Như đã đề cập trong phần trước, cái chết của Liễu Thăng là sự kiện mang tính bước ngoặt giúp nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Minh, giúp đất nước ta giành lại nền độc lập sau 10 năm bị nhà Minh đô hộ. Vậy ai là người đã kết liễu tính mạng của viên kiêu tướng bậc nhất nhà Minh khi đó?

Về câu chuyện ai đã chém Liễu Thăng

15/04/2019, 14:51

Như đã đề cập trong phần trước, cái chết của Liễu Thăng là sự kiện mang tính bước ngoặt giúp nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Minh, giúp đất nước ta giành lại nền độc lập sau 10 năm bị nhà Minh đô hộ. Vậy ai là người đã kết liễu tính mạng của viên kiêu tướng bậc nhất nhà Minh khi đó?

Liễu Thăng được sử ta mô tả là bị chém chết

Cả sử ta và sử Trung Quốc đều không nêu được tên ai đã kết liễu được Liễu Thăng. Sử Trung Quốc thì chép Liễu Thăng trúng tiêu (có thể là mũi giáo hay ngọn tên) mà chết nên việc xác định người chốt hạ Liễu Thăng là khó. Nhưng tất cả các bộ sử ta đều chép Liễu Thăng bị chém chết mà không hề nêu tên ai đã chém.

Các sử liệu chỉ có thể nêu danh đội quân với chỉ huy cụ thể tham gia chiến dịch tiêu diệt Liễu Thăng. Đại Việt sử ký toàn thư chép là do quân của Lê Sát và Lưu Nhân Chú bao vây, tiêu diệt Liễu Thăng: " Ngày 20, Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặt đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc".

Lam Sơn thực lục về sau chép cũng xác nhận quân của Lê Sát và Lưu Nhân Chú chém chết Liễu Thăng: "Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú giữ Chi Lăng, giặc lại tiến bức Chi Lăng. Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú sai Lựu ra đánh, rồi giả vờ thua mà chạy. Quả nhiên quân giặc mừng rỡ, Liễu Thăng thân đem đại quân tiến vào chỗ phục.

Bọn Chú, Sát tung hết quân phục ra, bốn mặt đều vây, xông đánh quân giặc, cả phá được chúng, chém bọn Liễu Thăng, Lý Khánh, cùng hơn một vạn quân giặc. Chiến cụ của giặc, nhất thời bị đốt hết".

Nhưng không hiểu sao trong Đại Việt thông sử mà Lê Quý Đôn chép vào thời Lê trung hưng thì không nhắc đến Lưu Nhân Chú nữa mà thay vai trò đó bằng Trần Nguyên Hãn: "Ngài liền ra lệnh cho Trần Hãn và Lê Sát,dẫn quân đi đóng giữ nơi hiểm yếu, hễ viện binh đến, lập tức đón đánh ngay tại nơi biên cảnh, đừng để cho chúng vào được Bình Dương.

Ngày 18, đạo quân của Liễu Thăng tới cửa quan Pha Lũy, viên tướng giữ quan là Lê Lưu kéo quân lui, về đóng tại ải Lưu, rồi lui về giữ Chi Lăng.

Ngày 20, Liễu Thăng thân tự đốc đạo quân tiền phong tiến tới, Trần Hãn và Lê Sát liền đem quân phục binh ra đánh, phá tan, chém đầu Liễu Thăng tại núi Mã Yên!"

Sử gia nhà Nguyễn sau này cũng không xác định được người cùng Lê Sát vây diệt Liễu Thăng là Trần Nguyên Hãn hay Lưu Nhân Chú nên chỉ chép mỗi Lê Sát mà thôi: "Khi Thăng đến chỗ còn cách Chi Lăng vài dặm, tướng Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh, giả cách thua chạy. Thăng hí hửng mừng, chính hắn cầm đầu hơn trăm quân kỵ xông xáo lên trước, xa lìa toán quân hậu đội, rồi hắn, vì lầm lỡ, sa xuống lầy. Phục binh của ta thình lình nổi dậy: đánh cho quân địch phải thua xiểng liểng, chém Thăng ở sườn núi Đảo Mã và hơn vạn thủ cấp quân Minh".

Xem các bộ chính sử của nước ta chép về sự kiện này thì chỉ thống nhất ở việc Lê Sát tham gia chiến dịch vây giết Liễu Thăng. Thế nên mới có tương truyền rằng "Liễu Thăng bị tướng Lam Sơn là Lê Sát chém ở núi Mã Yên nhưng lúc này đầu chưa bị đứt. Liễu Thăng cố gắng chạy ngược về mạn bắc. Đi được khoảng 3 dặm thì đến chân núi Mặt Quỷ. Liễu Thăng nhìn thấy mặt quỷ sợ quá, bị ngã ngựa, rồi bỗng dưng đầu rơi xuống đất. Sau đó thân của Liễu Thăng hóa thành một tượng đá cụt đầu. Hiện nay, người dân gọi tượng đá cụt đầu này là Liễu Thăng Thạch và gắn luôn công chém Liễu Thăng cho Lê Sát".

Thế nhưng, tương truyền mang nhiều màu sắc hư cấu không có giá trị lịch sử nhiều một khi chính sử không xác nhận. Cho dù Lê Sát hay viên tướng nào chém được Liễu Thăng trong lúc mịt mờ khói bụi, tên bay đạn lạc dày đặc đi nữa thì cũng hiếm có chuyện sử sách ghi nhận vì sợ triều đình phong kiến phương Bắc bắt đền.

Trước khi viện binh Liễu Thăng sang thì đã có chuyện Vương Thông bội tín vì sợ người nước ta bội tín. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: Quan quân ta vây thành Đông Đô rất gấp. Vương Thông bị cùng quẫn quá bèn gửi thư giảng hòa, xin cho được đem hết quân sĩ về Trung Hoa. Hoàng đế rằng: "Binh pháp có câu: "Không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy".

Ngài bèn bằng lòng cho hòa, và hẹn Vương Thông phải dồn tất cả người và lính ở các thành khác, về hội cả Đông Đô, càng sớm càng hay. Nhưng mới qua một thời gian, có bọn cận thân qua lại với Vương Thông là bọn ngụy Đô ty Trần Phong, Tham chánh Lương Nhữ Hốt, và Đô chỉ huy Trần An Vinh bảo Vương Thông rằng:

"Thời xưa, Ô Mã Nhi thua trận ở sông Bạch Đằng, phải đem quân lại hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho hàng, rồi sai đem các thuyền lớn chở đưa về nước, nhưng lại dùng các người tài lặn làm thủy thủ. Khi thuyền ra tới ngoài biển, chờ khi ban đêm, các người trong thuyền ngủ say, lúc ấy thủy thủ lặn xuống nước, khoan thủng đáy thuyền, làm cho binh tướng Tàu đều chết đuối hết trơn, không còn một mống".

Bởi thế, Vương Thông đâm ngờ, lại đắp thêm lũy, đào thêm hào, và gài chông nhọn để làm kế cố thủ rồi ngầm sai mấy chục người đem bức thư bọc ngoài bằng sáp ong, lén đi lối tắt để cầu viện binh. Quan quân ta bắt được bọn này, nên Hoàng đế phát ghét về thói tráo trở, ngài bèn sai đặt phục binh khắp bốn mặt bên ngoài thành, để bắt các người trong thành ra vào, tổng số bắt được đã tới hơn 3.000 lính và 5 con ngựa, thì tự đấy Vương Thông đóng thành không ra, sứ giả qua lại cũng chấm dứt.

Từ đó có thể thấy người phương Bắc xưa thù dai nhớ lâu. Nếu như biết ai đó chém chết Liễu Thăng thì không chừng sẽ bị đòi người trả thù (điều rất hay xảy ra trong sử Trung Quốc). Trước đây, khi nhà Lý đánh bại quân Tống thì lúc hòa đàm sau chiến tranh, Tống hứa trả đất nhưng cũng có kèm theo điều kiện, chính là trả tù binh và xử những “tội phạm chiến tranh”. Việc trao trả tù binh là thường tình sau chiến tranh. Nhưng những “tội phạm chiến tranh” mà Tống yêu cầu xét xử không ai khác chính là những người đã làm nên chiến thắng của Đại Việt, mà đứng đầu chính là Thái úy Lý Thường Kiệt. Đó có thể xem là một động thái ly gián của nhà Tống. Tuy nhiên, cả về phía triều đình Đại Việt và Lý Thường Kiệt đều tin cậy lẫn nhau, và bác bỏ yêu sách vô lý này với lời lẽ khéo léo. Đại Việt chỉ chấp nhận trả tù binh, Tống cũng trả đất mà không đòi hỏi gì thêm.

Hồi 2012, có một tờ báo nêu Thần tích viết về 3 ông tướng chém Liễu Thăng. Bài báo viết:

Thần tích chép rằng: "Vào thời mà Lê Lợi đang tích dưỡng binh lương, chiêu dụ khắp nơi để tìm kiếm anh hùng hào kiệt cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược thì được biết tại xã Hương Trà, tổng Nhân Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, có người họ Bạch, húy là Bảo Công, văn vũ song toàn, tài năng nổi tiếng thiên hạ. Lê Lợi bèn cấp cho "ba vạn tinh binh lập tức thẳng tiến đến xã An Cố, huyện Chân Lợi, phủ Kiến Xương, dựng đồn lớn tại trại An Trạch (còn gọi là doanh trại Đồng Làng) để đánh giặc".

Tại đó có một phú ông họ Nguyễn, húy là Liên Hoa, có người con gái xinh đẹp vừa tròn đôi mươi tên là Lan Nương. Bảo Công xin hỏi làm vợ, rồi nàng sinh hạ một lúc ba người con trai. Cuộc hôn nhân và sinh nở 3 quý tử này tuy có khá nhiều tình tiết có vẻ hoang đường nhưng được xác định rõ tên tuổi và sau này được vua Lê phong tước rất rõ ràng:

Người thứ nhất là Thanh, mỹ tự là Thanh Kiền sau được vua phong làm Hiệp thống Thanh Kiền đại thần quan. Người thứ hai húy là Bạch, mỹ tự là Bạch Thuộc, sau được phong là Bạch Thuộc Chánh lãnh tiền phong đại tướng quân. Người thứ ba húy là Tống, sau được phong là Thống Thánh đốc lĩnh. Cả 3 ông này khôn nhớn "thân dài 7 thước, nặng đến trăm cân"... được vua quý phong tước rồi cấp "một nghìn thuyền rồng và 50 vị tướng giỏi để đi đánh giặc".

Ba ông cùng binh mã cùng "xông thẳng đánh giặc, gặp tướng Liễu Thăng tại đất Tiên Hoa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Quân giặc bốn phía bao vây khắp nơi. Ba ông ngồi trên ngựa vung kiếm xông thẳng vào giữa đồn giặc chém đầu tên phó tướng Nguyễn Đình Khoan, treo đầu ngay dưới trướng, còn quân giặc chết nhiều không kể xiết. Ba ông thừa thắng đuổi theo giặc Minh, đuổi đến thành Lạng Sơn thì chém được tướng Liễu Thăng thành 3 mảnh. Quân tướng trong thế chiến thắng trở về uy nghiêm chấn động khắp nơi".

Với chiến công ấy, Lê Thái Tổ đã "Gia phong cho ông Thanh Kiền làm Đại nguyên soái đại tướng quân. Thăng cho trấn giữ đạo Tuyên Quang, Hưng Hóa. Phong cho ông Bạch Thuộc làm quan đại thần trấn thủ đất Sơn Nam. Gia phong cho ông Tống Khánh làm quan đại thần kinh lược đạo Kinh Bắc".

Sau khi đối chiếu với lịch sử được ghi chép thì thấy nhân vật và sự kiện trong thần tích không tồn tại trong chính sử. Hơn nữa thần tích chép việc Ba ông cùng binh mã cùng "xông thẳng đánh giặc, gặp tướng Liễu Thăng tại đất Tiên Hoa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu" thì rất không ổn vì Liễu Thăng bị hạ ở Lạng Sơn thì lấy đâu mà dẫn quân vào tận Khoái Châu thuộc Hưng Yên.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
7 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về câu chuyện ai đã chém Liễu Thăng