Khi VFF công bố tăng giá vé xem trận bán kết AFF Cup của ĐT Việt Nam tại sân Mỹ Đình (ngày 11.12) ngay lập tức tổ chức này nhận ngay một cuộc “tổng xỉ vả” của dư luận. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn sự việc bằng bài toán kinh tế và logic sẽ thấy rằng VFF đã làm một điều hợp lý.
Bán kết đương nhiên phải hay hơn vòng bảng
Vòng bảng AFF Cup 2014 tại sân Mỹ Đình từ ngày 22.11 đến 28.11 với 3 trận đấu có ĐT Việt Nam thi đấu có 4 mệnh giá vé: 100.000 - 200.000 - 250.000 - 300.000 đồng.
Sau khi vòng bảng kết thúc, ngay trong đêm sau chiến thắng 3-1 của ĐTVN trước Philippines (28.11), VFF đã quyết định tăng giá vé trận bán kết theo 4 mức tương ứng: 150.000 - 250.000 – 300.000 – 400.000 đồng. Tức là 3 mệnh giá đầu tăng 50.000 đồng, còn vé mệnh gía cuối tăng 100.000 đồng. Ngay lập tức VFF bị không ít người cộng đồng mạng “chửi” không thương tiếc rằng: “Thấy vào bán kết tranh thủ tăng tiền để kiếm chác”.
Khoan bàn đến động cơ của VFF về việc tăng tiền vé, hãy xét đến các yếu tố về bài toán kinh tế, nhu cầu và chi phí để thấy rằng VFF hoàn toàn có quyền tăng giá vé trận bán kết và thậm chí là cả trận chung kết.
Về giá trị: chắc chắn ai cũng hiểu 1 nguyên tắc cơ bản là tính chất của trận bán kết sẽ hấp dẫn, gay cấn hơn hẳn 1 trận đấu ở vòng bảng. Tại sao mọi người lại mong muốn có sự “công bằng” trong việc bỏ tiền cho việc thưởng thức một trận đấu hứa hẹn quyết liệt, máu lửa ngang với một trận đấu vòng bảng “lìu tìu”?
Nhân viên bán vé ngồi buồn thiu vì không có ai mua ở vòng bảng AFF Cup (ảnh TNO) |
Ở vòng bảng, khán giả cũng đã có sự lựa chọn. Cùng 1 giá vé như nhau nhưng 2 trận đấu ĐTVN gặp Indonesia (22.11) và Philippines (28.11) có nhiều người đến xem hơn hẳn trận gặp Lào (25.11). Ở đây tính chất của trận đấu đã quyết định chuyện CĐV có bỏ tiền ra mua vé vào sân hay không.
Vì vậy, cần phải công bằng khi ĐTVN đã giành quyền vào bán kết thì VFF hoàn toàn có quyền tăng giá vé lên, dù việc tăng giá chỉ ở mức 50.000 – 100.000 đồng/vé. Nếu CĐV nào cảm thấy giá vé này quá đắt thì có quyền “ở nhà bật ti-vi mà xem” như lời của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói trước giải.
Vì đó là giá trị của Đội tuyển quốc gia!
Trước giải AFF Cup, khi VFF công bố giá vé bán ra thì đã có một bộ phận dư luận, truyền thông lên tiếng chê giá vé đắt. Dưới góc độ tổ chức việc VFF bán vé từ rẻ nhất 100.000 đến cao nhất 300.000 đồng không hề quá cao để bỏ tiền ra xem ĐTQG Việt Nam thi đấu.
Tuy nhiên, sỡ dĩ nhiều người cho rằng vé đắt bởi họ cảm thấy không có nhu cầu xem vì tình cảm dành cho ĐTVN đã bị hao hụt. Rất nhiều người đã đem tuyển U.19 Việt Nam, U.19 HAGL JMG ra so sánh rồi chê bai, mỉa mai ĐTVN đủ điều. Sự thật này ai cũng thấy cũng biết.
Chính vì vậy mà cả 3 trận đấu vòng bảng AFF Cup, sân Mỹ Đình chưa lúc nào lấp đầy được khán giả. Hai trận đấu của ĐTVN gặp Indonesia, Philippines chỉ khoảng 30.000 người, còn trận Lào chỉ nhỉnh hơn 20.000 người trong khi sức chứa của sân Mỹ Đình là 40.000 người.
Khi không có nhu cầu xem thì 100.000 đồng cũng bị cho là đắt nhưng khi đã thích thì 500.000 đồng cũng được coi là rẻ. Bỏ 100.000 đồng xem ĐTQG thi đấu còn kêu là đắt, rõ ràng phải buồn cho thầy trò HLV Miura.
Thành Lương và các đồng đội đã chơi rất hay để hiên ngang vào bán kết. Vậy muốn vào sân xem ĐTVN thì hãy bỏ ra số tiền xứng đáng, còn không ở nhà coi bằng tivi (ảnh Ngọc Quỳnh) |
Thứ nhất, tiền thưởng cho ĐTVN. Sau khi giành vé vào bán kết, thầy trò HLV Miura được VFF thưởng nóng 1 tỷ đồng. Ở 2 trận bán kết với Malaysia dù kết quả như thế nào thì ĐTVN cũng phải được VFF thưởng đúng với công sức lao động họ bỏ ra.
Thứ hai, chi phí phát sinh. Giành vé vào bán kết, tức là ĐTVN phải duy trì trong suốt 13 ngày (từ ngày 28.11 đến 11.12) để thi đấu. Vậy trong thời gian 13 ngày này, chi phí ăn ở, sinh hoạt của tập thể hơn 30 con người với tiêu chuẩn 5 sao (trung bình 200 USD/người/ngày) và vé máy bay 2 lượt Kuala Lumpur – Hà Nội, ai phải chi trả nếu không là VFF?
Thứ ba, VFF dù có là tổ chức “ăn hại” như suy nghĩ nhiều người thì họ cũng cần phải kiếm tiền bỏ vào mồm để nuôi mình và chi dùng cho nhiều việc khác nữa.
Cuối cùng, nếu cảm thấy vé xem ĐTVN đá đắt, không đáng để bỏ tiền khán giả có quyền ở nhà và bật ti-vi lên xem.
Tại sao bạn lại bỏ tiền cho một thứ bạn cảm thấy không xứng đáng khi bạn vẫn có sự lựa chọn khác?
Đăng Khoa