Trong khi kỵ binh phải sau Thế chiến thứ nhất mới dừng sứ mệnh thì tượng binh vào viện bảo tàng sớm hơn.
Kiến thức - Học thuật

Vì sao tượng binh nhanh chóng vào viện bảo tàng?

Anh Tú 21:10 16/02/2024

Trong khi kỵ binh phải sau Thế chiến thứ nhất mới dừng sứ mệnh thì tượng binh vào viện bảo tàng sớm hơn.

voi.jpg
Hình ảnh tượng binh trong viện bảo tàng

Cách đây 235 năm, tượng binh của quân Tây Sơn đã tạo nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lừng lẫy. Việc dùng voi trong chiến tranh được xác định từ hơn 3.000 năm trước và trận cuối cùng mới chỉ cách nay hơn 1 thế kỷ.

Lần xuất hiện cuối cùng của voi trong chiến trận là trong Chiến tranh Afghanistan – Anh lần thứ 2 vào năm 1878-80, Những con voi được phía quân đội Afghanistan xếp vào pháo binh, cứ 2 con kéo một khẩu. Trận đó, quân Anh thắng và người ta sau đó nhận ra voi không phù hợp trong chiến tranh hiện đại vì chúng quá chậm và dễ thành tấm bia di động. Trong khi đó, việc nuôi một con vật to lớn như vậy lại vô cùng tốn kém và từ đó voi dần không còn xuất hiện trên chiến trường.

Tuy nhiên, từ trước đó khá lâu, voi đã dần thất thế trên chiến trường châu Âu. Từ trước công nguyên, không lâu sau khi voi xuất hiện ở Hy Lạp, người ta đã nghĩ ra cách chống tượng binh. Chẳng hạn trong cuộc bao vây Megapolis, người Macedonia đã dùng voi để tấn công, nhưng quân phòng thủ đã rải những chiếc gai dài giấu dưới mặt đất. Sau khi bị trúng “mìn” những con vật khổng lồ hoảng loạn vì đau đớn, bỏ chạy tán loạn, giẫm đạp lên quân nhà.

Trong Chiến tranh Punic lần thứ nhất, quân Carthage đã sử dụng voi để tấn công quân Palermo. Nhưng người La Mã gây kinh hoàng cho bầy voi bằng những mũi tên gắn lửa. Voi đã phải bỏ chạy, chà đạp bộ binh phía sau và quân La Mã thừa thế đã tiến hành phản công để giành được chiến thắng.

Thực ra, lúc đầu, người La Mã không biết phải làm gì để đối phó với những con voi trên chiến trường. Nhưng sau những thảm họa chống lại voi chiến của Pyrrhus xứ Epirus, quân đội La Mã đã rút được kinh nghiệm.

Chiến thuật quan trọng mà người La Mã nghĩ ra là chuyển từ một lượng lớn binh lính vốn đeo giáp nặng sang thành bộ binh hạng nhẹ, giỏi phóng lao.

Bret C Devereaux, Giáo sư về lịch sử cổ đại tại Đại học bang North Carolina giải thích: “Họ có thể sử dụng những ngọn lao để hạ người quản tượng, người điều khiển con voi, hoặc khiến con voi hoảng sợ và khiến nó di chuyển sang hướng khác. Thậm chí, họ có thể khiến voi hoảng sợ và quay đầu lại bỏ chạy”.

Trong khi đó, dùng lính bộ binh tấn công vào chân và đầu gối của con voi bằng rìu là một chiến thuật thành công khác của người La Mã. Devereaux nói: "Bạn không nhất thiết phải nhắm đến việc giết con voi mà bạn chỉ cần khiến nó đủ đau đớn đến mức nó bỏ chạy là thành công".

Có nhiều cách sáng tạo để phá tượng binh mà thậm chí không cần phải mạo hiểm đến sát chúng. Năm 1339, khi Timur tấn công Ấn Độ, ông giao chiến với quân của Mahmud Nassir-ud-din tại Ferozabad gần Delhi. Quân đội Nassir-ud-din gồm những con voi được trang bị tận răng theo đúng nghĩa đen. Timur đã nghĩ ra cách giành được chiến thắng theo đúng kiểu Điền Đan phá quân Yên thời Chiến Quốc. Khi đó, Timur đã lùa một đàn trâu với sừng cắm đuốc lao vào giữa những con voi. Trâu mang lửa trên đầu đã loạn, voi thấy lửa cũng loạn theo và chúng trở cờ chạy ngược, giẫm đạp lên quân nhà, khiến quân Ấn Độ thất bại.

Giáo sư Devereaux cho biết người La Mã thậm chí còn không dùng trâu mà chỉ dùng lợn bị buộc chặt với ngọn đuốc lao vào trận voi cũng đã gây cho tượng binh hoảng loạn.

Những sự kiện trong lịch sử chiến tranh kể trên cho thấy rằng voi không có mấy giá trị như những cỗ máy chiến đấu như vẻ ngoài đầy khủng bố của chúng. Thậm chí, chúng còn tạo ra mối nguy hiểm cho quân nhà.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất khiến người châu Âu phải sớm từ bỏ tượng binh là nuôi rất tốn kém vì voi ăn quá khỏe. Giáo sư Devereaux nói: “Nếu bạn định đưa nhiều voi hơn đến chiến trường, thì phải cân nhắc chúng có thể làm điều gì cho bạn. Do đó, bạn sẽ không mang chúng theo ý thích bản thân vì chúng thực sự ăn rất nhiều trong khi việc vận chuyển lương thảo thời xưa rất khó khăn”.

Hơn nữa, cũng không thể nuôi nhiều voi chiến như nuôi ngựa. Để bắt giữ và huấn luyện mội con voi trưởng thành có thể đi đánh trận là vô cùng tốn kém, cả tiền bạc lẫn thời gian. Giáo sư Devereaux cho biết thêm: “Càng ở xa vựa voi ở Ấn Độ thì chúng càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm”.

Với nguồn lực phải chi cho mua voi, nuôi voi, huấn luyện voi thì các vị vua thời xưa thà dùng số tiền đó mộ quân và huấn luyện thành một đội ngũ tinh nhuệ còn hơn. Thời gian đầu, người La Mã còn ráng duy trì một đội tượng binh nhỏ chủ yếu dùng để hù dọa các địch thủ lần đầu chưa chạm trán với voi. Nói gì thì nói, tượng binh rất có hiệu quả trong việc khủng bố tinh thần đối thủ là tấm chiếu mới.

Nhưng dần dà, tượng binh càng mai một vì những lý do tốn kém và thiếu hiệu quả như đã nói ở trên, cũng như lối chơi đơn điệu của chúng rất dễ bị "bắt bài". Cho đến khi ở châu Âu, pháo và súng được dùng thường xuyên hơn ở thế kỷ 15 thì voi coi như không còn đóng vai trò gì nữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao tượng binh nhanh chóng vào viện bảo tàng?