Số nhân sự cấp trưởng cũng giảm tương ứng với số đầu mối đã giảm, gồm giảm 5 bộ trưởng, 3 thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng...
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra trong hai ngày 23 và 24.1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến và thông qua nội dung tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. Vì vậy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, nhất là những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết Nghị quyết 18 rút ra, để đẩy mạnh cuộc cách mạng này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và đòi hỏi của nhân dân trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan khẩn trương thể chế hóa để triển khai việc sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ cùng với việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hoàn thành trong quý 1/2025.
Liên quan đến bộ máy Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết 18, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18. Chính phủ thực hiện theo nguyên tắc tổ chức hợp lý các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, thực hiện và chịu trách nhiệm chính, bảo đảm không chồng chéo, giao thoa, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
“Mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được Trung ương xem xét, thống nhất, Chính phủ không duy trì mô hình tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, ngành. Đối với cục, vụ thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước. Sắp xếp, kiện toàn các cục, vụ có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thành một đầu mối; cơ bản không còn phòng trong vụ.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ duy trì các đơn vị thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước gắn với sắp xếp tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định.
Đối với cấp phó của người đứng đầu các bộ, ngành, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu ở đơn vị mới sau khi sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.
Trước mắt, Chính phủ cho phép sau khi sắp xếp, số lượng cấp phó có thể cao hơn quy định, nhưng bộ, ngành phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó đúng theo quy định chung trong thời hạn 5 năm.
Theo đó, tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, ngành, tương ứng 22,7%), gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Có 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan, tương ứng 37,5%), gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Tổ chức bên trong của các bộ, ngành (chưa tính số liệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) giảm 13/13 tổng cục và tương đương (giảm 100%), 519 cục và tổ chức tương đương (tương ứng giảm 77,6%, gồm 60 cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 459 cục và tương đương thuộc tổng cục), 219 vụ và tổ chức tương đương (tương ứng giảm 54,1%, gồm 121 vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 98 vụ và tương đương thuộc tổng cục).
Cùng với đó, giảm 3.303 chi cục và tương đương (tương ứng giảm 91,7%), sau khi sắp xếp còn 299 chi cục. Giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giảm 79 đơn vị trong cơ cấu tổ chức tại nghị định của Chính phủ (giảm 38%).
Số nhân sự cấp trưởng cũng giảm tương ứng với số đầu mối đã giảm, gồm giảm 5 bộ trưởng, 3 thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng và 3.303 chi cục trưởng…
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 63 địa phương đã hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tương đồng với việc sắp xếp các bộ, ngành ở Trung ương.