UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng xin tạm ứng 4.788 tỉ đồng cho tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên). Số tiền xin tạm ứng để thành phố thanh toán cho các nhà thầu cuối năm 2017 và đầu năm 2018 trong thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngày 24.11, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng xin tạm ứng vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1.
Cụ thể, UBND TP.HCM cho rằng tuyến metro số 1 vẫn đang gặp khó khăn vướng mắc trong việc điều chỉnh dự án và tăng tổng mức đầu tư. Do đó, việc tạm ứng số tiền 4.788 tỉ đồng nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu cuối năm 2017 và đầu năm 2018 trong thời gian thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Mới đây, UBND TP.HCM đã chi tạm ứng từ vốn ngân sách để thanh toán cho các nhà thầu nhằm đảm bảo tiến độ thi công của dự án với tổng số tiền hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị nói rằng số tiền tạm ứng trên không đủ để chi trả, do bình quân mỗi tháng TP.HCM phải thanh toán cho nhà thầu khoảng 500 - 600 tỉ đồng.
Tuyến metro số 1 đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án từ mức phê duyệt ban đầu của Thủ tướng là xấp xỉ 1 tỉ USD đội lên gần 2,5 tỉ USD. Việc tăng tổng mức đầu tư đã khiến nguồn vốn ODA phân bổ cho dự án tuyến metro số 1 bị “tắc” hơn một năm nay.
Theo quy định hiện hành, quy mô vốn đầu tư sau khi được điều chỉnh của dự án này cần được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Đồng thời, dự án cũng chưa xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách Trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt và dự kiến điều chỉnh.
Vì quyết định điều chỉnh dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không phân bổ vốn ODA theo kế hoạch để thực hiện dự án. Bộ Tài chính cũng thống nhất với chủ trương này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều này khiến cho tuyến metro số 1 luôn trong tình trạng thiếu tiền trả nợ cho nhà thầu. Để chi trả, UBND TP.HCM đã nhiều lần chi tạm ứng nhiều đợt cho nhà thầu thanh toán lương, thưởng tết cho công nhân nhưng chỉ cầm chừng được một khoảng thời gian ngắn.
Do vậy, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP.HCM vào tháng 6.2017, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm ứng hơn 3.300 tỉ đồng trong năm 2017 cho TP.HCM từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn 2016-2020 do ngân sách Trung ương cấp phát cho dự án metro số 1 nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2020 theo kế hoạch.
Sau đó, đầu tháng 7, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về buổi làm việc này, trong đó Thủ tướng đồng ý việc tạm ứng vốn ODA theo đề xuất của TP.HCM.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.7. Mặc dù vậy, đến nay, dự án metro số 1 vẫn chưa được rót thêm vốn. Chủ đầu tư không có tiền thanh toán nên nhiều nhà thầu đang rút chuyên gia, thiết bị, giãn tiến độ, ngưng thi công, thậm chí khởi kiện chủ đầu tư.
Đáng chú ý, liên quan đến tuyến metro này, UBND TP.HCM cũng đã thống nhất sẽ kéo dài điểm cuối của tuyến đường tại TP.HCM tiếp tục đến Bình Dương (thị xã Dĩ An) và Đồng Nai (Biên Hòa).
Chính quyền ba tỉnh kỳ vọng khi tuyến đường được kết nối sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại, đồng thời thu hút thêm hành khách đi tuyến số 1 và thúc đẩy phát triển các đô thị dọc theo tuyến đường.
Phan Diệu