Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng viếng Tú Xương bằng hai câu thơ, nay được hậu thế khắc trên bia mộ Tú Xương: Kìa ai chín suối xương không nát/Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn!

Tú Xương đã mất 110 năm mà sao thơ ông vẫn cứ như vừa mới viết

31/10/2017, 09:11

Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng viếng Tú Xương bằng hai câu thơ, nay được hậu thế khắc trên bia mộ Tú Xương: Kìa ai chín suối xương không nát/Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn!

Nhà thơ Tú Xương, tên thật là Trần Tế Xương (1870-1907) đã rời khỏi cõi trần khi mới 37 tuổi. Sự nghiệp thi ca mà ông để lại không nhiều cho đời sau. Nếu căn cứ vào những công trình nghiên cứu khoa học được xem là nghiêm cẩn nhất về ông, khi họ đã loại ra 68 bài được coi là các tác phẩm ở dạng tồn nghi, chưa khẳng định là của tác giả thì khả năng cũng chỉ chọn ra được 134 bài là thực của Tú Xương. Song, ông vẫn thực sự xứng đáng có một vị trí trang trọng trong nền thi ca Việt Nam.

Như tôi vừa đề cập, cuộc đời ngắn ngủi có 37 năm của ông đã nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước: Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh Nam kỳ mất trọn vào tay Pháp. Khi Tú Xương lên 3 thì Bắc kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Lúc Tú Xương 12 tuổi, Bắc kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. Các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại. Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh sục sôi và bi thương đó cùng với những không may đã khiến chốn quan trường sau 4 lần dự thi nhưng cũng chỉ đậu tú tài (nên mới gọi ông là Tú Xương).

Chốn quan trường từ đó càng ngày càng xa lạ, chua chát với ông. Tất cả những lý do này đã khiến những bài thơ ông để lại cho đời bằng chữ Nôm có những nỗi niềm cay đắng, chất chứa rất riêng. Nói đến tài làm thơ của Tú Xương, nhiều người đã đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là cơ bản.Với Tú Xương, các thể loại thơ mà ông sáng tác như thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát, Tú Xương cũng đều tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.

Hôm chủ nhật mới đây, tôi có dịp ghé thăm mộ ông ở ngay trong vườn hoa Hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Nơi đây chính là ngôi làng Vị Xuyên thuộc huyện Mỹ Lộc xưa kia.

Ông sinh ra tại số nhà 247 phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định với tên là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm. Tổ tiên ông được đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần, do lập công lớn nên được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông nội Trần Tế Xương tên là cụ Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho. Cũng là người dự nhiều khoa thi mà không đậu. Sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng trong gia đình.

Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Đó là người vợ tần tảo buôn bán nhỏ, luôn cho lo cho chồng học hành thi cử mà nhà lại đông con (8 người con) nên họ luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu. Điều đó đã đi vào thơ ca của ông: "Tiền bạc phó cho con mụ kiếm" hoặc là "Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ" hay là "Nuôi đủ năm con với một chồng", rồi ông cũng tự cười mình trong bài Phỗng sành:

"Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh
Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi,
Cứ việc ăn chơi chẳng học hành
".

Chính điều này đã góp phần khiến cho tác phẩm của ông thêm nhiều cảm xúc khác người mà vợ ông là hình mẫu, là cảm xúc hình thành nên nhiều bài thơ điển hình cho người phụ nữ Việt Nam thời đó.

Ông là một nhà thơ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà thơ hiện đại. Xuân Diệu đã viết về tài năng thơ phú nơi ông như sau:

"Ông nghè ông thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một tú tài
".

Nhiều người từng nhớ về Nhà thơ Tú Xương khi nhắc đến bài thơ "Năm mới chúc nhau". Ý thơ thật sâu cay, trào lộng. Ông viết:

"Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người
".

Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng viếng Tú Xương bằng hai câu thơ, nay được hậu thế khắc trên bia mộ Tú Xương:

"Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn
!".

Đúng là ông mất đã tròn 110 năm, vậy mà sao tiếng lòng trong thơ ông vẫn sâu lắng lạ thường. Nay chúng ta nhớ lạ bài thơ nổi tiếng của ông năm xưa mà sao thấy vận vào thời nay nó vẫn đầy ắp tính thời sự đến vậy!

Hôm nay, 110 năm sau, ngỡ rằng chuyện mua chức, buôn quan; chuyện mong muốn giàu sang phú quý ngoài khả năng, thực lực; chuyện sinh đẻ vượt quá giới hạn cho phép so với cảnh đất chật người đông đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vốn có... khiến người đọc chỉ thấy buồn cười về một hiện thực nhố nhăng, một hiện thực đậm màu hài hước trong xã hội cần bị lên án mà vẫn thấy nó hiện ra trong xã hội hôm nay.

Ngẫm lại chuyện xưa, tôi thấy có gì đó hơi buồn vì không lẽ đến cả hơn trăm năm sau, chuyện người xưa từng đề cập trong văn thơ vẫn rất đáng để hậu thế suy nghĩ để tự thấy phải thay đổi. Nếu không, chính những hủ tục , những tham vọng tiêu cực đó nó sẽ gây ra một hệ quả thật đáng buồn cho xã hội. Nó sẽ làm thụt lùi sự tiến bộ của xã hội mà lẽ ra điều đó chỉ có thể là chuyện của quá khứ nô lệ, phong kiến xa xưa.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tú Xương đã mất 110 năm mà sao thơ ông vẫn cứ như vừa mới viết