Sự thành bại của việc "giải phóng vỉa hè" không chỉ chứng minh sự thành bại của một chủ trương, mà chính là chứng minh sự thành bại của luật pháp ở góc độ quản lý dân sinh đời thường nhất.

Vỉa hè - nhà báo Pháp và chuyện lý tình

02/03/2017, 12:38

Sự thành bại của việc "giải phóng vỉa hè" không chỉ chứng minh sự thành bại của một chủ trương, mà chính là chứng minh sự thành bại của luật pháp ở góc độ quản lý dân sinh đời thường nhất.

Vỉa hè thông thoáng là điều mà nhiều người dân thành phố mong muốn.

Cách đây hơn 40 năm, người viết bài từng đọc bài báo của một nhà báo Pháp nhan đề: “Vỉa hè Hà Nội”. Với một giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh, nhà báo Pháp mô tả vô cùng phong phú chức năng của vỉa hè Hà Nội. Từ chuyện đào hầm cá nhân tránh bom Mỹ, khoan giếng lấy nước, buôn thúng bán mẹt, đến chuyện xi trẻ con đái ị và những đêm trăng thanh mất điện, vỉa hè Hà Hội có thể còn là … phòng ngủ của nhiều gia đình.

Nhưng nếu còn hành nghề, hẳn nhà báo Pháp này kinh ngạc vì đến hôm nay, chức năng của vỉa hè Hà Nội và của TP.HCM, hai đô thị lớn nhất nước, còn lớn gấp bội. Đó là “cái chợ” tả pí lù, nơi gửi xe, buôn bán hàng rong, hàng ăn, hàng quán, nơi mưu sinh lần hồi của không ít người dân phố thị, dân tứ xứ, nhưng cũng là nơi “làm giàu không khó” (như ca từ một bài hát) của không ít lợi ích nhóm nào đó cấp sở tại có thẩm quyền. Thành thử, vỉa hè của người đi bộ, từ lâu chính là… lòng đường.

Một sự trái tai gai mắt từ lâu người Việt phải chấp nhận và chung sống mặc nhiên như một sự bình thường hóa. Mà trong đời sống xã hội này, cái sự bình thường hóa của những cái… bất thường, tiếc thay, không hiếm.

Chính vì thế, những ngày này, dư luận xã hội hết sức chú ý, quan tâm và ấn tượng với sự ra quân “giải phóng vỉa hè” của UBND Quận 1, TP.HCM, do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận dẫn đầu. Ông Đoàn Ngọc Hải bỗng trở thành nhân vật được chú ý không chỉ bởi hành động mạnh mẽ, dám chấp nhận sự “đụng chạm” lợi ích của nhiều tầng lớp người, nhiều cơ quan bộ ngành nhà nước, mà còn bởi phát ngôn ấn tượng - nói theo cách của dân Nam bộ - rất chịu chơi, khi tuyên bố: Nếu không làm được sẽ cởi áo về vườn, không làm nữa.

Ở xã hội này, từng có không ít phong trào, cuộc vận động, trong đó có giải tỏa vỉa hè đô thị, nhiều năm được tạo dáng hình “đầu voi, đuôi chuột” và các lời hứa hẹn cởi áo từ quan nếu không làm tròn trách nhiệm cũng dễ bị theo... gió bay. Thế nên khỏi phải nói, sự ra quân của UBND Quận 1 TP.HCM lần này đã gây tác động mạnh đến thế nào. Nhưng đồng thời quận cũng phải đối mặt với không ít hoài nghi của dư luận cộng đồng, nhất là trên các trang mạng xã hội. Người khen, kẻ chê. Người ủng hộ, kẻ ném đá. Đó hãy coi là điều bình thường trong thế giới phẳng đa chiều hôm nay, trước một chủ trương… không mới. Mới hơn, lần này có phần quyết liệt, triệt để hơn.

Như một hiệu ứng Domino, tiếp theo, nhiều quận trên địa bàn TP.HCM cũng đồng loạt ra quân. Điều đáng mừng, theo báo Tuổi trẻ ngày 1.3, ở một số nơi, đa số hộ dân đều hợp tác trong việc tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè. Nhiều hộ còn giúp lực lượng chức năng tháo các bảng hiệu và cầu dẫn bằng sắt, đập bỏ các cầu dẫn xây lấn vỉa hè chưa kịp tháo dỡ.

Rõ ràng, người dân cũng biết việc mình lấn chiếm vỉa hè là sai.

TP.HCM đã hành động, thì thủ đô Hà Nội cũng không thể làm ngơ.

Sự thành công của công việc giải tỏa lần này ra sao, hay vẫn lại vỉa hè… quen đường cũ, cũng chưa thể nói trước được điều gì. Nhưng rõ ràng, hành động của UBND Quận 1 và các quận của TP.HCM, của Hà Nội mới đây cần được ủng hộ tích cực hơn là phản đối. Cho dù có không ít ý kiến chia sẻ, lo lắng cho việc mưu sinh của những người dân nghèo vì chuyện giải tỏa vỉa hè, họ sẽ không biết bấu víu vào đâu.

Người viết bài đồng tình với quan niệm của bài viết trên VietnamNet ngày 1.3, khi so sánh với tục lệ cấm đốt pháo, buộc đội mũ bảo hiểm. Rằng, đốt pháo là phong tục lâu đời, nó không là hành vi vi phạm pháp luật trước khi nghị định cấm đốt pháo ra đời, nhưng việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, là hành vi vi phạm pháp luật từ lâu mà chưa bị nghiêm trị.

Rõ ràng, ở vụ việc vỉa hè này, sự buông lỏng và dễ dãi trong quản lý, đã dẫn đến hệ lụy không chỉ là kỷ cương đô thị bị phá vỡ và rối loạn, mà nó còn tạo nên những mối quan hệ lợi ích phi pháp nhân danh chức năng quản lý.

Ở góc độ khác, về cách làm, người viết bài chú ý đến bài viết trên báo Khám phá ngày 1.3, trước những ý kiến phê phán việc giải tỏa vỉa hè: Một công trình lấn chiếm vỉa hè, dù nhân danh bất cứ ai, cũng là công trình được hình thành trái pháp luật. Chính quyền cấp quận là đơn vị trực tiếp quản lý vỉa hè đô thị theo phân cấp. Đó là đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi vỉa hè đô thị bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Do đó, khi chính quyền đô thị cấp quận, huyện phá dỡ các công trình trái phép, lấn chiếm vỉa hè, họ đang thực thi quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều đó hoàn toàn đúng. Có điều, sự thành công của chủ trương cấm đốt pháo, hay quy định đội mũ bảo hiểm, xem ra có phần đơn giản hơn việc giải tỏa vỉa hè. Không phải vô lý khi hơn 40 năm sau bài báo của nhà báo Pháp nọ, vỉa hè vẫn là chủ đề nhức nhối, mất nhiều công sức của chính quyền thành phố mà vẫn lời ra tiếng vào. Bởi vỉa hè không chỉ là nơi mưu sinh của người lao động. Đằng sau vỉa hè, là lợi ích nhằng nhịt của những người, những nhóm có… lợi ích gắn kín đáo với vỉa hè.

Chính vì thế, công bằng mà nói, không thể đòi hỏi việc giải tỏa quyết liệt vỉa hè ngay từ đầu đã hoàn thiện, thỏa mãn tất cả yêu cầu của dư luận xã hội, một cách vẹn lý vẹn tình. Việc nào đúng cần ủng hộ. Việc chưa thỏa đáng cần điều chỉnh, chủ yếu về phương pháp. Mặt khác việc giải tỏa vỉa hè cũng cần gắn liền với nhiều giải pháp phân hóa. Có những việc có thể “cần làm ngay”. Có những việc - như hàng rong của người lao động tứ xứ - đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương án quy hoạch môi trường đô thị, vừa có lý vừa có tình. Và quan trọng không kém, bản thân mỗi người dân lao động mưu sinh, cũng cần có ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường, kỷ cương và văn hóa xã hội, theo những quy định của pháp luật.

Cho dù có ý kiến hoan nghênh việc làm quyết liệt “trả lại vỉa hè cho người đi bộ” của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè của Bộ trưởng Bộ Công an, đừng quên, dư luận xã hội vẫn luôn bám sát, quan sát việc làm này của các cơ quan chức năng hai thành phố lớn nhất nước, với con mắt khắt khe và không ít hoài nghi. Sự thành bại của công việc giải tỏa vỉa hè lần này không chỉ chứng minh sự thành bại của một chủ trương, mà chính là chứng minh sự thành bại của luật pháp ở góc độ quản lý dân sinh đời thường nhất.

Không hiểu, nếu nhà báo Pháp năm xưa vẫn còn hành nghề, trở lại nước Việt những ngày này, ông sẽ nghĩ gì? Về cái vỉa hè, chỉ là những viên gạch đá lát, xi măng vôi vữa tầm thường, nhưng nó phản chiếu sức mạnh luật pháp một quốc gia, được thượng tôn hay bị… giẫm đạp không thương tiếc?

Câu trả lời của vỉa hè vẫn còn là một bí ẩn…

Kỳ Duyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vỉa hè - nhà báo Pháp và chuyện lý tình