TS Trần Đắc Phu, cố vấn của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia đánh giá cao việc Hà Nội đã thực hiện nghiêm việc xử phạt đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách ở nhà hàng, quán cà phê, đồng thời nhấn mạnh vắc xin cũng phải vài năm nữa mới về đến Việt Nam. Câu chuyện này còn phải chờ đợi. Cần nói rõ để người dân không chủ quan trong các biện pháp phòng dịch bệnh.

‘Vài năm nữa vắc xin COVID-19 mới về đến Việt Nam, không được chủ quan phòng, chống dịch’

Bùi Trí Lâm | 19/08/2020, 20:13

TS Trần Đắc Phu, cố vấn của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia đánh giá cao việc Hà Nội đã thực hiện nghiêm việc xử phạt đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách ở nhà hàng, quán cà phê, đồng thời nhấn mạnh vắc xin cũng phải vài năm nữa mới về đến Việt Nam. Câu chuyện này còn phải chờ đợi. Cần nói rõ để người dân không chủ quan trong các biện pháp phòng dịch bệnh.

Chiều 19.8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Báo cáo tại phiên họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Từ ngày 17-19.8, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca mắc mới (2 ca tại cộng đồng và 2 ca nhập cảnh từ Guinea Xích đạo đã được cách ly tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Lũy tích đợt 3 từ 25.7 đến nay, Hà Nội có 36 ca mắc và chưa có tử vong, trong đó 11 ca ngoài cộng đồng và 25 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Đối với rà soát người về từ Đà Nẵng, tổng số có 100.178 người. Trong đó, số về từ ngày 15.7 là 74.545 người (giảm 2.605 người so với báo cáo ngày 17.8, vì một số người khai báo tại nhiều đơn vị y tế). Từ chiều ngày 8.8, đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng trong thời gian từ 15-19.7 gửi các đơn vị của Bộ Y tế xét nghiệm.

Đến 14 giờ, ngày 19.8 lấy được 66.914 mẫu, đã có kết quả 34.954 mẫu âm tính và ghi nhận 1 trường hợp dương tính là bệnh nhân 979. Có 24 đơn vị đã hoàn thành tiến độ lấy mẫu. Ngoài ra, CDC đã xét nghiệm cho 1.109 người, kết quả có 1.106 mẫu âm tính, 2 dương tính (bệnh nhân 752 và 962) và 1 trường hợp chưa có kết quả.

Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 của bệnh nhân số 979, quận đã cho điều tra, truy vết được 23 trường hợp F1, trong đó, có 16 người trên địa bàn quận. Tất cả các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính và được cách ly tập trung, quận cũng đã chỉ đạo cho dỡ bỏ phong tỏa chốt chặn tại 124 Hoàng Tôn. Ngoài ra, 21/25 (4 trường hợp ở địa bàn khác) trường hợp F2 cũng đã được cách ly, theo dõi y tế tại nhà.

Về công tác hạn chế tập trung đông người, trong ngày 19.8 (mồng 1/7 âm lịch), quận đã chỉ đạo các đơn vị tín ngưỡng triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Riêng Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, đến 15 giờ chiều, đã được chỉ đạo đóng cửa do người dân đến quá đông. Thời gian tới, quận sẽ chỉ đạo phường tạm đóng cửa Phủ Tây Hồ nếu số lượng người đến tiếp tục đông, không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.

Thông tin về trường hợp nam, 25 tuổi, tại phường Xuân Đỉnh đi Đà Nẵng, từ ngày 16.7-20.7, đến 18.8 có biểu hiện ho, sốt, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả. Lãnh đạo quận khẳng định, nếu có tình huống xấu sẽ triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch.

Trên địa bàn quận hiện có 8 trường hợp F0, trong đó, 6 trường hợp nhập cảnh đã được cách ly ngay, 2 trường hợp còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Riêng trường hợp bệnh nhân 979, ngoài công tác cách ly các trường hợp liên quan, quận đã triển khai phun khử khuẩn tại trụ sở công ty của chồng bệnh nhân…

Tại phiên họp, TS Trần Đắc Phu, cố vấn của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia đánh giá cao việc Hà Nội đã thực hiện nghiêm việc xử phạt đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách ở nhà hàng, quán cà phê

"Vắc xin cũng phải vài năm nữa mới về đến Việt Nam. Câu chuyện này còn phải chờ đợi. Cần nói rõ để người dân không chủ quan trong các biện pháp phòng dịch bệnh", ông Phu nói.

Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, vì chỉ có xét nghiệm PCR mới xác định chính xác được ca bệnh. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh phải làm tốt công tác sàng lọc bệnh nhân. Đáng chú ý, BCĐ cần khẩn trương ban hành các quy trình, quy định chống dịch cụ thể tại công sở, nơi công cộng để hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng theo quy định.

Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết theo thông tin mới nhất, Hà Nội ghi nhận 1 ca nghi nghiễm ở Phú Thọ có về chữa bệnh ở bệnh viện E, sau đó về nhà người thân ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Trường hợp này đã có kết quả dương tính.

Nhấn mạnh, dịch bệnh ở Hà Nội đã có lây lan trong cộng đồng nhưng khả năng bùng phát diện rộng là khó nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp thành phố đã đề ra. Phó chủ tịch UBND thành phố lưu ý một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa thực hiện biện pháp phòng chống dịch và nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm công điện của thành phố.

Ông Ngô Văn Quý đề nghị các quận, huyện, sở, ngành, thành viên BCĐ bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác phòng chống dịch. Cụ thể, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; đến cơ sở y tế khi có biểu hiện ho, sốt; đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng; không tập trung đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 1m… Các cơ sở kinh doanh karaoke, quán Bar, vũ trường tiếp tục dừng hoạt động. "Các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, quán Bar, vũ trường. Tránh tình trạng ngoài đóng cửa, trong vẫn hoạt động", ông Quý nói.

"Xử lý nghiêm các hàng quán vi phạm, đóng cửa nếu không chấp hành", Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh đồng thời đề nghị tiếp tục không tổ chức các lễ hội, sự kiện tập trung đông người, hoạt động thể dục thể thao, hạn chế hội họp; thực hiện nghiêm phòng chống dịch tại các bệnh viện, các phương tiện giao thông công cộng…

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: "Tôi đề nghị người dân phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà thành phố đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan".

Lam Thanh
Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vài năm nữa vắc xin COVID-19 mới về đến Việt Nam, không được chủ quan phòng, chống dịch’