. Đó là phố cổ Hội An và các làng nghề vệ tinh, điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Là nhà cổ Ba Kiệt (Cái Bè, Tiên Giang), ngôi nhà thuần Việt, cực đẹp, làm bằng gỗ, từ năm 1838. Do thời gian và chiến tranh, nhà xuống cấp, được tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ trùng tu bài bản, căn cơ, từ vật liệu đến từng họa tiết nhỏ. Phần phục dựng các chi tiết dù cùng nguyên liệu, vẫn giữ nguyên màu gỗ tự nhiên, không giả cũ.

Buôn Akothon ở thành phố Buôn Ma Thuột, bên cạnh nhiều nhà sàn xây bằng vật liệu hiện đại mới, các nhà sàn truyền thống vẫn được người dân tôn tạo, giữ nguyên. Cả bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu); điển hình cả nước về làng du lịch cộng đồng. Bản không có nhà xây, nhà thờ Tin Lành cũng bằng gỗ như nhà dân bản. Nhà thờ Pleichuet (Gia Lai) được thiết kế như nhà rông, hiện đại nhưng tinh tế, sâu lắng.

Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), xây dựng từ năm 1876 được trùng tu bởi tập đoàn Monument (Bỉ). Khởi công trùng tu năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2023, vừa gia hạn đến năm 2027. Tổng kinh phí hơn 140 tỉ đồng do Tòa Tổng Giám mục TP.HCM thực hiện.

power-director.jpg
Nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM đang được trùng tu

Theo số liệu của ngành Văn hóa, cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản thế giới và nhiều di sản cấp tỉnh, thành. Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã bố trí nguồn kinh phí khoảng 245 tỉ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích cả nước.

Số tiền này được phân bổ cho khoảng 400 di tích (mỗi di tích bình quân 600 triệu). Số tiền ít đến bất ngờ, chưa kể còn bị phết phẩy. So sánh với công trình trùng tu nhà thờ Đức Bà, kinh phí dự kiến hơn 200 tỉ, mới thấy sự khập khiễng và bất cập. Không thể “tay không bắt giặc” như thời chiến. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỉ để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương chỉ phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích. Số tiền này cũng chẳng bỏ bèn gì so với nhu cầu thực tế

Ngày 10.8, tại phiên họp thứ 14 của Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng về “vấn đề di tích bị biến dạng, “trẻ hóa” sau trùng tu ngày càng nhiều”. Bộ trưởng thừa nhận thực trạng đáng báo động nhưng vẫn chưa ai nhận trách nhiệm và càng chưa có giải pháp hiệu quả.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đã được Chính phủ, các tỉnh thành quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vài ý kiến chủ quan

Trước hết, cần phải có người chỉ huy, chịu trách nhiệm cụ thể với địa chỉ rõ ràng. Không thể mãi chung chung như lâu nay.

Thứ đến là phân bổ ngân sách hợp lý. Hiệu quả của bảo tồn bền vững không thể qui thanh tiền. Có nhiều thứ quí hơn tiền, có tiền cũng không mua được. Ngân sách phải tương xứng với điều kiện quản lý minh bạch.

Tiếp theo là cần hội hóa các nguồn vận động theo kinh nghiệm trùng tu nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM. Phân cấp rõ ràng từng địa phương, ngành nghề, tôn giáo. Các ban bệ, hội đồng chuyên môn cần thực chất, thực quyền và dám chịu trách nhiệm.

Trùng tu và phục dựng chọn loc, có thứ tự ưu tiên; hạn chế xây mới kiểu khoa trương, chạy đua kỷ lục hình thức. Trước khi xây công trình mới, phải bảo tồn tốt các di tích cũ. Bảo tồn và phát triển là cặp đôi hoàn hảo, cuộc sống mới bền vững.

Có biện pháp chế tài, xử nặng, buộc hoàn nguyên công trình nếu viêc trùng tu và phục dựng xâm hại di tích.

Bằng mọi cách, phải chặn đứng căn bệnh trầm trùng tu và phục dựng vô trách nhiệm hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trùng tu và phục dựng di tích ở Việt Nam: Những điều trăn trở