Đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM”, đang được lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Đề án này cũng nhận được sự chú ý của người dân thành phố.

Vỉa hè tại TP.HCM: Nên dành cho người đi bộ hay cho thuê thu phí?

Hồ Đông | 19/06/2023, 11:35

Đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM”, đang được lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Đề án này cũng nhận được sự chú ý của người dân thành phố.

via-he.jpg
Vỉa hè tại TP.HCM đang thành nơi được tận dụng kinh doanh - Ảnh: Hồ Đông

Vấn đề thu phí vỉa hè không mới, đã được bàn luận rất nhiều, từ rất lâu. Tại Hà Nội cũng đã thực hiện cho thuê trên một vài tuyến phố với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, khi cân nhắc áp dụng vào TP.HCM thì có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Cái khó hiện giờ là Luật Giao thông đường bộ không có quy định cho thuê vỉa hè. Các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không có bất cứ quy định nào cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán hàng hóa, làm dịch vụ.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là có thực, rất lớn và rất khó ngăn cấm. Cho dù có thực hiện các đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ đi chăng nữa thì cũng chỉ thông thoáng được một hai bữa mà thôi.

Tóm lại, nếu không thể cấm nhu cầu thật thì phải quản. Nếu không quản lý thì việc sử dụng tràn lan gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trật tự giao thông. Nếu quản lý tốt thì không chỉ giúp vỉa hè ngăn nắp mà còn tạo được nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.

Sở GTVT TP.HCM tính toán việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỉ đồng mỗi năm (số thu đối với lòng đường 550 tỉ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè 972 tỉ đồng/năm).

Trong hội nghị phản biện xã hội cho dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức  tuần trước, phần lớn ý kiến từ các cơ quan chính quyền ủng hộ việc cho thu phí vỉa hè.

Sở GTVT đề xuất xác định mức thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè theo 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó để đề xuất mức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Cụ thể, khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm), mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh được đề xuất từ 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng. Còn mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 gồm quận 2 cũ (trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, 7 (trừ khu A, khu đô thị mới Nam thành phố), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh từ 20.000 - 30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, hè phố để trông giữ xe từ 70.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3 (quận 8, 9, 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, hè phố để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, hè phố để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.

Về phía người dân thì có nhiều ý kiến nhưng đa phần cũng không phản đối, đặc biệt là những người buôn bán nhỏ. 

Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trung bình 38m đường trên địa bàn có 1 người bán hàng "rong", tỷ lệ người bán đồ ăn uống chiếm đa số. Chiều rộng sử dụng của hàng ngồi cố định là 1,5m và di động là nhỏ hơn hoặc bằng 1m.

Trong đó, 61% hàng cố định và 36% di động đồng ý đăng ký sử dụng hè phố. Nhiều người bán hàng cố định muốn việc kinh doanh, buôn bán của họ được ổn định thông qua sự quản lý của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn chung chỉ là liệu việc cho thuê lòng đường, vỉa hè có ảnh hưởng đến giao thông và quyền lợi của người đi bộ. Tiếp đến là những vấn đề chi tiết nhưng cũng rất nhạy cảm như đối tượng nào được thuê những khu vực đắc địa, tiền thu được sử dụng ra sao, việc duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng thế nào...

Về vấn đề quyền lợi người đi bộ, trên Dân Trí, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng quan điểm "vỉa hè là của người đi bộ" không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vào đó, TP.HCM cần tiếp cận khái niệm vỉa hè đa năng, tức vỉa hè không chỉ có một công năng đi bộ.

Còn theo Sở GTVT TP.HCM, vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Từ đây đến việc triển khai thu phí vỉa hè là một chặng đường dài mà giờ mới chỉ là bước lấy ý kiến. TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng thành phố cần sự chuẩn bị cặn kẽ, đầy đủ và cần một công trình nghiên cứu khoa học "rất khó" về quy hoạch vỉa hè. Việc này nhằm đạt được sự cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, và sâu xa hơn là để người dân có lòng tin đối với các chính sách mà chính quyền đưa ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vỉa hè tại TP.HCM: Nên dành cho người đi bộ hay cho thuê thu phí?