Cả "tứ trụ sử học" của miền Bắc Việt Nam đều có quan điểm giống nhau về nhà Triệu và Triệu Đà. Cả 4 ông Lâm, Lê, Tấn, Vượng đều cho rằng Triệu Đà là kẻ xâm lược.

'Tứ trụ sử học' Việt Nam đồng nhất quan điểm về Triệu Đà

15/06/2019, 14:35

Cả "tứ trụ sử học" của miền Bắc Việt Nam đều có quan điểm giống nhau về nhà Triệu và Triệu Đà. Cả 4 ông Lâm, Lê, Tấn, Vượng đều cho rằng Triệu Đà là kẻ xâm lược.

Hàng đứng: GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê/Hàng ngồi: 2 vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh: Tư liệu

Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ: Nỏ thần trao tay giặc?Ngàn năm đô hộ giặc Tàu: Góc nhìn về Triệu Đà, lịch sử cũng... chia phe

Triệu Đà và cuộc bút chiến giữa hai học giả Phan Khôi-Trần Trọng Kim

Quan điểm đa chiều về Triệu Đà tại miền Nam trước 1975

Vai trò của Triệu Đà trong quan niệm lịch sử duy vật của Đào Duy Anh

Trong phần trước, chúng ta đã nói về quan điểm của nhà sử học Đào Duy Anh với nhà Triệu. Sau Đào Duy Anh, các hậu bối hàng đầu trong làng sử học ở miền Bắc Việt Nam phải kể đến "tứ trụ" của ngành sử học là “Lâm, Lê, Tấn, Vượng”. Chúng ta thử điểm xem quan điểm của tứ trụ với nhà Triệu và nhân vật lịch sử Triệu Đà.

Vợ chồng Giáo sư Đào Duy Anh và các hậu bối

Nhưng trước khi nói về tứ trụ thì chúng ta nói về người thầy của họ là Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông Giàu sinh ở Long An. Ngoài là một nhà cách mạng, là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ thì ông còn là một nhà nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực sử học. Đầu năm 1947, ông được điều trở về chiến khu Việt Bắc để đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin Bộ Nội vụ. Năm 1951, ông tham gia Bộ Giáo dục, xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp, tham gia giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam (được coi là người sáng lập những ngành khoa học này của nền khoa học sư phạm Việt Nam hiện đại).

Quan điểm về Triệu Đà của ông được trình bày rõ ràng trong cuốn Triết học và tư tưởng. Trong cuốn đó, phần bài viết Tư tưởng chủ đạo của người viết sử, ông nêu:

“Triều đại phải là của người bản quốc, không phải của người nước ngoài, đất nước phải là độc lập tự chủ, không thuộc vào địa bàn thống trị của nước khác, người cầm quyền nước ta không xưng thần với ngoại bang. Điều này thì rõ ràng là đúng. Nhưng khi ứng dụng vào thực tế lịch sử thì có mấy chỗ khó. Các sử thần thời Nguyễn nhận thức đúng rằng Triệu Đà không phải là vua nước ta mà là vua nước Nam Việt đã thôn tính nước ta, nhưng họ vì thiếu sử liệu mà ngỡ rằng Thục An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, mặc dầu đóng đô ở Cổ Loa cũng không được xem là chính thống”.

Nhà sử học Đinh Xuân Lâm – người đầu tiên theo thứ tự trong tứ trụ. Dưới sự dìu dắt của thầy Trần Văn Giàu, ông Lâm đã góp công đầu xây dựng bộ môn Lịch sử cận – hiện đại Việt Nam.

Quan điểm của ông Đinh Xuân Lâm về Triệu Đà được thể hiện trong bộ Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam mà ông không hề coi Triệu Đà là một nhân vật trong lịch sử nước nhà nhưng vẫn có chỗ cho Thục Phán (An Dương Vương). Trong phần đó, ông coi Triệu Đà là kẻ xâm lược khi chép (với An Dương Vương thì ông dùng từ "sáp nhập" khi chấm dứt nhà nước Văn Lang):

“Đất nước yên bình trong mấy chục năm. Cuối những năm 80 của thế kỷ II TCN, vua Nam Việt là Triệu Đà cất quân đánh Âu Lạc. Nhiều trận đánh diễn ra. Quân Triệu thua to, phải rút về nước. Biết không thế xâm chiếm Âu Lạc ngay được, Triệu Đà đã dùng mưu chia rẽ nội bộ triều đình Âu Lạc. Một số Lạc hầu như Cao Lỗ, Nồi Hầu cố sức khuyên can An Dương Vương chớ tin lời giặc, nhưng do quá tự tin vào thành lũy và quân đội của mình, An Dương Vương không nghe, lại đuổi họ về làng. Sau khi đã đạt được mục đích “phá hỏng nỏ thần”, Triệu Đà tiến quân xâm lược. Vì mất cảnh giác, không lo việc bố phòng, An Dương Vương không chống nổi giặc, phải bỏ thành Cổ Loa, cùng con gái phi ngựa chạy về phía nam. Quân giặc đuổi gấp. Biết không thể thoát được, An Dương Vương đã cùng con gái tự tận ở vùng biển Diễn Châu (Nghệ An). Hiện nay ở Cổ Loa cũng như ở Cao Xá (thuộc Diễn Châu) đều có đền thờ An Dương Vương, hằng năm cúng tế”.

Gần đây, trong cuốn Truyện đọc lịch sử Việt Nam 9 tập do Đinh Xuân Lâm làm chủ biên thì tập 1 được giới thiệu là “giai đoạn lịch sử nước ta từ thời nguyên thủy đến năm 179 TCN - đánh dấu bằng sự kiện Triệu Đà chiếm được Âu Lạc và đặt ách thống trị của phong kiến phương Bắc trên đất nước ta”.

Giáo sư Phan Huy Lê – người thứ 2 trong “tứ trụ” cũng trình bày quan điểm của ông rõ ràng trong phần mở đầu cuốn Đại Việt sử ký toàn thư do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 1998. Ở phần Tác giả - văn bản – tác phẩm (trang 74 và 75) ông nêu rất rõ:

“Một sai lầm nghiêm trọng hơn là nhận thức về nhà Triệu, Đại Việt sử ký toàn thư- đã dành cả quyền 2 phần Ngoại kỷ chép về kỷ họ Triệu, coi nhà Triệu như một vương triều chính thống của ta. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, sai lầm trên có nhiều nguyên nhân phức tạp của nó.

Triệu Đà là người Hán (quê ở huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), làm quan lệnh huyện Long Xuyên quận Nam Hải thời nhà Tần. Nhân khi đế chế Tần sụp đổ, năm 207 tr.CN Triệu Đà đã chiếm cứ quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng (vùng Quảng Đông, Quảng Tây) lập thành một nước cát cứ ở phương Nam. Nước Nam Việt của Triệu Đà không phải là nước ta - lúc bấy giờ là nước Âu Lạc đời An Dương Vương. Hơn thế nữa, chính Triệu Đà là kẻ đã xâm lược và đô hộ nước Âu Lạc. Sự thật lịch sử là như vậy.

Nhưng Triệu Đà xây dựng lực lượng cát cứ, mưu đồ "tranh bá đồ vương" trên một địa bàn người Việt mà nhà Tần muốn thôn tính; cư dân tuyệt đại đa số là người Việt. Trong hoàn cảnh đó, để có lực lượng chống Tần, chống Hán, thực hiện mộng bá vương của mình, Triệu Đà và các vua Triệu kế tục đã thực hiện nhiều thủ đoạn mị dân nhằm tranh thủ các thủ lĩnh ngưòi Việt, tìm hậu thuẫn trong cư dân người Việt. Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt, coi như người phục hưng nước cũ của người Việt, tự xưng là “Man đại trưởng lão phu”, lấy vợ Việt, theo phong tục tập quán Việt (búi tó, ngồi xổm)... Những thủ đoạn cai trị đó cùng với hành động chống Tần, chống Hán (tất nhiên là chỉ vì mục đích cát cứ) của nhà Triệu, đã làm cho nhiều nhà viết sử của ta thời phong kiến không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược cùa nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu như một triều đại của ta. Đó là một sai lầm kéo dài mà các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư đã đưa vào Quốc sử. Đến thế kỷ XVIII, nhà sử học Ngô Thì Sĩ đã kịch liệt phê phán quan điềm sai lầm ấy và chứng minh nhà Triệu hoàn toàn không phải là một triều đại của nước ta, hơn nữa là kẻ đã xâm lược nước ta. Ngô Thì Sĩ viết: "Đến như việc tán tụng công lao của Triệu Đà đă xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên cứ theo cách chép ấy không biết thay đổi, rồi đến bài Tổng luận của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc đế của nước ta. Qua hàng ngàn năm mà không ai cải chính, vì thế tôi phải biện bạch kỹ càng". Đại Việt sử ký tiền biên là bộ Quốc sử của Tây Sơn đã chính thức chấp nhận quan điểm của Ngô Thì Sĩ và phủ nhận, cải chính một sai lầm kéo dài trong sử sách”.

Cũng cần nói thêm rằng theo ông Phan Huy Thăng viết trên Dân trí thì ông Phan Huy Lê là hậu duệ đời thứ 4 của ông Phan Huy Chú (tác giả của Lịch triều Hiến chương loại chí). Và ông Phan Huy Chú lại là cháu ngoại của ông Ngô Thì Sĩ. Cách nhìn nhận về Triệu Đà từ của ông Ngô Thì Sĩ cho đến Phan Huy Chú rồi Phan Huy Lê là không khác nhau.

Một tứ trụ khác là ông Hà Văn Tấn, chính là người đã hiệu đính cho cuốn Đại Việt sử ký toàn thư do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 1998. Phần quan điểm về Triệu Đà của ông Tấn cũng được thể hiện trong cuốn Sự sinh thành Việt Nam. Trong đó, ông dành 2 chương liên quan đến nhà Triệu là chương 15 (Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc) và chương 16 (Từ ách thống trị của Nam Việt đến ách thống trị của đế quốc Hán).

Người cuối trong tứ trụ chúng tôi nhắc đến là Giáo sư Trần Quốc Vượng, ông cũng coi Triệu Đà là kẻ xâm lược. Trong bài nghiên cứu về An Dương Vương, thì ngay phần “Đã Nhất Trí” ở mục 3 ghi rõ “Khẳng định có cuộc kháng chiến chống Tần và chống Triệu Đà” với câu kết luận: “Sự thật chắc đúng là như vậy, bởi vì chẳng bao lâu sau trong lần thử thách của cuộc chống Triệu Đà xâm lược, người dân Âu Lạc – không hề phân biệt Âu Lạc hay Lạc – đã kề vai sát cánh chiến đấu tới cùng cho một mục đích chung giữ gìn đất nước”.

(còn tiếp)

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tứ trụ sử học' Việt Nam đồng nhất quan điểm về Triệu Đà