Thời gian qua dư luận xã hội (trên báo chí và đặc biệt trên facebook) nhiều phen xôn xao về chuyện cán bộ trẻ là con, em, người thân của các vị lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo được đề bạt giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hay chuyện nhiều thành viên trong gia đình chia nhau nắm giữ những vị trí lãnh đạo khác nhau trong chính quyền một địa phương. Không ít người mỉa mai một cách chua chát: “Con ông cháu cha”, “Con quan thì lại làm quan”, “Một người làm quan, cả họ được nhờ”…

Từ hiện tượng 'COCC', nhớ lời dạy của người xưa

16/06/2016, 15:34

Thời gian qua dư luận xã hội (trên báo chí và đặc biệt trên facebook) nhiều phen xôn xao về chuyện cán bộ trẻ là con, em, người thân của các vị lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo được đề bạt giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hay chuyện nhiều thành viên trong gia đình chia nhau nắm giữ những vị trí lãnh đạo khác nhau trong chính quyền một địa phương. Không ít người mỉa mai một cách chua chát: “Con ông cháu cha”, “Con quan thì lại làm quan”, “Một người làm quan, cả họ được nhờ”…

Ảnh minh họa

Thực ra, chuyện những cán bộ trẻ kia là con ai, gốc gác thế nào, lý lịch “đỏ” đến đâu không phải là điều đáng bàn luận, tranh cãi nếu họ có tư chất, năng lực thực sự; hiệu quả làm việc cao và được người dân ủng hộ. Khi ấy việc họ, cũng như bất cứ ai khác có năng lực, đảm nhiệm một vị trí nào đó là điều hoàn toàn xứng đáng. Nếu cứ lấy lý do họ là con lãnh đạo; sợ bị dư luận mỉa mai, đàm tiếu mà không chịu cất nhắc thì chẳng phải sẽ bỏ phí tài năng hay sao. Trên thế giới không hiếm những trường hợp cả hai cha con đều là lãnh đạo cấp cao của đất nước như cha con nhà Bush đều là Tổng thống Mỹ, cha con ông Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long đều là Thủ tướng Singapore…

Dư luận xã hội có lẽ sẽ không đến nỗi quá khắt khe nếu những “cán bộ con quan” này hoàn toàn được bổ nhiệm dựa vào năng lực, hiệu quả làm việc của họ mà không dựa dẫm một chút nào vào ảnh hưởng của gia đình. Điều khiến dư luận bàn tán, mỉa mai là nơi này, nơi kia trên đất nước này, nạn tư lợi vun vén cho người thân, nạn “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn còn nhan nhản khiến không ít người hoài nghi, bi quan về chính sách trọng dụng nhân tài của nhà nước.

Tôi cho rằng để có một chính sách dùng người đúng đắn, hiệu quả và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, Đảng và Nhà nước cần phải tạo ra một môi trường thật sự công bằng, phân minh, tạo điều kiện cho tất cả mọi người phấn đấu một cách bình đẳng, không phân biệt xuất thân. Người có công thì được thưởng, người có tội thì bị phạt. Người có năng lực thì được đề bạt, người không có năng lực thì phải thoái lui. Có như thế thì nhân tài mới thực sự mến phục và đem hết tài năng, tâm huyết của mình ra mà dựng xây đất nước.

Từ những ồn ào trong dư luận hôm nay, nhớ lại một vài mẩu chuyện về tinh thần chí công trong dùng người của người xưa được lưu lại trong sử sách. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” kể rằng khi Thái sư Trần Thủ Độ duyệt định sổ hộ khẩu, Linh Từ Quốc Mẫu (vợ ông) xin riêng cho một người quen làm câu đương (một chức xã quan thời xưa). Ông gật đầu và biên lấy tên họ, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã nọ, hỏi tên người kia. Người ấy mừng chạy đến. Trần Thủ Độ nói: “Ngươi vì có công chúa (Linh Từ Quốc Mẫu) xin cho được làm câu đương, không ví như người khác được, phải chặt một ngón tay để phân biệt”. Người kia kêu van mãi mới tha cho; từ đấy không còn ai dám đến nhà ông thăm riêng nữa.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” còn kể rằng cha của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu vốn có mối thù sâu nặng với vua Trần Thái Tông nhưng trong kháng chiến chống Nguyên Mông, các vua Trần đã không hề ngại mối hận thù đời trước, không hề định kiến lý lịch mà trao cho Hưng Đạo Vương đại quyền thống lĩnh toàn bộ quân đội để rồi với tài năng của mình ông đã lập nên cho đất nước những chiến công vĩ đại.

Sách “Đại Việt sử lược” kể rằng khi Thái phó Tô Hiến Thành ngã bệnh chỉ có Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ. Quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận bịu nhiều việc, không thể đến thăm nom. Thái hậu đến thăm hỏi: “Nếu có mệnh hệ nào, ai thay ông?”. Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá. Thái hậu ngạc nhiên hỏi: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc men cho ông mà ông không nói đến. Sao vậy?”. Tô Hiến Thành đáp: “Thái hậu hỏi người thay thần nên thần nói đến Trung Tá; còn nếu hỏi người hầu hạ thần thì phi Tán Đường còn ai nữa”.

Chuyện xưa đã qua cách đây mấy trăm năm nhưng ý nghĩa của nó thì trường tồn mãi mãi để con cháu hôm nay và mai sau lấy đó làm điều răn cho mình theo tinh thần “Ôn cố nhi tri tân”. Lại nhớ đến lời khuyên của Nguyễn Trãi về việc dùng người từ thế kỷ XV: “Chớ thưởng bậy vì tư ân. Chớ phạt bừa vì tư nộ. Đừng thích của tiền mà buông tuồng, xa xỉ; đừng gần thanh sắc mà bừa bãi, hoang dâm. Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung làm theo thường điển ngõ hầu trên có thể đáp thiên tâm, dưới có thể thỏa nhân vọng, thì quốc gia mới được yên vững lâu dài” (Hậu tự huấn).

Lời người xưa tưởng như còn vang vọng đâu đây.

Hồ Tấn Nguyên Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ hiện tượng 'COCC', nhớ lời dạy của người xưa