Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới.
Ngày 9.11, tại TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ KH-CN tổ chức Hội nghị "Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và định hướng phát triển KH-CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”.
Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng
Để đưa công nghệ sinh học trở thành ngành mũi nhọn, Bộ KH-CN đã được giao xây dựng và được Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30.1.2023 về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 5.9.2023 nhằm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW. Trong đó, xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ sinh học một cách rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực nhằm thay đổi căn bản trong ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành có thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, y dược; đóng góp 5 - 7% vào GRDP toàn tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại khu vực miền Trung; có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ của nền công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao; đóng góp 7 - 10% vào GRDP toàn tỉnh.
Bộ trưởng cho biết Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, xác định chủ trương của Đảng đối với một trong các lĩnh vực KH-CN đóng góp lớn cho tiềm lực KH-CN quốc gia. Thời gian qua, Bộ KH-CN đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều chương trình KH-CN cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học.
Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình KH-CN quốc gia, gồm: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”.
Bộ trưởng đề nghị các Ban chủ nhiệm chương trình không chỉ tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, mà còn chủ động phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định về quản lý nhiệm vụ KH-CN và tổng hợp, gửi các đơn vị chức năng của Bộ KH-CN.
“Tôi tin tưởng rằng, đó là các thông tin rất hữu ích cho Bộ KH-CN không ngừng hoàn thiện pháp luật về KH-CN, tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới
Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Ngoài ra, xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghệ sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ KH-CN nêu ra 5 nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học và cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.