Khi đi siêu thị, Lilianna Wilde đôi lúc sẽ chọn chiếc xe đẩy hàng có bánh xe kêu cọt kẹt mà người khác tránh xa. Khi cất chén đĩa, cô sẽ lấy chiếc đĩa dưới cùng đặt lên trên cùng để nó được dùng đến.
Và khi phải vứt bỏ chiếc jeans yêu thích mặc nhiều năm, Wilde cảm thấy rất tệ. Cô chia sẻ tình trạng của mình trên TikTok và nhận ra bản thân không phải trường hợp duy nhất như vậy. Nhiều người cho biết họ dường như có cảm xúc với thú nhồi bông, cây cối, đồ nội thất, thậm chí với giọng nói trong ứng dụng định vị GPS trên điện thoại.
Theo tiến sĩ tâm thần học Melissa Shepard sống tại bang Maryland (Mỹ), nhân cách hóa đồ vật vô tri có thể là một phần của mong muốn tìm kiếm sự kết nối trong cuộc sống hằng ngày.
“Chúng ta sở hữu mong muốn kết nối với người khác, và đôi lúc mong muốn mở rộng sang thứ không phải con người. Chúng ta tìm kiếm những cách thức như con người để hiểu thế giới, một trong những cách dễ nhất là thông qua trải nghiệm của bản than”, bà Shepard lý giải.
Nhân cách hóa đồ vật trong nhà
Khi thấy đồng cảm với đồ vật vô tri, ta đang nhân cách hóa, gán ghép hành vi hay cảm xúc của con người cho chúng. Vẫn chưa rõ lý do con người làm vậy nhưng giới chuyên gia đặt ra một số phỏng đoán.
Nhà tâm lý trị liệu Kim Egel (sống tại bang California) cho biết ở vài trường hợp, ta sở hữu một đồ vật trong thời gian dài nên thấy chúng có ý nghĩa hoặc hoài niệm, gợi nhớ về thời khắc nào đó: “Tất cả chúng ta đều có những thứ khiến trái tim mình rung động nhiều hơn. Đây là tình trạng bình thường của con người”.
Đây cũng có thể là “phản chiếu” cảm xúc lên đồ vật, trao cho chúng cảm giác mà ta từng cảm thấy trong quá khứ, chẳng hạn sự cô đơn lúc bị cô lập. Hoặc cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một người không nhận được sự kết nối mà họ muốn và cần từ người khác.
Chồng của Wilde không hiểu được làm sao vợ mình lại có cảm xúc với thứ không phải người hoặc không phải vật sống. Nhưng cô khẳng định cảm xúc mà mình dành cho đồ vật tương đương cảm xúc dành cho con người, chỉ là tồn tại ngắn hơn mà thôi.
Wilde tự hỏi liệu cảm xúc có phải bắt nguồn từ những phim cô thích xem lúc nhỏ, nhân cách hóa đồ vật như Câu chuyện đồ chơi hay Người đẹp và quái vật hay không. Hay tại vì cô từng khó hòa nhập ở thời thơ ấu?
Bà Sherpard cho biết có một tình trạng y khoa mang tên “hội chứng bạn đồng hành ảo tưởng”, người mắc đồng cảm với đồ vật ở mức độ cực đoan hơn đồng thời tin rằng đồ vật cũng mang cảm xúc, nhưng tình trạng này ít phổ biến hơn việc nhân cách hóa thông thường.
Theo nữ tiến sĩ, nếu cảm xúc mãnh liệt đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống thì ta nên tìm đến bác sĩ.
Đồng cảm với robot và AI
Robot cũng nhận được sự đồng cảm từ con người. Tháng 8.2013, một năm sau khi được phóng thành công lên sao Hỏa, thiết bị thám hiểm Curiosity tự hát mừng sinh nhật và nhanh chóng được biết đến như sinh nhật cô đơn nhất thiên hà. Thiết bị thám hiểm Opportunity vào tháng 6.2018 từng gửi về thông điệp cuối cùng là “pin của tôi yếu và trời đang tối dần”. Tin tức robot ngừng hoạt động nhận rất nhiều lời chia buồn từ cộng đồng mạng.
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) thâm nhập sâu hơn vào đời sống, giới khoa học tìm hiểu xem liệu chatbot có nhận được cảm xúc tương tự hay không. Bác sĩ tâm thần Marlynn Wei sống tại New York cho biết thông thường khi robot sở hữu đặc điểm giống con người hơn như khuôn mặt, giọng nói, tính cách hoặc ngôn ngữ cơ thể, ta có thể đồng cảm với chúng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu robot quá giống người thì ta sẽ thấy kỳ cục hoặc khó chịu khi tương tác với chúng.