Ngày 16.9, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức gặp gỡ báo chí giải thích về việc phong giáo sư, phó giáo sư (PGS, GS). Ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính đã chia sẻ với báo chí về vấn đề đang gây tranh cãi này. 

Trường ĐH Tôn Đức Thắng giải trình việc tự bổ nhiệm GS, PGS

Một Thế Giới | 16/09/2015, 20:37

Ngày 16.9, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức gặp gỡ báo chí giải thích về việc phong giáo sư, phó giáo sư (PGS, GS). Ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính đã chia sẻ với báo chí về vấn đề đang gây tranh cãi này. 

Khẳng định với báo chí, ông Vũ An Ninh cho biết việc tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của trường là chức vụ chuyên môn, không vi phạm quy định. 

Truong DH Ton Duc Thang
Ông Vũ An Ninh

Theo ông Ninh, việc bổ nhiệm PGS, GS của trường thực hiện dựa trên quyền tự chủ cho phép thí điểm bởi quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 - 2017 ở điều 1, mục 2, tiểu mục 2b.

Trường phân chức vụ được bổ nhiệm làm hai loại gồm Chức vụ quản lý (Ban giám hiệu, Trưởng phòng - khoa, Trưởng bộ môn) và Chức vụ chuyên môn (Tập sự giảng dạy, trợ giảng, Giảng viên, GS trợ lý, PGS, GS).

Theo quy định chỉ những chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường 1 năm trở lên mới được phong GS, PGS. Những đối tượng này không phải là công chức, thực hiện nhiệm vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ, thu nhập do trường trả bằng nguồn thu của trường, không phải từ ngân sách nhà nước. Việc bộ nhiệm, giao nhiệm vụ, cung cấp điều kiện làm việc tương xứng và trả thu nhập có giá trị trong nội bộ trường là quyền của trường.

PGS, GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm là chức vụ chứ phải danh vị, tôn vinh. Danh xưng của PGS, GS do ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm luôn đi kèm với tên trường, gắn liền với công việc của nhà trường. Những người được bổ nhiệm khi không thực hiện đúng nhiệm vụ phân công theo cam kết với nhà trường sẽ bị miễn nhiệm.

Chức vụ này được nhà trường công nhận, các đơn vị khác có công nhận hay không tùy vào nhu cầu và cử đồng ý của họ. Quy trình xem xét bổ nhiệm sẽ thông qua hội đồng thực hiện công khai, không bỏ phiếu kín tránh tình trạng trù ám cá nhân.

-Thưa ông, nhà trường nói việc bổ nhiệm PGS, GS là chức vụ chuyên môn. Vậy làm thế nào để phân biệt những người được trường bổ nhiệm và những người làm việc trong trường được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước phong?

- Danh xưng PGS, GS trong nội bộ nhà trường là xưng hô bình thường.

Chúng tôi quan niệm tất cả những người được Hội đồng Chức danh GS nhà nước phong sẽ được trường công nhận đối chiếu với tiêu chí và quy định của nhà trường.

GS của Hội đồng chức danh GS nhà nước phong là học hàm.  GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm là GS chức vụ.

-Trao đổi với báo chí, đại diện Hội đồng chức danh GS nhà nước nói Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự ý bổ nhiệm PGS, GS là vi phạm pháp luật. Nhà trường giải thích thế nào về vấn đề này?

- Chúng tôi thực hiện theo quyết định 158 của Thủ tướng chính phủ. Thí điểm là thực hiện những điều chưa có trong pháp luật. Việc thí điểm không vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, hiện nay chỉ có quy định bổ nhiệm PGS, GS thông qua học hàm nhà nước, không có quy định không cho nơi nào bổ nhiệm GS, PGS. Việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không vi phạm luật

-Ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng chức danh GS nhà nước cho biết có lãnh đạo của trường đã hai lần không đạt tiêu chuẩn chức danh PGS khi xét ở HĐCDGS ngành, nhưng sau đó trường đã tự bổ nhiệm vị này chức danh GS. Nhà trường giải thích về vấn đề này?

- Khi chấm điểm, người của chúng tôi được 27 điểm trong khi những người khác chỉ được 12 đến 15 điểm, nhưng người chúng tôi không được bổ nhiệm vì khi bỏ phiếu kín bị thiếu 3 phiếu. Về điểm số hoàn toàn đạt tiêu chuẩn nhưng kết quả cuối cùng thông qua lá phiếu nên không đạt.

Vì vậy nhà trường xem xét bổ nhiệm người này là GS của nhà trường.

-Tại sao vị cán bộ này đã hai lần chức danh PGS đều không đạt chuẩn nhưng trường lại bổ nhiệm lên GS?

Trường bổ nhiệm người này là GS trên cơ sở quyết định số 20 năm 2012 của Thủ tướng chính phủ. Đây là GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tôi không bình luận về điều này. Tiêu chuẩn bổ nhiệm GS của chúng tôi không giống với tiêu chuẩn của nhà nước.

-Hiện nay nhà trường đã tự bổ nhiệm bao nhiêu GS, PGS?

- Chúng tôi đã bổ nhiệm một GS là ông Lê Vinh Danh (hiệu trưởng).

-Quy định về bổ nhiệm GS của ĐH Tôn Đức Thắng được ban hành tháng 7.2015. Trong khi đó, ông Danh sử dụng danh xưng GS đã lâu. Việc bổ nhiệm cho ông Danh thực hiện theo quy định nào?

- Nhân sự của chúng tôi được một cơ sở giáo dục nước ngoài bổ nhiệm đối chiếu với quy chuẩn GS của Việt Nam, nhân sự của chúng tôi hoàn toàn đáp ứng. Chúng tôi bổ nhiệm chỉ là chức vụ chuyên môn để làm công tác chuyên môn, không phải chức danh để ra ngoài xã hội. Phạm vị, chức vụ, giới hạn chỉ gói gọn trong Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

-Làm thế nào để phân biệt danh xưng những người được nhà nước phong và những người được nhà trường phong?
- Những người được Hội đồng chức danh GS nhà nước phong gọi là PGS, GS. Đối với quốc tế chỉ có PGS, GS gắn với trường đại học. Chúng tôi không tìm ra danh xưng gì để phân biệt. Quy trình xem xét bổ nhiệm sẽ thông qua hội đồng thực hiện công khai, không bỏ phiếu kín tránh tình trạng trù úm cá nhân.

-Bộ GD-ĐT vừa có ý kiến yêu cầu trường trả lời về việc phong PGS, GS. Nhà trường trả lời như thế nào?

- Hiện trường chưa nhận được văn bản nào của Bộ GD-ĐT.

-Mức lương của những người được trường phong PGS, GS được chi trả như thế nào?

-Những người này vẫn nhận lương theo ngạch viên chức, ngoài ra được hưởng các phần liên quan đến công việc quản lý do bổ nhiệm. 
Lê Huyền/VNN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường ĐH Tôn Đức Thắng giải trình việc tự bổ nhiệm GS, PGS