TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí.
Kinh tế - đầu tư - dự án

TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường BĐS vẫn đối mặt nhiều vấn đề nan giải

Lam Thanh 16:49 27/11/2024

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí.

Thị trường BĐS đang phục hồi

Tại Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường BĐS" ngày 27.11 do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết thị trường BĐS năm 2024 dù còn nhiều khó khăn nhưng về cuối năm đã có sự phục hồi tích cực.

Tuy vậy, theo ông Hải, nguồn cung có chuyển biến tích cực nhưng còn hạn chế; cơ cấu sản phẩm còn chưa hài hòa. Hiện nay, cả nước triển khai được 2.254 dự án với tổng số 1,2 triệu căn hộ, lô, đất nền. Về nhà ở xã hội có 622 dự án đã và đang triển khai với quy mô khoảng 565.177 căn.

Về giá giao dịch, một số địa phương có xu hướng tăng cục bộ tại một số vị trí, một số loại hình. Bộ Xây dựng đã làm việc cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), một số địa phương, hiện nay giá đã cải thiện tích cực hơn, cơ bản tăng 25%/năm.

anh-man-hinh-2024-11-27-luc-15.12.31.png
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Ông Hải cho hay các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, dự án BĐS tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ. Theo đó thị trường cơ bản ổn định, nguồn cung đã có phần cải thiện.

Tổ công tác 1435 thành lập theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp, Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực đã xử lý cơ bản 188 kiến nghị liên quan 203 dự án.

Theo ông Hoàng Hải, mặc dù các luật liên quan được ban hành và có hiệu lực thi hành, song vẫn còn một số hạn chế do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành, được thực thi có kết quả, “đi vào cuộc sống”.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, cho biết về mặt pháp lý, quá trình triển khai từ phía Quốc hội và các địa phương rất quyết liệt, nhưng vẫn còn các địa phương và một số bộ, ngành vẫn chưa ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn.

“Có thể thấy, Việt Nam đã và đang phục hồi thị trường BĐS theo hướng bền vững hơn”, ông Lực nhận định.

Ông Lực cho rằng hiện nay, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường là điểm mới quan trọng nhất, tạo điều kiện để định giá đất sát với giá thị trường, tháo gỡ bất cập giá đất nhất là hiện tượng hai giá, làm cơ sở cho đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan…

Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh rằng, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê BĐS so với bảng giá đất cũ. Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2-7 lần so với bảng giá đất hiện tại.

Cung cải thiện nhưng giá lại đang cao

Mặc dù vậy, TS Cấn Văn Lực chỉ ra, bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều rủi ro thách thức cho việc phục hồi thị trường BĐS như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có đột phá, không đồng đều; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường BĐS phục hồi chậm; giá BĐS cao và tăng nhanh ở phân khúc chung cư, đất nền và một số địa bàn.

anh-man-hinh-2024-11-27-luc-15.12.47.png
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng băn khoăn khi các địa phương đang tiến hành công bố bảng giá đất, cũng như các quy hoạch mới có thể tạo ra những tác động trực tiếp vào giá BĐS.

“Nguy cơ giá đất của một số địa phương sẽ bị đội lên cao, bởi thực tế hiện nay, các dự án ở Hà Nội, TP.HCM đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng giá rất cao, dẫn đến nguy cơ đẩy chi phí đầu tư, làm tăng đột biến giá sản phẩm”, ông Đính nêu.

Do đó, ông Đính dự báo giá BĐS khó có thể điều chỉnh giảm và đang có dấu hiệu tăng cao. Đặc biệt, có một nghịch lý là: Cung có thể được cải thiện, về nguyên lý thì giá bán sẽ phải giảm, tuy nhiên, ở đây cung được cải thiện nhưng mà giá lại đang cao.

“Nhìn chung nếu không có những cải thiện về giá, các giao dịch sẽ giảm đi và chững lại - đây là vấn đề khiến chúng tôi hết sức lo lắng”, ông Đính chia sẻ.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết thị trường BĐS Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực đến người dân lẫn doanh nghiệp.

Theo thống kê, Hà Nội có gần 1.500 dự án bị "đắp chiếu", trong khi TP.HCM là khoảng 2.600 dự án. Tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm.

ong-nghia.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Ông Nghĩa cho rằng việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng một Nghị quyết Quốc hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý, quản lý và thủ tục hành chính...

Theo vị chuyên gia này, thị trường BĐS vốn liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh BĐS, một Nghị quyết Quốc hội, hoặc Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng nghị quyết sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại.

“Đây không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp BĐS mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở cho hàng triệu người dân. Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Bài liên quan
Tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường quốc tế
Xuất khẩu tôm năm 2024 đạt gần 4 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2023. Nhìn lại năm 2024, ngành tôm đã kiên trì và nỗ lực vượt qua thử thách, khẳng định vị thế vững chắc trong xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng 0 đồng: Bước đầu thuận lợi cho chặng đường tiếp theo
17 phút trước Tài chính và đầu tư
Việc chuyển giao bắt buộc với GPBank và DongA Bank đã đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi cho các ngân hàng, tạo cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại, đóng góp vào sự an toàn và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường BĐS vẫn đối mặt nhiều vấn đề nan giải