Từng được xuất bản và bán chạy ở Việt Nam với cái tên “Tìm về sức mạnh vô biên”, trong lần tái bản này, “Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari” là phiên bản bổ sung, hoàn thiện và tiếp tục là cuốn sách kinh điển về đề tài truyền cảm hứng, theo đuổi lý tưởng sống, hướng tới cuộc sống hạnh phúc của tác giả nổi tiếng Robin Sharma.
Robin Sharma không phải là một tác giả xa lạ ở Việt Nam, bởi ông có nhiều đầu sách đã được xuất bản và được bạn đọc đón nhận. Trong đó, phải kể đến những cuốn sách như Đời ngắn đừng ngủ dài, Ba người thầy vĩ đại, Nhà lãnh đạo không chức danh…
Tuy vậy, ít người biết cuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn sách tạo nên tên tuổi và thành công, đưa Robin Sharma trở thành một trong những nhà diễn thuyết uy tín và ảnh hưởng nhất trên thế giới, chính là cuốn sách Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari(Bản gốc tiếng Anh là The monk who sold his Ferrari).
Ngay từ năm 1997, Vị tu sĩ bán chiếc Ferrariđã nhanh chóng trở thành hiện tượng và nằm trong danh sách best-seller, bán ra hơn 4 triệu bản tại 50 quốc gia trên khắp thế giới. Điều đặc biệt là khi đó Robin Sharma chỉ là một tác giả trẻ chưa có tên tuổi.
Vậy, tại sao cuốn sách này lại có sức hấp dẫn với bạn đọc trên toàn thế giới?
“Xúc động từ đầu đến cuối, quyển sách này sẽ khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn”, Mark Victor Hansen, đồng tác giả bộ sách nổi tiếng Chicken soup for the soulnhận xét về Vị tu sĩbán chiếc Ferrari.
Vị tu sĩ bán chiếc Ferrarikể về Julian Manter, một luật sư dưới con mắt xã hội là một người đứng trên đỉnh cao danh vọng: là “ngôi sao” trong ngành luật, thu nhập lên tới bảy con số, sở hữu một căn biệt thự tráng lệ, một chiếc máy bay riêng và một chiếc Ferrari màu đỏ bóng loáng đáng ngưỡng mộ.
Nhưng ít ai biết, trong nội tâm sâu thẳm Julian lại là một con người đầy đau khổ, căng thẳng. Bởi đằng sau cuộc sống “lung linh” của anh, những dấu hiệu của sự sụp đổ trong niềm vui và ý nghĩa sống: anh liên tục bị cuốn vào công việc, vào một vòng xoáy không thể dừng lại; như anh nói - “lúc nào cũng có một vụ kiện 'khủng'đang chờ sẵn, quy mô vụ sau, lớn hơn vụ trước”.
Và cuối cùng, trong một vụ kiện, Julian đột quỵ và nhập viện. Để rồi ngay khi xuất viện, Julian đã có một quyết định là bước ngoặt thay đổi cuộc đời. Anh bán tất cả tài sản của mình, trong đó có chiếc xe Ferrari - niềm tự hào của mình, và bắt đầu hành trình đến Ấn Độ để gặp gỡ các nhà hiền triết Sivana. Qua đó, anh dần “lột xác” và tìm lại chính mình, trở thành một con người thành công, sống một cuộc đời ý nghĩa và để lại di sản trong đời sống.
Vị tu sĩbán chiếc Ferraritiết lộ những minh triết cổ xưa, hợp nhất chúng lại thành một triết lý sống đơn giản. Đó là phương cách làm chủ tâm trí, theo đuổi mục đích sống, luyện tập Kaizen, sống có kỷ luât, quý trọng thời gian, cống hiến hết mình, và trân trọng hiện tại…
Cuốn sách này đặc biệt có ý nghĩa, khi được viết bởi chính những chiêm nghiệm của tác giả Robin Sharma. Bởi ông cũng chính là một luật sư, từ bỏ nghề nghiệp của mình vào năm 25 tuổi - thời điểm viết nên cuốn sách, và rồi đạt được thành công vang dội và cuộc sống viên mãn sau đó.
Thông qua Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari, Robin Sharma gửi gắm thông điệp: “Mỗi người đều có khả năng làm chủ vận mệnh của chính mình. Những nhiệm vụ chúng ta phải thực hiện không hề vượt quá khả năng của ta, và những vất vả, khổ đau mà nó mang lại cũng không quá sức chịu đựng của ta. Chỉ cần vững tin và lý tưởng và ý chí bất khuất của bản thân, chúng ta chắc chắn sẽ thành công”.
Robin Sharma là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lãnh đạo và thành công cá nhân. Phần lớn các tác phẩm của ông đều lọt vào danh sách những quyển sách bán chạy nhất trên toàn cầu, trong đó tác phẩm kinh điển The Monk Who Sold His Ferrari (Vị Tu Sĩ Bán Chiếc Ferrari) đã được xuất bản ở hơn 75 quốc gia, giúp hàng triệu người tạo dựng được cuộc sống phi thường.
Robin Sharma là giám đốc điều hành của Công ty Sharma Leadership International Inc., một doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực huấn luyện và đào tạo, giúp các cá nhân và tổ chức vươn đến tầm cỡ thế giới. Các khách hàng của công ty bao gồm Nike, BP, General Electric, NASA, FedEx, IBM và Microsoft.