Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT quy định môn học lịch sử cấp THPT là môn bắt buộc.
Ngày 22.5, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3.
Tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa báo cáo việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT. Theo đó, đa số các ý kiến không đồng tình với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn.
Theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Từ đó, hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông (số lượng có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.
Ngoài ra, ở nhiều nước trên thế giới, môn lịch sử trong chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.
Báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng: môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này, vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.
Đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn Lịch sử nói riêng; để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung cao độ trí tuệ, tận dụng thời gian, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết vào các nội dung thảo luận tại phiên họp này.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó có công tác chủ trì thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 bảo đảm đúng quy trình, tiến độ, yêu cầu đặt ra.
Đề cập tới các nội dung được đưa ra tại phiên họp lần này, với nhiều vấn đề được nhân dân và cử tri rất quan tâm, nhất là liên quan tới việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn LLịch sử cấp trung học phổ thông, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục cần nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử một cách thấu đáo, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và có đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương của Đảng, nhị quyết của Quốc hội về giáo dục, đào tạo.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phải tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 Khóa 11; yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Khóa 12; đồng thời cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có thể áp dụng trong điều kiện của Việt Nam.
Về lĩnh vực văn hóa, Ủy ban cần bám sát Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam; đặc biệt là nội dung trong bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 24.11.2021 tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Uỷ ban trong thời gian tới, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát; lựa chọn những vấn đề giám sát, giải trình có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những vấn đề “nóng”, “nổi cộm” mà cử tri và nhân dân quan tâm.