Sáng 7.2, Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh từ bãi phóng Tongchang-ri. Quả tên lửa được cho là có tầm bay hơn 10.000km và đã đưa lên quỹ đạo một "vật thể không xác định".
Ngày 9.2.2016, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 7.2.2016 Triều Tiên tiến hành vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đã tiến hành vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo ngày 7.2.2016, vi phạm các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là ủng hộ mọi nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trên Bán đảo Triều Tiên cũng như tại khu vực và thế giới, ủng hộ giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại, khẳng định các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần được nghiêm túc thực hiện”.
Ngay sau khi phóng tên lửa, Triều Tiên đã tuyên bố vụ phóng này sẽ đưa một vệ tinh quan sát Trái Đất lên quỹ đạo nhưng dư luận thế giới cho rằng đây là vỏ bọc của việc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Liên quan đến vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, vào sáng 7.2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án hành động này là "không thể dung thứ" và đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên và ngay lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về vụ việc.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng theo các đánh giá ban đầu, vụ phóng này không gây ra bất cứ đe dọa nào tới Mỹ, cũng như những đồng minh của nước này trong khu vực.
P.V