Trưởng đặc khu phải có tiêu chuẩn của người lãnh đạo cấp uỷ, lại phải là một nhà quản lý và người trực tiếp điều hành, chỉ huy hệ thống. Xã hội không thiếu người tài, ta cần tạo ra những khung khổ pháp lý để những người như thế gánh vác công việc…”, ĐBQH Lê Thanh Vân – Uỷ viên Thường trực UB Tài chính – ngân sách trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Chọn Trưởng đặc khu đủ đức tài
Dự thảo luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) được trình QH cho ý kiến kỳ này cùng với đề án thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hiện đang gây băn khoăn về mô hình tổ chức đặc khu. Nếu vẫn tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND thì không có gì đột phá mà thực hiện “nhất thể hoá” chức danh Đảng và chính quyền để quyền lực tập trung, và người đứng đầu đặc khu thì lại lo ngại chuyện kiểm soát quyền lực?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Lần đầu tiên quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất – Hiến pháp 2013. Tư tưởng của Hiến pháp là làm sao tổ chức được mô hình về hành chính, kinh tế ở những địa bàn, khu vực có nhiều lợi thế phát triển, tạo ra đột phá, làm cánh kéo cho cả vùng. Với tinh thần đó, năm 2015, khi sửa luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Quốc hội đã đưa vào một số điều khoản về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu với một khuôn khổ về thẩm quyền tổ chức.
Các nội dung trong dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không mâu thuẫn với Hiến pháp, cả về thiết kế mô hình bộ máy hành chính cũng như các quy định về chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Chỉ cần rà soát lại so với luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo luật đưa ra 2 phương án, trong đó có một phương án đột phá hơn là tổ chức thiết chế Đặc khu trưởng. Nếu các quy định không phù hợp với luật hiện hành thì cần xác định, đây là hình thức “xé rào” cho những khu vực dự kiến lập đặc khu.
Quan điểm của ông về hai phương án đưa ra?
-Đặc khu đòi hỏi sự bứt phá và tính quyết đoán cao. Vậy nên tôi nghiêng về phương án giao quyền cho một người. Nhưng như thế thì cần thiết lập một cơ chế kiểm soát quyền lực thật chặt chẽ, có sự giám sát của chính quyền cấp trên để bảo đảm chọn được một người đúng tiêu chuẩn đảm nhiệm chức vụ Trưởng đặc khu và mặt khác kiểm tra, giám sát được hành vi của người đó, để tránh tình trạng lạm dụng quyền lực hoặc gây đổ vỡ trong quá trình vận hành.
Cụ thể, cơ chế kiểm soát quyền lực nào có thể áp dụng trong trường hợp không có cơ quan giám sát ngang cấp, tại chỗ ở đặc khu, thưa ông?
-Nói về giám sát, kiểm soát quyền lực thì có nhiều cách nhưng quan trọng nhất, kiểm soát quyền lực phải bằng các quy định pháp luật để ngăn chặn lạm quyền. Điều đó có nghĩa, trao quyền cho người ta đến đâu thì phải giới hạn bằng các chế tài đến đó để người được trao quyền biết rõ vòng cương toả pháp luật để sử dụng quyền lực nhưng không được vượt quá rào chắn. Việc vượt rào đó được cảnh báo ngay từ các quy định pháp luật.
Vấn đề khác là lựa chọn con người, đó phải là người có vai trò tập hợp. Trước hết, Trưởng đặc khu là đại diện cho cơ quan lãnh đạo cấp uỷ. Tiêu chuẩn của người lãnh đạo cấp uỷ là phải có khả năng hoạch định đường lối, đưa các tư tưởng chính trị để sao thuyết phục được mọi người ở khu vực địa hạt ấy đi theo. Tiếp nữa, đó lại phải là một nhà quản lý, tức phải biến được các tư tưởng chính trị thành các quy định pháp luật và tuân thủ thực hiện. Ngoài ra, Trưởng đặc khu còn có vai trò là người trực tiếp điều hành, chỉ huy hệ thống.
Ý ông là kiểm soát, giám sát thiết chế Trưởng đặc khu bằng chính cơ chế chịu trách nhiệm?
-Đúng thế. Xã hội không thiếu người tài. Ta cần tạo ra những khung khổ pháp lý để những người như thế gánh vác công việc. Đó là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì họ có tầm nhìn, có ý chí quyết tâm và lường trước được những hậu quả có thể xảy ra với mình để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Nói “quyền” đi đôi với “hạn” là như vậy. Tức có “quyền” không có nghĩa là không còn “hạn”.
Miễn trừ trách nhiệm hình sự với Trưởng đặc khu?
Vậy còn mô hình Hội đồng tư vấn và giám sát đi kèm như đề xuất trong dự thảo luật, ông thấy thế nào?
-Đấy là mô hình khá phổ biến, thường được vận dụng nhưng thực ra, về tư cách pháp lý, người được giao làm Trưởng đặc khu là toàn quyền quyết định. Hội đồng tư vấn chỉ đưa ra tư vấn tham khảo, nhằm đảm bảo sự cẩn trọng trong việc hoạch định chính sách. Còn mọi quyết định vẫn phải từ Trưởng đặc khu. Việc lập hội đồng tư vấn vẫn cần thiết nhưng nhân sự phải là do Trưởng đặc khu chọn.
Thưa ông, Trưởng đặc khu sẽ phải là người “đứng mũi chịu sào”, phải đưa ra quyết định mau lẹ chứ không thể chần chừ, chờ ý kiến tập thể. Để tạo lập một cơ chế hoạt động như vậy, cần có những điều kiện gì?
-Đương nhiên khi giao quyền cho một người cũng để đảm bảo quá trình ra quyết định được nhanh chóng mà không bị bất cứ rào cản nào về thủ tục. Nhưng mặt khác lại dẫn đến nguy cơ chuyên quyền và có thể gây hệ quả lớn nếu quyết định sai lầm. Vấn đề là phải thiết lập thể chế, khung khổ pháp luật để Trưởng đặc khu biết được quyền của mình đến đâu.
Khi bộ máy rút gọn, vai trò người đứng đầu rất lớn, trách nhiệm cũng lớn. Khi đó, một số quy định chắc chắn phải khác, phải hoàn toàn đặc biệt so với vị trí lãnh đạo tại các địa phương khác.
Nếu thực sự có tài, người đó xứng đáng được hưởng lợi ích, năng lực được giải phóng tối đa, nhưng nếu làm trái, gây thiệt hại lớn thì họ cũng phải chịu trách nhiệm ở mức độ tương xứng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong