Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là lần đầu tiên trong thời kỳ Bắc thuộc người Việt đứng lên đòi độc lập. Nhưng trước thời kỳ bị Bắc thuộc thì người Việt cũng đã vài lần đứng lên bảo vệ nền độc lập của mình.
Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tham gia APEC tại Đà Nẵng, khi đề cập đến giá trị của độc lập, ông Trump có nói: “Chủ nhà Việt Nam hiểu được cảm xúc này không chỉ từ 200 năm trước mà từ 2.000 năm. Đó là vào năm 40 sau CN khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình”.
Dưới góc nhìn lịch sử thì lời phát biểu của ông Trump hoàn toàn chính xác vì cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là lần đầu tiên trong thời kỳ Bắc thuộc, người Việt tiến hành đấu tranh quân sự một cách quy mô để đòi độc lập.
Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ, quyển 3 chép:
Canh Tý, năm thứ 1 [40], (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú
Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.
Tân Sửu, năm thứ 2 [41], (Hán Kiến Vũ năm thứ 17). Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương, dấy quân đánh lấy các thành ấp, các quận biên thùy bị khổ, mới hạ lệnh cho Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu ta sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược.
Nhâm Dần, năm thứ 3 [42], (Hán Kiến Vũ năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành, gọi là Lãng Bạc) đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (Cấm Khê, sử chép là Kim Khê). Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất.
Nhưng trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, trước thời kỳ bị Bắc thuộc thì người Việt cũng đã vài lần đứng lên bảo vệ nền độc lập của mình. Nếu tính theo huyền sử thì có lẽ là câu chuyện Thánh Gióng. Đại Việt sử ký toàn thư chép:
"Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựalên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vường nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương”.
Đây chỉ là huyền sử được lưu truyền trong dân gian với nhiều chi tiết khó kiểm chứng nhưng nó cho thấy từ xa xưa, người Việt đã có ý thức bảo vệ nền độc lập của mình. Còn theo chính sử thì không thể quên nhắc việc vài lần chống quân Tần trước thời Hai Bà Trưng đến 2 thế kỷ.
Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép:
“Năm Đinh Hợi (214 tr.c.ng.) (Thục An Dương Vương năm thứ 44; Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần sai Đồ Thư và Sử Lộc sang lấy đất Lĩnh Nam, đặt ra Tượng quận. Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu úy là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú. Người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng. Lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu úy Đồ Thư”.
Hay
“Năm Tân Mão (210 tr.c.ng.) (Thục An Dương Vương năm thứ 48; Tần Thủy Hoàng năm thứ 37). Nhâm Hiêu và Triệu Đà nhà Tần đem quân sang xâm. Thục vương cùng Triệu Đà giảng hòa, rút quân về. Khi Triệu Đà sang xâm lược, đóng quân ở núi Tiên Du thuộc Bắc Giang, Thục vương đem quân chống cự Triệu Đà. Bấy giờ Nhâm Hiêu đóng chu sư ở tiểu giang, mắc bệnh, trở về, giao cả quân cho Triệu Đà. Triệu Đà dời quân doanh đến núi Vũ Ninh. Thục vương cắt đất cho Đà từ sông Bình Giang giở về Bắc để giảng hòa. Hai bên đình chiến, rút về”.
Có thể thấy người Việt đã có tinh thần bảo vệ độc lập rất sớm và sau khi chẳng may mất quyền tự chủ thì luôn nung nấu tinh thần đòi lại độc lập. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau đó như Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, họ Khúc, họ Dương cho đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán lấy lại nền độc lập lâu dài.
A.T