Giới chuyên gia cho rằng kinh tế số có ý nghĩa quan trọng để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển với mức thu nhập cao.
Kinh tế số

Việt Nam và cơ hội bứt phá từ kinh tế số

Hoài Lam 01/01/2024 14:25

Giới chuyên gia cho rằng kinh tế số có ý nghĩa quan trọng để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển với mức thu nhập cao.

Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á

Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở Việt Nam trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII)…

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết chương trình đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%).

Năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ TT-TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

kts-3.jpeg
Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á

Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp (DN) công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.

Ngoài ra, năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để.

Điển hình, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và bảo hiểm thuận lợi hơn cho người dân đi khám bệnh, chỉ cần cung cấp căn cước công dân, quy trình từ 4 bước rút gọn còn 2 bước. Thời gian cho mỗi lượt xác thực từ 10 phút xuống chỉ còn 6-13 giây.

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Ví dụ, tháng 6.2023, Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư lớn của DN chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.

Chuyển đổi số là cấp bách, nhưng không dễ

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thời gian qua công nghệ số, kinh tế số đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chuyển đổi số cũng là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và tới năm 2045 thành nước phát triển với mức thu nhập cao.

Ông Thịnh cho rằng trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN cần áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại.

“Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các DN thực hiện được cũng không phải là dễ, bởi liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, chưa kể cần đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên”, ông Thịnh nói.

kts-2.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Theo ông Đỗ Thế Dương, Khoa Kinh tế số (Học viện Chính sách và Phát triển), muốn xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, thì giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là tăng trưởng số, phát triển kinh tế số, vì tăng trưởng số đang diễn ra với tốc độ cao và lại tiêu tốn ít tài nguyên nhất.

Theo ông Dương, cần có tư duy mới về kinh tế số và kinh tế xanh. Đây không phải là 2 chương trình rời rạc, mà cần có sự tích hợp, đồng hành. Theo đó, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết một cách đúng đắn, toàn diện cả về lợi ích cũng như thách thức về môi trường đối với phát triển kinh tế số, đây cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện khung thể chế phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp để kinh tế số tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung.

Ông Dương cũng cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ; có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến; khuyến khích công nghệ số và chuyển đổi số được sử dụng trong các mô hình hành vi bền vững hơn của người dân…

“Các DN cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới”, ông Dương nêu.

kts-1.jpg
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh kinh tế số

TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, để quá trình chuyển đổi số đồng bộ, cần hoàn thiện thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số...

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh cần chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức.

“Coi số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng chính sách, có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Các cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng, có phương thức quản lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển đổi số”, ông Thao nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam và cơ hội bứt phá từ kinh tế số