Trong hơn 20 năm, Úc đã cố gắng duy trì quan hệ ngoại giao đi dây với cả Mỹ và Trung Quốc. Nhưng họ đã từ bỏ chiến lược đó khi ngả hẳn sang phía Mỹ.

Úc kết thúc ngoại giao đi dây giữa Mỹ - Trung Quốc và bài học cho các nước khác

Anh Tú (theo CNN) | 17/09/2021, 16:54

Trong hơn 20 năm, Úc đã cố gắng duy trì quan hệ ngoại giao đi dây với cả Mỹ và Trung Quốc. Nhưng họ đã từ bỏ chiến lược đó khi ngả hẳn sang phía Mỹ.

Chuyện giữ cân bằng ngoại giao đi dây với Mỹ và Trung Quốc vốn tốt cho Úc trong thương mại và các mối quan hệ hòa bình trong khu vực. Nhưng hôm 16.9, với việc công bố một thỏa thuận an ninh mới với Mỹ và Vương quốc Anh, gồm cả việc được 2 đồng minh Anh ngữ trang bị tàu ngầm động cơ hạt nhân, Canberra đã thể hiện rõ quan điểm của mình - họ đã chọn Washington thay vì Bắc Kinh.

Bằng cách chọn rõ 1 bên, không ít chuyên gia cho rằng Úc đã đối đầu một cách không cần thiết với Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất Úc, đồng thời khiến mình phụ thuộc quá mức vào sự bảo vệ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Scott Morrison đã chuyển sang coi trọng Mỹ hơn khi coi Mỹ là một đối tác an ninh. Bản thân ông Morrison cũng tập trung xây dựng mối quan hệ cá nhân với cựu Tổng thống Donald Trump và tiếp tục làm điều tương tự với người kế nhiệm.

Đồng thời, mối quan hệ sóng gió giữa Canberra và Bắc Kinh đang dần dần lộ rõ, một vòng xoáy chỉ trở nên tồi tệ hơn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. .Úc đã khiến Trung Quốc phẫn nộ khi đặt câu hỏi liên qua nguồn gốc của virus.

Ngay sau động thái hình thành AUKUS, Trung Quốc đã phản ứng giận dữ về thỏa thuận an ninh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, nói rằng nguyên nhân khiến mối quan hệ xấu đi "hoàn toàn thuộc về phía Úc".

Yun Jiang, biên tập viên bản tin China Neican và là nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết thỏa thuận này là "chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài" trong mối quan hệ của Úc với Trung Quốc, loại bỏ mọi cơ hội tái thiết, ít nhất là trong ngắn hạn trước mắt.

Bà Yun Jiang nói: “Cho đến khi có một điểm cân bằng mới trong cán cân quyền lực quốc tế, tôi nghĩ rằng mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng”.

Lựa chọn hạt nhân, đối tác vĩnh cửu

Vào sáng 16.9, theo giờ Úc, Thủ tướng Úc Morrison đã cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố chính sách mới. Kế hoạch mà Biden gọi là "lịch sử", không đề cập đích danh đến Trung Quốc nhưng rõ ràng là nhắm vào Bắc Kinh.

Theo thỏa thuận mang tên AUKUS, ba nước sẽ tổ chức các cuộc gặp để phối hợp về các vấn đề liên quan mạng, công nghệ tiên tiến và quốc phòng nhằm giúp họ đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh thời hiện đại.

uc2.jpg

Và Mỹ và Anh sẽ giúp Úc đóng và duy trì các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một động lực lớn cho kho vũ khí quân sự của Canberra, dù các tàu này có thể sẽ phải đợi đến năm 2040 mới tham gia hạm đội.

Trong cuộc họp báo sau đó, nhà lãnh đạo Úc mô tả thỏa thuận này là "quan hệ đối tác vĩnh cửu". Ông nói: "Mối quan hệ đối tác vĩnh cửu trong thời gian sau đây giữa những người bạn lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất. Mối quan hệ đối tác vĩnh cửu sẽ cho phép Úc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, giữ cho người Úc được an toàn".

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Úc nên "nghiêm túc xem xét việc xem Trung Quốc là đối tác hay mối đe dọa".

Thành công trong quá khứ của Úc trong việc cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đã đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng kinh tế qua nhiều đời chính phủ.

Vào tháng 10.2003, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc lúc đó là George Bush và Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu trước quốc hội Úc trong những ngày liên tiếp. Vào tháng 11.2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Úc, nơi ông ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước và còn chụp ảnh với một con gấu túi như cách để tăng hình ảnh thân thiện 2 nước.

xi-koala.jpg

Nền kinh tế Úc được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh. Xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng từ khoảng 3,6 tỉ USD năm 2000 lên hơn 74 tỉ USD vào năm 2015. Một số nhà kinh tế cho rằng việc bán tài nguyên sang thị trường Trung Quốc đã giúp bảo vệ Úc khỏi suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhưng vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã cảm thấy bị xúc phạm khi Thủ tướng Malcolm Turnbull khi đó công bố kế hoạch trấn áp sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ chính trị của Úc. Bắc Kinh coi động thái này là nhắm thẳng vào họ và mối quan hệ hai bên từ đó đến nay luôn căng thẳng.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Morrison vào tháng 4.2020 để điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, một chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị đối với chính phủ Trung Quốc, càng khiến Bắc Kinh thêm phẫn nộ. Các mặt hàng xuất khẩu của Úc bắt đầu gặp khó khăn khi nhập khẩu vào Trung Quốc do bị trì hoãn hải quan kéo dài và chịu hàng rào thuế quan tạm thời.

Kể từ tháng 9.2021, than đá, rượu vang, lúa mạch và thịt bò của Úc đều bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Không có đường quay lại

Một số người nói rằng thỏa thuận AUKUS đã đưa Úc đến điểm không thể quay lại.

Theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thỏa thuận cũng sẽ khiến Úc phải phụ thuộc Mỹ nhiều hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Nếu không có ngành công nghiệp hạt nhân trong nước, Úc sẽ buộc phải lấy nhiên liệu từ Mỹ, bên cạnh các khóa đào tạo và kiến ​​thức kỹ thuật về cách vận hành các tàu ngầm.

Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating bình luận thỏa thuận AUKUS là một "sự mất mát nghiêm trọng hơn nữa chủ quyền của Úc" và có thể buộc nước này rơi vào vòng xoáy trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

'Những người bạn lớn và mạnh mẽ'

Úc không hề đơn độc trong việc xích lại gần Mỹ. Richard McGregor, chuyên gia cấp cao của Viện Lowy cho biết các thành viên khác của liên minh an ninh trong nhóm "Bộ tứ" là Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đang làm việc với chính quyền Biden để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông nói: “Đây chỉ là một trong nhiều loại thỏa thuận và quan hệ đối tác khác nhau đang được xây dựng trên khắp khu vực để đối phó Trung Quốc”.

Roy Medcalf – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia của Đại học Quốc gia Úc cho biết ngay cả việc Anh thỏa thuận giúp cung cấp khí tài quân sự cho Úc cũng là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của London.

Ít nhất trong tương lai gần, Úc và Trung Quốc có thể sẽ đi vào một thời kỳ quan hệ lạnh nhạt. Thậm chí, McGregor nói rằng có thể Bắc Kinh sẽ xem xét trừng phạt Canberra vì thỏa thuận AUKUS, chẳng hạn có thể là việc quyết giảm số lượng sinh viên quốc tế trong các trường đại học Úc.

Trong khi phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với thỏa thuận AUKUS là rất bực tức và thái độ đó phần nào thể hiện trên tờ Hoàn cầu thời báo vào 16.9. Tờ phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cảnh báo nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan hoặc Biển Đông, "các mục tiêu quân sự ở Úc chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu bị tên lửa Trung Quốc bắn trúng."

Hoàn cầu cho biết: “Quân đội Úc cũng có nhiều khả năng là đợt lính phương Tây đầu tiên bỏ mạng ở Biển Đông”.

Hôm nay 17.9, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton lập tức phản pháo trên Sky News: "Tôi nghĩ bình luận của họ phản tác dụng, thiếu chín chắn và nói thẳng ra là đáng xấu hổ. Úc muốn gì? Chúng tôi muốn hòa bình bền vững trong khu vực của mình. Chúng tôi muốn sự ổn định đó".

Tuy nhiên, một số người đặt câu hỏi về sự khôn ngoan trong quyết định của Úc trong việc gắn chặt an ninh của đất nước với Mỹ.

Bà Yun Jiang tin rằng điều quan trọng là Úc vẫn phải cân bằng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, giống như cách mà các quốc gia khác trong khu vực như Singapore và Indonesia đã buộc phải làm.

Bà cho biết việc Úc hướng tới Mỹ gắn liền với văn hóa hơn là chính sách đối ngoại hợp lý, nhằm đảm bảo "những người bạn lớn và mạnh mẽ ở lại châu Á".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Úc kết thúc ngoại giao đi dây giữa Mỹ - Trung Quốc và bài học cho các nước khác