Văn học Hàn Quốc được tiếp nhận ở Việt Nam vẫn còn trong tình trạng của những bước dạo đầu, chưa thật sự xứng với tầm giao lưu của hai nước, nhất là so với các thành tố khác của văn hóa - như âm nhạc, điện ảnh, thời trang…
Những nỗ lực của người trong cuộc
Năm 2016, văn học xứ sở Kim Chi tiếp tục được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam qua hàng loạt đầu sách mà chủ yếu là các dòng sách của văn học hiện đại và văn học thiếu nhi. Nhà văn Shin Kyung Sook – nữ tác giả có thể xem là nhà văn Hàn Quốc được đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến nhiều nhất bởi tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ엄마를 부탁해, đã tái xuất cùng văn đàn Việt với liên tiếp hai ấn phẩm là Cô gái viết nỗi cô đơn 외딴방 (phát hành tháng 6/2016) và Chuyện kể trăng nghe 달에게 들려주고 싶은 이야기 (phát hành tháng 8/2016). Đáng chú ý tiếp theo là hai tác phẩm mang đậm tính giáo dục và truyền cảm hứng sống đẹp: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã và Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu천 번을 흔들려야 어른이 된다....
Nếu như Bước chậm lại giữa thế gian vội vã là quyển sách có độ dài tám chương tập hợp các bài tản văn với nhiều chủ đề phong phú đa dạng, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới trẻ của nhà sư Đại đức Hae Min thì Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu của giáo sư Kim Ran-do (trường Đại học Quốc gia Seoul) đã truyền đi những thông điệp nhẹ nhàng, những lời khuyên hữu ích về các kỹ năng sống từ những trải nghiệm của chính tác giả qua các chuyện kể thầm thì, lắng đọng.
Những tác phẩm khác được phát hành trong năm nay, có thể kể tên như: Những tháng năm rực rỡ (Kim Ae-ran), Ngày đẹp trời để yêu nhau (Ddong Gu Ree và Park Wol-Sun), Cá voi đỉnh núi (Lee Soon-won), Tôi đã chết vào một ngày nào đó (Lee Kyunghye), Yêu nhau như chó với mèo (Park Hee Jung), Yêu con như nắng xuân (Lee Sun Min), Những bài thơ hay của văn học hiện đại Hàn Quốc아름다운 한국의 현대시들 (Trung tâm ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM và Viện Giáo dục Hàn Quốc TP.HCM phối hợp tuyển dịch và xuất bản), Chuyện Pape và Popo sống chậm và Chuyện Pape và Popo sánh đôi (cùng của Shim Seung Hyun) …
Trong năm 2016, nhiều hoạt động quảng bá văn học Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã được thực hiện như: cuộc thi Viết cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc lần thứ 11 năm 2016, Tọa đàm khoa học quốc tế So sánh văn học Việt Nam – Hàn Quốc tại Trường Đại học Đà Lạt, Hội thảo Khoa học Quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ pháp Tiếng Hàn và Văn hóa – Xã hội Hàn Quốc (tháng 8.2016), hai buổi gặp gỡ và giao lưu với nhà văn Hwang Sun-mi tại Hà Nội và TP.HCM (tháng 11.2016)…
Còn đó sự lặng lẽ
Tuy giới dịch giả và các nhà nghiên cứu văn chương Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng tiếp nhận văn học Hàn Quốc tại Việt Nam vẫn là câu chuyện dở dang. Buổi tọa đàm với nhà văn thiếu nhi Hwang Sun-mi tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) diễn ra có chút lạ kỳ khi không có bóng dáng một em thiếu nhi nào mà chỉ có chưa đến hai mươi độc giả tham dự là các bạn trẻ và phụ huynh quan tâm đến việc chọn sách cho trẻ. Trước đó vài ngày, buổi giao lưu Đối thoại với nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi tại Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội có vẻ khá hơn khi tổ chức tại không gian học thuật nhưng người tham dự cũng hầu hết chỉ là sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học. Hai tác phẩm của Hwang Sun-mi đã đạt kỷ lục tại quê nhà khi bán được hơn một triệu bản. Tác phẩm Cô gà mái sổng chuồng còn được chuyển thể thành phim hoạt hình và kịch sân khấu thu hút hàng triệu lượt xem tại Hàn Quốc cũng như các nước khác trên thế giới. Vậy nhưng khi đến Việt Nam đã chưa tạo được hiệu ứng tiếp nhận như mong đợi.
Ban tổ chức cuộc thi thi Viết cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc lần thứ 11 năm 2016 cho biết đã nhận được 142 bài viết từ 12 trường đại học và 3 trường phổ thông của 7 địa phương: Hà Nội, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM và Đồng Nai. Mặc dù các bài viết dự thi viết khá đều và có chất lượng, được Ban giám khảo tâm đắc đánh giá cao nhưng những con số khiêm tốn về số lượng tham gia cũng phần nào cho thấy độ phủ sóng, độ lan tỏa của cuộc thi còn chưa cao, hầu như chỉ tập trung ở khu vực trường học với các sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học.
Vào trung tuần tháng 5.2016, Giải thưởng Man Booker quốc tế của Anh quốc đã được trao cho tác phẩm Người ăn chay của nhà văn Hàn Quốc Han Kang. Tác phẩm này đã có bản Việt ngữ phát hành vào năm 2011 tại Việt Nam, và tất nhiên cũng khá im ắng với độc giả Việt từ bấy đến nay!
Nhiều thách thức phía trước
So với các yếu tố văn hóa khác của Hàn Quốc như điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc, thời trang..., văn học Hàn đến Việt Nam khá muộn. Thời gian đầu khá dè dặt và chỉ mới có những bước đi táo bạo trong mười năm trở lại đây; song chưa tạo được sự thu hút như kỳ vọng. Khác với phim ảnh và âm nhạc, văn học Hàn thường phản ánh một hình ảnh Hàn Quốc với sự trần trụi của hiện thực khắc nghiệt trong nhịp sống công nghiệp, những nỗi ám ảnh, những tâm trạng hoài nghi và bế tắc (nhất là của giới trẻ) có bởi những phản ứng tiêu cực… Điều này khác xa với tâm lý đón nhận của phần đông độc giả Việt. Bởi vì trong suy nghĩ của nhiều người Việt, Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, là hình mẫu của sự phát triển nhảy vọt, thần kỳ về kinh tế, về đời sống vật chất, về khoa học kỹ thuật công nghệ. Độc giả Việt thường khước từ những mối quan tâm về mặt trái của sự phát triển. Độc giả Việt thường hướng đến những hào nhoáng, bề mặt của sự thịnh vượng.
Có một thực tế là các tác phẩm văn học dịch Hàn Quốc ở nước ta vẫn chưa có nhiều bản dịch hay, xuất sắc. Hiện nay, các dịch giả dịch văn học Hàn Quốc thường không phải là người sáng tác hoặc chuyên nghiên cứu. Thông thạo tiếng Hàn là một lợi thế nhưng không xuất phát từ ngành học văn chương cũng lại là trở ngại khá lớn khiến cho các dịch giả chưa thể hiện được hết chất văn chương của tác phẩm bằng ngôn từ và giọng điệu nghệ thuật qua bản dịch. Một lý do nữa cũng khiến văn chương xứ Hàn chưa tạo được dấu ấn trong lĩnh vực văn học dịch ở Việt Nam là do văn học dịch của các quốc gia khác đã phần nào có sức hút hơn (do có bề dày lịch sử hơn). Tuy không còn quá cuồng nhiệt nhưng độc giả trẻ trẻ trong nước vẫn chưa thoát khỏi cơn sốt văn học ngôn tình Trung Quốc, ngôn tình Marc Levy. Cái bóng quá lớn của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami cũng vẫn đang là sự lựa chọn của nhiều độc giả. Một năm mới lại đến, văn học Hàn sẽ được độc giả Việt tiếp nhận như thế nào trong năm 2017? Một câu hỏi khiến người trong cuộc như tôi phải có nhiều suy nghĩ…
Trần Xuân Tiến