Để thúc đẩy phát triển xe “xanh”, các chuyên gia cho rằng ngoài chính sách ưu đãi thuế, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn cho việc xây dựng các trạm sạc.
Nhịp đập khoa học

Ưu đãi thuế, trạm sạc để phát triển 'xe xanh'

Lam Thanh 30/08/2024 14:40

Để thúc đẩy phát triển xe “xanh”, các chuyên gia cho rằng ngoài chính sách ưu đãi thuế, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn cho việc xây dựng các trạm sạc.

Tiềm năng thị trường “xe xanh” rất lớn

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến”, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ô tô BYD Việt Nam cho rằng tiềm năng của thị trường xe “xanh” tại Việt Nam còn rất lớn.

“Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, đa số là dân số trẻ, Việt Nam có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào. Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia. Trong khi đó, lượng xe gắn máy đang lưu thông hàng năm rất lớn, ước tính khoảng 3 triệu xe. Hầu hết người đi xe máy đều mong muốn chuyển sang sử dụng ô tô, điều này cho thấy cơ hội phát triển thị trường xe ô tô nói chung và xe “xanh” nói riêng là rất lớn”, ông Lực nêu.

lc.jpg
Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ô tô BYD Việt Nam

Ngoài ra, ông Lực cho rằng việc tiếp cận các khoản vay mua xe từ ngân hàng hiện nay cũng rất thuận lợi. Chỉ với 200 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc ô tô với lãi suất vay thấp và thời hạn vay lên tới 8 năm. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu sử dụng xe ô tô.

Ông Lực dẫn ví dụ từ Thái Lan cho hay, năm 2022, xe điện tại Thái Lan chỉ chiếm 1% thị trường, nhưng đến năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên 12%, cứ 5 xe ô tô trên đường thì có 1 xe là ô tô điện. Sự gia tăng này được thúc đẩy nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, từ việc miễn giảm thuế đến các ưu đãi đầu tư vào hạ tầng sạc.

Theo ông Lực, việc sử dụng xe điện có thể tiết kiệm đến 50 triệu đồng/năm cho người tiêu dùng nhờ chi phí bảo dưỡng và nhiên liệu thấp hơn so với xe chạy xăng. Nếu 30% trong tổng số 330.000 xe bán ra mỗi năm tại Việt Nam chuyển sang xe điện, người dân có thể tiết kiệm được 5.000 tỉ đồng mỗi năm. Cùng với việc tiết kiệm chi phí, xe điện cũng giúp giảm đáng kể ô nhiễm không khí và tiếng ồn, tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn cho người dân.

Ông Lực tin rằng nếu Việt Nam triển khai các chính sách kích cầu tương tự, thị trường xe điện trong nước có thể tăng trưởng nhanh chóng lên mức 30% trong thời gian tới.

Dù vậy, ông Lực cũng cho rằng việc phát triển xe “xanh” còn một số khó khăn. “Đối với xe điện, hầu hết các thương hiệu đều ưu tiên phục vụ tại các thành phố lớn trước, nhưng quỹ đất tại những khu vực này hiện nay rất hạn chế và việc tìm kiếm đất để đầu tư trạm sạc là vô cùng khó khăn”, ông Lực nêu.

sac-2.jpg
Nhiều vướng mắc trong triển khai trạm sạc

Ngoài ra, ở các khu chung cư, nơi có mật độ dân cư rất đông, việc lắp đặt trạm sạc gần như không khả thi vào thời điểm này do nhiều rào cản về không gian và cơ sở hạ tầng.

“Thủ tục và quy trình liên quan đến đầu tư trạm sạc vẫn chưa rõ ràng và còn phức tạp. Hiện nay, các quy định về trạm sạc vẫn chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Ví dụ, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy hay kết nối điện thường rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ phía nhà đầu tư”, ông Lực nêu.

Ưu đãi thuế để phát triển “xe xanh”

Bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng có nhiều công cụ về giải pháp để thúc đẩy phát triển xe “xanh”.

Theo bà, giải pháp đầu tiên là công cụ thuế. Quốc hội đang sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế này giúp điều tiết hành vi, hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Điều này thực hiện thông qua việc ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt tốt hơn cho xe “xanh” so với các xe sử dụng nhiên liệu về hóa thạch.

Cùng với chính sách về thuế, bà Thảo nêu rằng có thể khuyến khích phát triển dòng xe này là tạo cơ chế, thể chế thuận lợi hơn cho việc xây dựng các trạm sạc.

“Một trong những yêu cầu cấp thiết để chuyển đổi sang xanh hóa là hệ thống hạ tầng sạc. Cần phải có sự đồng bộ với hệ thống hạ tầng từ hệ thống trạm sạc cũng như nguồn điện sạch. Theo đó, cần thiết lập hành lang pháp lý với các quy chuẩn kỹ thuật cho các trạm sạc, cũng như quy hoạch về trạm sạc để đảm bảo hạ tầng cần thiết cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới đây”, bà Thảo nêu.

sac-1.jpg
Ưu đãi thuế để thúc đẩy phát triển "xe xanh"

Bà Thảo cũng cho rằng cần phải có những tiêu chí rõ ràng hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các cơ hội như tín dụng xanh; tuyên truyền cho người tiêu dùng để nhận diện những sản phẩm thân thiện với môi trường; có giải pháp đảm bảo yếu tố về môi trường…

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cũng nêu rằng: Các chính sách của Bộ Tài chính trong thời gian qua cũng như trong thời gian sắp tới luôn luôn đề cao và ưu tiên phát triển các lĩnh vực giúp giảm phát thải carbon, bao gồm việc phát triển lĩnh vực ô tô, ô tô điện thân thiện với môi trường.

Cụ thể, với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã chủ trì và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 đưa chương trình ưu đãi đối với cả ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô điện thực hiện theo chương trình ưu đãi này, các linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô đã sản xuất được áp dụng thuế suất nhập khẩu là 0 %.

Chính sách này đã duy trì, tiếp tục áp dụng tại Nghị định số 26/2023 NĐ-CP. Từ sau năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá xem chính sách còn phù hợp hay cần thay đổi để trình Chính phủ ban hành các chính sách mới cho phù hợp.

Đối với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Ngọc cho biết áp dụng mức thuế thấp đối với các xe thân thiện với môi trường.

Cụ thể, xe hybrid được áp dụng thuế bằng 70% dòng xe chạy nhiên liệu hoá thạch cùng chủng loại. Đối với xe ô tô chạy điện chạy pin, áp dụng thu thuế 1 - 2%, tùy theo số chỗ ngồi từ ngày 1.3.2022 cho đến hết 1.3.2027. Từ ngày 1.3.2027 trở đi, mức thuế tăng lên 4 - 10%, tuỳ số chỗ ngồi nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cả các xe xăng.

Về chính sách phát triển hạ tầng cho xe điện, bà Ngọc cho biết hiện thuế nhập khẩu đối với các linh kiện cơ bản về 0%. Vấn đề của trạm sạc hiện nay chủ yếu nằm ở việc bố trí lắp đặt trạm. Còn về thuế suất, trạm sạc cơ bản đã được ưu tiên mức mức cao nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, chiến sĩ… vi phạm quy định về nồng độ cồn
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17.9.2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ... điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu đãi thuế, trạm sạc để phát triển 'xe xanh'