“Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011-2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới”.

Tỷ lệ nợ công/GDP đang tăng nhanh và có thể vượt trần?

Trí Lâm | 09/11/2017, 19:00

“Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011-2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới”.

Hai chuyên gia Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Hồng Ngọc của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) mới đây đã công bố nghiên cứu “Đánh giá luật Quản lý nợ công tại Việt Nam và một số hàm ý chính sách”.

Tiếp tục tăng nhanh

Nghiên cứu nêu rõ, vay nợ có thể xem là một công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam còn có mức tích lũy thấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, đe dọasự bền vững của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt kể từ năm 2011. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng khoảng 12,2 điểm phần trăm, từ 50% lên đến 62,2%. Tới cuối năm 2016, nợ công ước tính đã lên tới 63,7% GDP. Từ 2011-2016, tỉ lệ nợ chính phủ/GDP đã tăng từ 39,3% đến 52,7%.

“Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011-2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới”, nghiên cứu nhận định.

Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), so với các quốc gia còn lại trong khu vực ASEAN cũng như so với các nhóm quốc gia mới nổi và đang phát triển trên thế giới, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, từ vị trí thấp nhất giai đoạn2000-2005 vươn lên đứng đầu trong năm 2016 với nợ công ước tính lên tới 60,7% GDP. Đáng nói là trong khi đó tại nhiều nước khác trong khu vực thì nợ công có xu hướng giảm.

Nghiên cứu cũng cho rằng thâm hụt ngân sách cao triền miên một phần bắt nguồn từ sự kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt ở khu vực kinh tế nhà nước, gây ra những thách thức rất lớn đối với việc kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép.

Mặt khác, xét riêng đối với nợ nước ngoài, tỷ trọng nợ nước ngoài/GDP tăng lên với tốc độ chậm hơn, từ 37,9% năm 2011 lên 44,3% năm 2016. Trong cơ cấu nợ chính phủ, tỷ trọng của các khoản vay từ nước ngoài cũng giảm từ 61,1% xuống chỉ còn 41% trong giai đoạn 2011-2016. Điều đó cho thấy xu hướng giảm sự phụ thuộc vào các khoản nợ nước ngoài với đầy rủi ro tiềm ẩn về tỷ giá, đặc biệt là trongthời gian vừa quakhi 3 loại ngoại tệ chính trong danh mục nợ của Việt Nam hiện nay là USD, JPY và EUR biến động mạnh.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là tỷ trọng nợ nước ngoài trong cơ cấu các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh lại có xu hướng không ngừng gia tăng, chiếm từ 40,5% trong năm 2011 lên mức 54,4% vào năm 2015. Điều này cho thấy rủi ro từ các khoản cấp bảo lãnh của Chính phủ.

Mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công

Tại nghiên cứu này, các tác giả đã so sánh, đối chiếu Dự thảo Luật với luật Quản lý nợ công hiện hành ban hành vào năm 2009. Theo đó, Dự thảo Luật cần phải xem xét tính minh bạch, tính hệ thống và tính cập nhật của hệ thống số liệu thống kê về nợ công.

“Việc công khai kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với việc giám sát, nghiên cứu, phân tích và đánh giá về tình hình vay và trả nợ công, mà còn là nền tảng cho quá trình dự báo và xây dựng chiến lược, chính sách và kế hoạch nhằm quản lý hiệu quả nợ công”, nghiên cứu nêu.

Cụ thể, nguồn thông tin chính thống về nợ công duy nhất tại Việt Nam hiện nay là các Bản tin nợ công và các Bản tin nợ nước ngoài do Bộ Tài chính công bố. Tuy nhiên, những thông tin này được công bố chậm và chưa đầy đủ. Chỉ tiêu an toàn nợ được được công bố cũng chưa đủ để đánh giá khả năng trả nợ và tính bền vững của nợ công, chưa kể nó còn phụ thuộc rất lớn vào giá trị GDP của năm hiện hành (chỉ là số liệu ước tính).

Về nội dung thông tin công bố, các số liệu thống kê được quy định theo luật hiện tại cũng như Dự thảo Luật chưa phản ánh được hết các khía cạnh của tình hình nợ công, đặc biệt là cách thức sử dụng nguồn vốn vay. Số liệu thống kêvề tỷ trọng vốn vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, tỷ trọng vốn vay để đầu tư phát triển, hay tỷ trọng vay về để cho vay lại vẫn chưa được thống kê và công bố công khai.

Nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi nợ công tại Việt Nam chưa đầy đủ và rủi ro tiềm tàng lớn nhấtkhông nằm ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Theo cách hạch toán hiện hành, các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN hay các đơn vị sự nghiệp công lập, tức là các khoản nợ không do Nhà nước bảo lãnh, không phải do Nhà nước cho vay, lạikhông được đưa vào nợ công.

Tuy nhiên, hầu hết các DNNN đều có vai trò tác động đáng kể đến nền kinh tế, thậm chí an ninh quốc gia. Vì vậy, khi các doanh nghiệp này đứng trên bờ vực phá sản, Nhà nước có thể phải can thiệp. Những khoản nợ xấu của khu vực DNNN có thể sẽ phải dùng ngân sách để trả là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công.

Về các công cụ quản lý nợ công, ngưỡng an toàn nợ côngQuốc hội đang đặt ra là 65% GDP, tuy nhiên mức này chưa được giải trình rõ ràng về nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp tính toán. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nợ cChính phủ vượt ngưỡng 50% GDP, trần nợ chính phủ cũng được Quốc hội nới từ mức 50% lên 54% GDP trong năm 2016 mà không đưa ra lý giải cụ thể.

Bình luận về đầu mối quản lý nợ công, các chuyên gia cho rằng theo luật hiện hành và Dự thảo Luật, quá trình từ xây dựng kế hoạch vay nợ, đàm phán vay nợ đến phân bổ, quản lý và sử dụng nợ vay và thanh toán nghĩa vụ nợtại Việt Nam đang được giao cho 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nướcđảm nhiệm.

Thực tế này cho thấy vẫn tồn tại sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu thống nhất do các khâu cân đối ngân sách, đàm phán, ký kết, phân bổ, sử dụng và trả nợ tách rời nhau, chưa gắn kết chặt chẽ trách nhiệm; chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ nợ công/GDP đang tăng nhanh và có thể vượt trần?