Sự bùng nổ năng lượng mặt trời bất ngờ tiết lộ một sai sót nghiêm trọng trong các dự báo về biến đổi khí hậu của chúng ta.
Kiến thức - Học thuật

Việc người dân châu Á tự lắp pin mặt trời làm đảo lộn các dự đoán về khí hậu

Anh Tú 15:31 02/12/2024

Sự bùng nổ năng lượng mặt trời bất ngờ tiết lộ một sai sót nghiêm trọng trong các dự báo về biến đổi khí hậu của chúng ta.

pin.jpg
Người dân Pakistan đua nhau lắp tấm pin mặt trời trên mái nhà

Khi phóng to các hình ảnh vệ tinh, bạn có thể thấy các tấm pin sáng lấp lánh từ không gian. Kết hợp các hình ảnh chụp cách Trái đất hàng cây số với hồ sơ hải quan của Trung Quốc, nhà phân tích năng lượng mặt trời của BloombergNEF Jenny Chase và nhóm của cô đã phát hiện ra rằng mái nhà của các ngôi nhà và nhà máy trên khắp Pakistan được phủ đầy các tấm pin mặt trời. Người Pakistan đã lắp đặt một lượng lớn tấm năng lượng mặt trời khiến ngay cả chính phủ của họ cũng bất ngờ.

Vì sao người dân đổ xô lắp tấm pin mặt trời?

Trong quá trình này, Pakistan đã chuyển từ một thị trường năng lượng mặt trời không đáng kể thành thị trường lớn thứ 6 trên thế giới. Quốc gia có 242 triệu dân này có lưới điện với công suất cực đại là 46 gigawatt. Trong ba năm qua, người Pakistan đã nhập khẩu hơn 25 gigawatt tấm pin mặt trời từ Trung Quốc. Sự bùng nổ này đã làm tăng nguồn cung cấp điện của Pakistan lên 50 phần trăm.

Sự gia tăng năng lượng mặt trời là do chi phí điện trong nước cao. Với mức giá 0,166 USD cho mỗi kilowatt, giá điện của Pakistan dành cho doanh nghiệp cao hơn 37% so với nước láng giềng Ấn Độ và cao gấp đôi giá trung bình ở châu Á. Các thỏa thuận được ký kết vào những năm 1990 đã khiến nhà nước bị mắc kẹt trong các hợp đồng đắt đỏ với các nhà sản xuất điện tư nhân. Trong khi đó, các nhà máy điện vốn chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng phải mua nguyên liệu đắt đỏ hơn sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022. Cùng năm đó, Pakistan rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại hối khi dự trữ USD của nước này lao dốc, khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn.

Tất cả những điều này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và người Pakistan khá giả hơn bắt đầu nhập khẩu tấm pin mặt trời từ Trung Quốc. Điều đó có thể giúp họ hoàn vốn chỉ trong vòng hai năm và giải phóng người dùng khỏi lưới điện đắt đỏ, không đáng tin cậy. Tầng lớp trung lưu đã bắt đầu làm như vậy. Nhà nước đã chịu áp lực phải tăng giá lưới điện thông thường để đáp ứng các hợp đồng với các nhà sản xuất điện. Những người tiêu dùng vì thế càng có động lực chuyển sang sử dụng tấm pin mặt trời. Chủ một nhà máy sản xuất bóng đá ở Sialkot, đã nói với tờ Financial Times rằng: “Allah đã ban cho chúng ta món quà này để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn”.

Nhưng có một câu chuyện lớn hơn ở đây, vượt ra ngoài vấn đề của một quốc gia với lưới điện của mình. Những gì đang xảy ra ở Pakistan là dấu hiệu mới nhất cho thấy các cơ quan năng lượng đang đánh giá thấp nhu cầu năng lượng sạch của thế giới. Không nắm bắt được nhu cầu năng lượng là bao nhiêu và những điều mà người dân ở những nơi như Pakistan có thể sẵn sàng làm để có được năng lượng đó, khiến thế giới không chuẩn bị để xây dựng, tài trợ và lập kế hoạch cho một tương lai sạch hơn.

Tại sao dự báo nhu cầu năng lượng luôn sai?

Lịch sử đã chỉ ra rằng năng lượng giá rẻ tạo ra nhu cầu riêng của nó. Khi động cơ hơi nước trở nên hiệu quả hơn ở Anh vào thế kỷ 19, mức tiêu thụ than tăng lên. Khi dầu trở nên rẻ và dồi dào sau Thế chiến đệ nhị, con người chế tạo nhiều ô tô hơn. Gần đây hơn, vào năm 2000, khi ước tính nhu cầu điện của một Trung Quốc đang công nghiệp hóa vào năm 2005, dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng đã sai lệch đến 25%.

Các nhà lập mô hình cố gắng dự đoán lượng năng lượng sẽ được yêu cầu trong nhiều năm tới. Nhưng những dự án đó thường không phân biệt được giữa lượng năng lượng cần thiết và lượng năng lượng mong muốn.

Một phần, điều này liên quan đến hiệu suất vượt trội đặc biệt của năng lượng mặt trời. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức liên chính phủ giám sát lĩnh vực năng lượng toàn cầu cũng đã đánh giá thấp đáng kể mức tăng trưởng của năng lượng cũng như họ đánh giá thấp mục tiêu năng lượng tái tạo của các quốc gia.

Báo cáo Net Zero vào năm 2050 của IEA, một kế hoạch về cách thức loại bỏ lượng khí thải nhà kính ròng vào giữa thế kỷ 21, được coi là đầy tham vọng khi được công bố vào năm 2021. Báo cáo kêu gọi thế giới bổ sung 630 gigawatt điện mặt trời hằng năm vào năm 2030. Trên thực tế, đây là một mục tiêu quá dễ dàng: Thế giới đã bổ sung gần 600 gigawatt vào năm 2024 với 334 gigawatt ở Trung Quốc, 53 gigawatt ở Mỹ và đáng kinh ngạc là ít nhất 16 gigawatt ở Pakistan.

Các nhà dự báo năng lượng phương Tây đang phải liên tục ngạc nhiên về lượng năng lượng mà người dân ở các nước đang phát triển sẽ tiêu thụ. Khi các quốc gia như Pakistan trở nên giàu có hơn, người dân của họ sẽ đòi hỏi những tiện nghi phụ thuộc vào năng lượng giống như người dân ở các quốc gia giàu có sở hữu. Do đó, các dự báo năng lượng của phương Tây phải phản ánh thực tế đó, nếu không họ sẽ tiếp tục sai.

Một dự báo gần đây minh họa cho vấn đề này. Làm việc với các cơ quan năng lượng của Pakistan vào năm 2023, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã xem xét về cách ngành điện của Pakistan có thể phát triển để phù hợp với lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của IEA. Cơ quan này dự kiến ​​sản lượng điện của Pakistan sẽ đạt khoảng 350.000 gigawatt vào năm 2045, tăng gấp đôi công suất năm 2022 là 173.000 gigawatt-giờ. Nhưng họ quên là công suất đó vẫn khiến hàng trăm triệu người sống ở Pakistan trong tương lai phải sống với lượng điện ít hơn nhiều so với bang Texas tạo ra ngày nay.

Ước tính đó không tính đến tầng lớp trung lưu của Pakistan, với gần 100 triệu người và hàng triệu người nữa sắp thoát nghèo và gia nhập tầng lớp này. Khi mọi người trở nên giàu có hơn, họ sẽ sử dụng nhiều điện hơn. Ngày nay, chỉ có 11% hộ gia đình Pakistan có máy điều hòa không khí. Trong sáu ngày vào tháng 6 này, khi nhiệt độ ở các vùng phía nam của Pakistan lên tới gần 50 độ C, ít nhất 568 người đã tử vong. Trong kịch bản Trái đất 3 độ C mà chúng ta dự báo vào năm 2100, các thành phố lớn của Nam Á sẽ phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng mỗi năm kéo dài trung bình 23 ngày — gần gấp đôi thời gian hiện tại. Trong kịch bản mà sản lượng điện chỉ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2045, hiển nhiên là không đủ cho nhu cầu sử dụng điều hòa của phần lớn dân số.

Không thể tin những giả định trên salon

Tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở Pakistan sẽ tiếp tục chịu đựng những đợt nắng nóng như năm nay mà không dùng điều hòa hay họ sẽ sử dụng nhiều điện hơn nhiều so với dự báo nổi bật về mức tiêu thụ năng lượng? Dễ dàng đoán câu trả lời chính xác là họ sẽ dùng nhiều điện hơn.

Điều đó có tiền lệ: nhu cầu năng lượng toàn cầu để cung cấp năng lượng cho máy điều hòa không khí và các biện pháp làm mát khác đã tăng từ 300 terawatt vào những năm 1990 lên 800 terawatt vào năm 2023. Tại Pakistan, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nhiệt độ cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu điện tăng gấp đôi so với ước tính hiện tại (tức là tăng khoảng 6 đến 8% thay vì 3 đến 4% mỗi năm). Bản thân IEA đã một lần nữa điều chỉnh dự báo tăng trưởng nhu cầu điện lên 6%, đồng thời nói thêm rằng nhu cầu về máy điều hòa không khí là một yếu tố không chắc chắn.

Các mô hình về hệ thống năng lượng và khí hậu ở phương Tây chứa đầy những giả định trên salon: một số học giả gọi đó là "thiên kiến ​​về nguyên trạng". Khi một cơ quan năng lượng ở Paris hay Copenhagen đưa ra kịch bản rằng thế giới có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 với hàng triệu người Pakistan chỉ dùng điện để bật quạt làm mát, họ đang đưa ra một số giới hạn nhất định về lượng điện tiêu thụ có thể gia tăng ở Pakistan và lượng khí thải mà người châu Âu có thể cắt giảm để bù vào phần mà Pakistan thải ra.

Trên thực tế, tầng lớp trung lưu đang phát triển trên thế giới không chờ đợi sự cho phép của ai để mua máy điều hòa. Nhiệm vụ của thế giới bây giờ là đảm bảo rằng năng lượng cung cấp năng lượng cho họ là sạch và điều đó có nghĩa là phải có đủ tấm pin mặt trời cho Lahore cũng như Copenhagen.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc người dân châu Á tự lắp pin mặt trời làm đảo lộn các dự đoán về khí hậu