Sáng 28.5, tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, ông Lâm Hồng Sơn (68 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) đã được Viện KSND tỉnh An Giang và tỉnh Long An tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi danh dự theo luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Ông Lâm Hồng Sơn đã 2 lần bị bắt oan.
Tại buổi xin lỗi, đại diện Viện KSND, lãnh đạo Cơ quan CSĐT của Công an tỉnh An Giang và Công an tỉnh Long An gửi lời xin lỗi ông Sơn cùng gia đình ông về việc khởi tố bị can và tạm giam không đúng quy định pháp luật. Cơ quan CSĐT và Viện KSND tỉnh An Giang, Long An đã xác định không đủ cơ sở để buộc tội đối với ông Sơn.
Viện KSND tỉnh An Giang, Long An thẳng thắn nhận trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, thận trọng hơn nữa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Tại buổi xin lỗi, ông Sơn yêu cầu Viện KSND tỉnh An Giang và Long An sớm giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, giải quyết khoản tạm ứng bồi thường theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Ngoài ra, ông Sơn yêu cầu Viện KSND tỉnh An Giang bồi thường hơn 3,1 tỉ đồng, Viện KSND tỉnh Long An bồi thường 2,7 tỉ đồng; đăng báo xin lỗi 3 kỳ liên tục báo trung ương và báo địa phương. Đại diện Viện KSND 2 tỉnh An Giang và Long An cam kết sẽ sớm bồi thường thiệt hại cho ông Sơn theo đúng quy định.
Theo hồ sơ vụ án, vụ việc bắt đầu vào khoảng tháng 4.1988, ông Lâm Hồng Sơn (khi đó 32 tuổi, Việt kiều Mỹ) hợp đồng với Ban Chỉ huy Cảnh sát nhân dân tỉnh An Giang để mở cơ sở chế biến thức ăn gia súc.
Ban chỉ huy chịu trách nhiệm về mặt bằng và thủ tục pháp lý để thành lập xí nghiệp. Vốn, nguyên liệu, trang bị máy và tiêu thụ sản phẩm do ông Sơn tự lo. Mỗi tháng ông Sơn phải nộp cho Ban chỉ huy 1,5 triệu đồng. Sau khi thành lập xí nghiệp, ông Sơn giữ chức vụ giám đốc.
Đến tháng 1.1990, Công an tỉnh Long An có quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Sơn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau 5 tháng điều tra, công an đã trả tự do cho ông Sơn do không chứng minh được hành vi phạm tội. Sau đó, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Sơn.
Trong thời gian ông Sơn bị bắt giam oan, hàng hóa, nhà xưởng công ty bị tịch thu. Sau khi được trả tự do, ông Sơn đã kiện Công an tỉnh An Giang để đòi lại tài sản. Trong lúc đang khởi kiện thì bất ngờ ngày 14.12.1990, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang lại ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Sơn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Ông Sơn lại bị bắt tạm giam.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho rằng để tạo điều kiện cho xí nghiệp hoạt động, Ban chỉ huy hỗ trợ vốn ban đầu là 2 triệu đồng. Tiếp đến tháng 6 và tháng 12.1988, ông Sơn nhận vay của Ban chỉ huy 2 lần là 5 lượng vàng 24K, với lãi suất 6%/tháng. Toàn bộ số tiền, vàng này ông Sơn sử dụng vào việc cải tạo nhà xưởng và làm vốn mua nguyên liệu sản xuất.
Trong thời gian hoạt động, ông Sơn đã nộp khoán và hoàn trả vốn, lãi cho Ban chỉ huy tổng cộng 21,605 triệu đồng. Quý đầu, ông Sơn đóng tiền đúng quy định, nhưng các quý sau ông không nộp và còn nợ số tiền 13,5 triệu đồng, nợ vốn lãi vay 5 lượng 8 chỉ vàng và 13 triệu đồng.
Cơ quan điều tra còn cho rằng ông Sơn nợ vốn và lãi tiền vay của bộ phận hậu cần Công an Châu Đốc hơn 6,1 triệu đồng và còn nợ của Công ty Ancredo 6,558 lượng vàng. Tổng cộng ông Sơn nợ các đơn vị 32,6 triệu đồng và 12,358 lượng vàng.
Cơ quan điều tra còn cho rằng tháng 4.1989, ông Sơn nhận 13 xe du lịch, còn nợ thuế với Hải quan tỉnh An Giang hơn 36 triệu đồng chưa thanh toán và xác định ông Sơn trốn thuế.
Sau gần 1 năm điều tra, Viện KSND tỉnh An Giang xác định ông Sơn không có dấu hiệu chiếm đoạt, số nợ trên là quan hệ dân sự và số tiền nợ thuế chưa đủ căn cứ để xử lý ông Sơn về tội trốn thuế. Do đó ngày 19.11.1991, Viện KSND tỉnh An Giang đã ra quyết định đình chỉ chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sơn.