TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng trên mọi phương diện, Việt Nam đều có những bước tiến rất rõ rệt. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới.
Theo dòng thời sự

TS Nguyễn Văn Đáng: Cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên tầm cao mới

Lam Thanh 27/12/2024 16:45

TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng trên mọi phương diện, Việt Nam đều có những bước tiến rất rõ rệt. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới.

Sáng 27.12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức".

Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu… Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội 14 của Đảng.

PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng khái niệm "kỷ nguyên" được đánh dấu bằng sự phát triển về chất, tức là từ lượng phải chuyển thành chất mới; phải được đánh dấu bằng những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra chất mới là đạt được mục tiêu và chuyển sang kỷ nguyên mới.

Với nhận thức này, Đảng ta trong Cương lĩnh năm 1991 cũng như Cương lĩnh năm 2011 đã sử dụng khái niệm kỷ nguyên. Chặng đường cách mạng từ khi Đảng ta ra đời năm 1930 - 1945 đã mở ra cho dân tộc ta kỷ nguyên độc lập tự do. Từ năm 1946 - 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp kiến quốc, và đặc biệt là sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

dang-2.jpg
PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (trái)

Đến năm 1986, Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Sau 40 năm đổi mới này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại, tạo ra những tiềm lực mới, mạnh, thế lực mới, rất mạnh.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm còn phân tích trong bối cảnh thế giới có 2 đặc điểm rất đáng chú ý là toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra, là xu thế không thể đảo ngược. Tiếp theo là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn chưa bao giờ gay gắt như bây giờ.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh chiến lược này có thể kết thúc vào năm 2030. Lúc ấy có thể hình thành thế giới đa cực thay cho thế giới đơn cực xuất hiện sau năm 1991 khi hệ thống CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã.

“Năm 2030 có thể hình thành thế giới đa cực, vừa tạo ra thách thức mới nhưng cơ hội mới cũng rất lớn. Đối với những quốc gia có trí tuệ, có vị thế, có chính sách đối ngoại đúng đắn sẽ có thể tận dụng, tranh thủ được sức mạnh của thời đại trong điều kiện này”, ông Quát nói.

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cụm từ "kỷ nguyên" thường được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà xã hội học dùng để nhìn lại quá khứ và dùng các đặc điểm vật chất nào đó để xác định một giai đoạn, ví dụ: Kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên đồ đồng hay kỷ nguyên công nghiệp, bây giờ là kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên số. Việt Nam dùng "kỷ nguyên" cho tương lai, thể hiện sự khác biệt.

“Ở đây, chúng ta chủ động xác định khoảng thời gian trong tương lai và ý chí quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những bước tiến, bước chuyển hết sức rõ rệt về thực tế đời sống kinh tế, xã hội của đất nước”, ông Đáng nêu.

2-thanh-pho-ho-chi-m-1-.jpg
Quyết tâm tiến đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Theo TS Đáng, về mặt kinh tế, Việt Nam đã "thoát nghèo" để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008 - 2009. Từ chỗ GDP bình quân đầu người chưa đến 200USD những năm 1990, đến nay GDP bình quân đầu người đã khoảng 4.300USD; từ chỗ gần như bị cô lập trên trường quốc tế, đến nay đã tham gia tất cả tổ chức quốc tế trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường trên thế giới.

Về mặt xã hội, đến nay Việt Nam đã xóa đói, giảm nghèo thành công, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới coi là một câu chuyện thành công, đưa tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam xuống rất thấp.

Về mặt chính trị, từ cuối những năm 1980 cho đến những năm 1990, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, bất chấp những biến động chính trị rất mạnh mẽ, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị trong gần 40 năm vừa qua.

Như vậy, ông Đáng cho rằng trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế…, Việt Nam đều có những bước tiến rất rõ rệt. Không chỉ nhân dân trong nước được thụ hưởng thành quả ấy mà cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới.

“Chính tâm thế đó của toàn bộ nhân dân Việt Nam khiến cho khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cụm từ "kỷ nguyên mới", sau đó phân tích, bình luận và hướng người dân về tương lai, được người dân đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ tới. Tức là chúng ta cố gắng vươn lên nhóm quốc gia hạng nhất trên thế giới”, ông Đáng nói.

dang-1.png
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

TS Đáng cho rằng đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi, nhưng đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới Việt Nam phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình.

Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ. Nhìn sang các nước trong khu vực, họ đã đi trước Việt Nam và có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian tính bằng thập kỷ. Tuy nhiên, sau đó họ rơi vào vòng luẩn quẩn, bẫy thu nhập trung bình. Nếu Việt Nam không chủ động, không nhìn thấy thách thức ấy để bứt phá, vươn lên thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

“Chúng ta có thể tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000 - 9.000USD nhưng không thể bứt qua được 10.000USD, tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao, chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000USD, chỉ số phát triển con người phải vượt 0,8. Đấy là thách thức”, ông Đáng nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cấp công nghệ thu thuế đối với Google, Facebook, TikTok...
Thực tế cho thấy số thu thuế nhà thầu nước ngoài từ các công ty cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới như: Google, Facebook, TikTok... trong ba năm gần đây có sự biến động nhưng chưa ổn định.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Văn Đáng: Cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên tầm cao mới