Trao đổi với phóng viên báo điện từ Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, tất cả các khoản tiền mà Uber chuyển từ Việt Nam về nước thì ngành thuế hoàn toàn có thể giữ lại để yêu cầu Uber khấu trừ vào khoản thuế còn nợ.

Uber nợ thuế 66 tỉ: Chuyên gia hiến cách truy thu

04/02/2018, 09:33

Trao đổi với phóng viên báo điện từ Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, tất cả các khoản tiền mà Uber chuyển từ Việt Nam về nước thì ngành thuế hoàn toàn có thể giữ lại để yêu cầu Uber khấu trừ vào khoản thuế còn nợ.

Uber nợ thuế tại Việt Nam - Ảnh: Internet

Ngày 13.12.2017, Cục Thuế TP.HCM ra "tối hậu thư" yêu cầu Uber nộp khoản thuế nợ hơn 66 tỉ đồng trong vòng 10 ngày. Hết thời hạn, Uber mới nộp 13,3 tỉ đồng nên cơ quan này áp dụng các biện pháp cưỡng chế truy thu.

Số tiền Uber đã nộp chỉ là đóng thuế nhà thầu, trong khi các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ thay tài xế vẫn chưa được doanh nghiệp này đóng. Cụ thể, có 26,3 tỉ tiền thuế VAT khấu trừ nộp thay; 14,6 tỉ tiền thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay; 10,5 tỉ tiền thuế thu nhập cá nhân FDI; 4,9 tỉ tiền chậm nộp; 10,3 tỉ tiền phạt vì kê khai sai.

Uber cũng gửi văn bản đến Cục thuế TP.HCM khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, công ty này sẽ tiếp tục khiếu nại và cân nhắc việc khởi kiện cơ quan thuế ra tòa.

Tuy nhiên, đến ngày 31.12, việc tiến hành cưỡng chế, buộc Uber phải nộp đủ số tiền truy thu thuế của Cục Thuế TP.HCM phải tạm dừng vì tòa án đưa ra quyết định khẩn cấp yêu cầu chưa thực hiện.

Trả lời vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2018 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho biết hiện nay số tiền thuế truy thu đối với Công ty Uber Hà Lan là 66 tỉ đồng nhưng đến ngày 31.12.2017, doanh nghiệp này đã thực hiện nộp thuế với số tiền hơn 13 tỉ đồng.

Sau đó Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định gửi các ngân hàng tại Việt Nam đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền khách hàng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chuyển vào tài khoản của Công ty Uber để thực hiện cưỡng chế thuế.

Tuy nhiên, Công ty Uber không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Tổng cục Thuế đang rà soát lại và có hướng dẫn về cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, chắc chắn cho Cục Thuế TP.HCM để thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên báo điện từ Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc thu thuế này cũng không quá khó, bởi tất cả các khoản mà Uber chuyển từ Việt Nam về thì ngành thuế hoàn toàn có thể giữ lại để yêu cầu Uber khấu trừ vào khoản thuế còn nợ.

“Việc đầu tiên thì Cục thuế phải đi thu và phải dò được tất cả tài khoản Uber ở nước ngoài mà các cá nhân hoạt động Uber ở trong nước chuyển cho Uber”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu chỉ coi đây như một khoản thu thuế thôi thì Tổng cục Thuế có thể yêu cầu các ngân hàng phong tỏa các tài khoản được. Nhưng có một số khoản mà do các ngân hàng nước ngoài thì có thể họ không thực hiện. “Tất nhiên phía Việt Nam mà yêu cầu thì các ngân hàng đang kinh doanh ở Việt Nam phải thực thi”.

Theo chuyên gia này, sau này, để giải quyết số tiền Uber phải nộp bao nhiêu, đúng hay không đúng thì phải đưa ra tòa án. Còn trước tiên phải phong tỏa số tiền đó. Điều này cũng giống như hàng hóa Việt Nam bị các nước đánh thuế chống bán phá giá. Khi họ nghi ngờ thì sẽ yêu cầu các ngân hàng của họ giữ lại số tiền thanh toán. Khi có quyết định cuối cùng của tòa án thì sẽ thực hiện việc trích tiền để giảm trừ số thuế trong thời gian đang bị coi là bán phá giá.

Sau khi bị yêu cầu nộp thuế, Uber đã khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, việc Uber lý luận chống đánh thuế 2 lần là không đúng. Uber phát sinh thu nhập trên đất Việt Nam thì phải nộp thuế ở Việt Nam. “Tất cả các nguyên tắc đánh thuế đều như thế, phát sinh khoản thu nhập tại quốc gia nào thì quốc gia đó được quyền đánh thuế chứ không phải là quốc gia xuất phát của doanh nghiệp”.

Trả lời báo chí trước đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho biết, về mặt nguyên tắc, Công ty Uber Hà Lan tại Việt Nam, khi có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, công ty phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan, trong đó có Luật thuế TNDN, Luật thuế GTGT và các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện, trong đó có Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, hoặc có thu nhập tại Việt Nam (trước ngày 1.10.2014; ngày Thông tư 103/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo Thông tư 60/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, hoặc có thu nhập tại Việt Nam của Bộ Tài chính).

Ngoài ra, trường hợp Công ty Uber Hà Lan tại Việt Nam có hoạt động tại Việt Nam, có kết nối với người có phương tiện, có doanh thu; trong đó có phần doanh thu phía Công ty Uber Hà Lan tại Việt Nam được hưởng và phần doanh thu của người lái xe, vận tải được hưởng thì phần doanh thu tổ chức, cá nhân thực hiện việc vận tải hàng hóa, hành khách, phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ sở thường trú, cư trú tại Việt Nam; còn về phía Uber phải nộp thuế nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hoài Phong

Bài liên quan
YouTuber đình đám gọi Ai Pin là ‘sản phẩm tệ nhất từng đánh giá’, gây bão mạng xã hội X
YouTuber Marques Brownlee chê bai thậm tệ Ai Pin, thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty khởi nghiệp Humane, mà anh đặt tiêu đề video là "Sản phẩm tệ nhất mà tôi từng đánh giá đến hiện tại".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Uber nợ thuế 66 tỉ: Chuyên gia hiến cách truy thu