Các hiệp định thương mại vốn có vai trò thúc đẩy tăng cường trao đổi thương mại hai chiều, trong đó hai bên tăng cường xuất và nhập khẩu hàng hóa của nhau; vì thế nếu Việt Nam không thể tận dụng được lợi thế để tăng xuất khẩu, sẽ trở thành người chịu thiệt.
Những báo cáo mới nhất về tình hình tăng trưởng quý I năm 2016 của kinh tế Việt Nam đang đặt ra những câu hỏi đáng để suy ngẫm. Sự sụt giảm tăng trưởng GDP (chỉ còn 5,46% so với 6,12% của quý I năm 2015) ngoài yếu tố tác động của thiên tai hạn mặn tại phía Nam, thì nguyên nhân chủ yếu thứ hai được viện dẫn là sự suy yếu của nền kinh tế thế giới dẫn đến sụt giảm khả năng xuất khẩu của Việt Nam.
Điều đáng chú ý ở đây là năm 2016 cũng là thời điểm mà khá nhiều các hiệp định thương mại (FTA) lớn mà Việt Nam đã ký kết sẽ đi vào hoạt động, và về lý thuyết sẽ làm tăng xuất khẩu dù cho nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ đi nữa. Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó đã không xảy ra, và sự sụt giảm tăng trưởng GDP trong quý I là minh chứng rõ nét cho thực tế đó. Trên thực tế, điều đó cũng không có gì khó hiểu khi mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang còn khá “thờ ơ” với các FTA này.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP.HCM và đã được trình bày tại hội thảo “TPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam” vào ngày 15.4, thì tỷ lệ doanh nghiệp ít hiểu biết về TPP lên đến 91%. Trong đó, 20% doanh nghiệp chưa từng nghe về TPP, 45% có nghe nói về TPP nhưng không biết gì sâu hơn, 26% doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu sơ.
Kết quả khảo sát đáng lo ngại này của VCCI được bổ sung thêm bởi kết quả thống kê của Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương, theo đó tỷ lệ tận dụng được các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia của các doanh nghiệp trong nước thời gian qua hiện tương đối thấp, chỉ khoảng 35%.
Những kết quả thống kê này có thể xem như lời giải thích cho tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm 2016. Đúng là một phần nguyên nhân đến từ việc kinh tế thế giới đang trì trệ khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường lớn giảm sút; nhưng một nguyên nhân quan trọng không kém là do tình trạng tận dụng các quy định thuận lợi trong các FTA của Việt Nam hiện đang ở mức quá thấp.
Vì không thể/không biết cách tận dụng các lợi thế của những FTA này, nên xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đã không tăng lên. Quan trọng hơn nữa là, nếu tình trạng kém tận dụng các hiệp định thương mại lớn của Việt Nam tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới, thì khả năng thu được lợi ích từ các hiệp định quan trọng nhất như TPP cũng sẽ là một dấu hỏi đầy nghi hoặc, thậm chí sẽ còn đem lại tác hại nghiêm trọng. Vì các hiệp định thương mại vốn có vai trò thúc đẩy tăng cường trao đổi thương mại hai chiều, trong đó hai bên tăng cường xuất và nhập khẩu hàng hóa của nhau; vì thế nếu Việt Nam không thể tận dụng được lợi thế để tăng xuất khẩu, thì sẽ trở thành người chịu thiệt.
Vấn đề cần được lý giải nhất ở thời điểm hiện tại, vì thế là việc tìm hiểu tại sao việc tận dụng các lợi thế từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam lại kém như vậy. Hay nói cách khác, vì sao các doanh nghiệp Việt Nam lại thờ ơ như thế với các lợi ích lớn mà các FTA đem lại. Lý giải cho điều này, theo kết quả khảo sát của VCCI, thì các doanh nghiệp cho rằng tình hình nền kinh tế đang khó khăn và vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tìm cách để doanh nghiệp có thể tồn tại trước đã, nên chưa có nhu cầu và điều kiện tìm hiểu về các FTA. Lý giải này có thể chưa bao hàm hết các lý do khiến doanh nghiệp nội địa ít chú ý đến FTA, nhưng chắc chắn là nó đã đưa ra một trong những nguyên nhân hàng đầu cho tình trạng này.
Những báo cáo mới nhất về môi trường đầu tư kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp nội địa đang khá trùng khớp với lời lý giải này. Cụ thể, số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể trong 3 tháng đầu năm 2016 đã lên tới trên 20.000, còn thống kê từ 10 năm trở lại đây thì cứ 2 doanh nghiệp được thành lập thì 1 bị phá sản hoặc ngừng hoạt động. Tình hình kinh doanh khó khăn và không thuận lợi cũng đang khiến 96% số doanh nghiệp trong nước là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, và chỉ có 2% doanh nghiệp trung bình và 2% cỡ lớn mà thôi. Khi mà có tới 96% số doanh nghiệp trong nước thuộc loại nhỏ, và vấn đề quan trọng nhất vẫn là duy trì được sự tồn tại, thì rõ ràng không thể trách các doanh nghiệp này nếu như họ không quan tâm và chú ý tới TPP hay các FTA.
Với tình trạng yếu kém của các doanh nghiệp trong nước hiện nay như thế, nên lợi ích lớn nhất mà TPP và các FTA đem lại cho kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại có lẽ đúng như lời ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, rằng nó chủ yếu khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng lên mà thôi. Cụ thể thì, khi TPP và các FTA lớn có hiệu lực sẽ khiến môi trường đầu tư được cải thiện và qua đó thúc đẩy dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo ra công ăn việc làm cho người Việt Nam.
Nói cách khác, Việt Nam ký TPP và các FTA cũng chỉ nhằm để thu hút nhiều vốn FDI hơn mà thôi, mà Việt Nam sẽ ngày càng lấn sâu hơn vào tình trạng “làm thuê” ngay trong nền kinh tế của chính mình. Đó là một thực tế cay đắng nhưng hợp lý, vì khi mà có tới 91% số doanh nghiệp tại TP.HCM – khu vực có nền kinh tế năng động nhất cả nước, không hề quan tâm tới một hiệp định thương mại quan trọng như TPP thì khả năng tận dụng lợi thế mà nó đem lại rõ ràng là quá xa vời. Nhất là khi 96% số doanh nghiệp trong nước thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tiếp cận và tận dụng các lợi ích xuất khẩu mà TPP và các FTA mang lại rõ ràng là không cao.
Tình trạng Việt Nam ký kết nhiều các hiệp định thương mại nhưng khả năng tận dụng có hạn là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia kinh tế đang đưa ra những cảnh báo cần thận trọng. Một trong những hệ quả quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam có thể lâm vào tình trạng “bội thực”. Những gì diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2011 là một kinh nghiệm đắt giá mà Việt Nam cần xem xét để tránh vấp phải lần thứ hai.
Trên thực tế, việc dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam sau khi chúng ta gia nhập WTO khiến cho các doanh nghiệp trong nước có xu hướng bỏ sản xuất và đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, và sau khi khủng hoảng nổ ra tỷ lệ doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng cao, gián tiếp đẩy tỷ trọng sản xuất của khối FDI trong nền kinh tế tăng vọt, đến nay đã chiếm trên 70% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước.
Nguy cơ này có thể lặp lại một lần nữa sau khi TPP đi vào hoạt động, và có thể khiến nền sản xuất nội địa của Việt Nam tiếp tục giảm sút bên cạnh sự chèn ép của doanh nghiệp FDI. Nói cách khác, các hiệp định thương mại đang không khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên như lý thuyết, mà thực tế đang đe dọa khiến nó giảm đi; trong khi đó khu vực FDI đang ngày càng bành trướng nhanh hơn bao giờ hết.
Và khi mà các doanh nghiệp trong nước còn đang vật lộn để có thể tồn tại, thì cũng không thể trách họ nếu như họ không mấy quan tâm đến việc tận dụng các lợi thế xuất khẩu của các hiệp định thương mại được.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)