Theo báo New York Times ngày 29.7, dự án đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ đã làm lộ ra những “vết nứt” của một chương trình kích cầu nền kinh tế Lào.

Vỡ đập thủy điện ở Lào: ‘Vết nứt’ trong chương trình quốc gia

30/07/2018, 15:06

Theo báo New York Times ngày 29.7, dự án đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ đã làm lộ ra những “vết nứt” của một chương trình kích cầu nền kinh tế Lào.

Dân làng tránh lụt trên mái nhà - Ảnh: The Star

Tai nạn đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ lúc 18 giờ tối 23.7, khiến 5 tỉ mét khối nước tràn xuống vùng quê lân cận, cho đến ngày 29.7 vẫn còn hơn 1.120 người dân mất tích, theo bà Minaphon, phó bí thư tỉnh ủy, trưởng ban Tổ chức tỉnh Attapeu.

Báo động sơ tán dân quá trễ

Công ty xây dựng-thiết kế SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) là đơn vị tổng thầu xây đập Xepian-Xe Nam Noy (nắm 26% vốn xây đập) cho biết, 24 giờ trước khi đập vỡ, các kỹ sư Hàn-Lào đã phát hiện nó sẽ vỡ.

Theo chủ đầu tư này, họ phát hiện đập yên (được thiết kế để chuyển hướng dòng sông) có các vết nứt hôm 22.7, và công ty liền tiến hành sửa chữa nhưng bất thành vì thời tiết xấu, mưa lớn.

Lúc 3 giờ sáng 23.7, các kỹ sư Hàn Quốc đã triển khai một máy bơm ứng cứu để hút nước từ đập nhánh, giảm áp lực lên bờ mặt của đập. Và mãi đến trưa, công ty mới cảnh báo chính quyền Lào rằng có thiệt hại lớn ở đập, nên cần ra lệnh sơ tán dân ở các làng lân cận, ngay khi đoán chắc đập sẽ vỡ.

Đến tối 23.7 thì đập vỡ toang, gây lũ lụt cho các ngôi làng ở hạ nguồn, dân làng hoàn toàn không kịp sơ tán. Hôm sau, chính quyền xác nhận 8 làng bị lũ nhấn chìm.

Sau vụ lụt do vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy gây ra, một quan chức cấp cao Lào chê khâu xây dựng đập kém tiêu chuẩn. Tổng thầu SK Engineering & Construction hôm 28.7 tuyên bố sẽ nhận trách nhiệm, nếu một cuộc điều tra chính thức xác định họ có lỗi.

Nhưng có lẽ Lào sẽ không cho phép mở một cuộc điều tra độc lập, phần nào vì chính phủ Lào có 25% cổ phần trong dự án thủy điện này, và bị cho là đã phớt lờ giám sát khâu lập kế hoạch và xây dựng, theo nhà nghiên cứu David J. H. Blake chuyên về Lào của Đại học York (Anh).

Giao đứt công trình cho công ty nước ngoài

Theo Times, vụ vỡ đập vạch ra một sự thật trần trụi, về một thỏa thuận bất thành văn bản giữa chính phủ Lào với các công ty nước ngoài lắm tiền muốn tìm quyền lợi: các công ty này được tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào của Lào, các quan chức Lào có thêm vài nguồn thu, nhưng không ai xem xét kỹ các dự án đầu tư càng làm tăng sự nghèo đói ở vùng nông thôn, và trong vụ vỡ đập thủy điện là làm chết dân làng vô tội.

Ông Keith Barney, một chuyên gia về Lào thuộc Đại học quốc gia Úc, nói: “Từ lâu, chính phủ Lào cùng các tổ chức tài chính quốc tế có những quy định chặt chẽ để ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế Lào, nhưng sau vụ vỡ đập, các cạm bẫy tiềm năng từ quy định lỏng lẻo nay đã rõ ràng, ai cũng nhận thấy được”.

Chuyên gia Barney nói tai nạn này có thể là thách thức lớn nhất đối với chính phủ Lào, kể từ sau cách chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998) vốn dẫn đến lạm phát chóng mặt. Ông nói thêm rằng ngày nay, các quan chức có thể chịu sức ép nhiều hơn, để có giải pháp bảo vệ môi trường-xã hội cho dân nông thôn, trong khi thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Times, từ những năm 1990, Lào khuyến khích đầu tư thủy điện, và trong khi ban đầu Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan phát triển khác tài trợ, khuynh hướng rõ ràng của chính phủ Lào là giao đứt cho công ty tư nhân nước ngoài thực hiện, theo Giáo sư danh dự Philip Hirsch của Đại học quốc gia Úc, một người chuyên nghiên cứu thủy điện ở khu vực sông Mê Kông từ hàng chục năm nay.

Lào là một trong các nước nghèo nhất châu Á, không có biển, và chính phủ Lào đã tuyên bố muốn dựa vào nhiều đập thủy điện để trở thành “cục pin của châu Á” bán điện cho các nước láng giềng.

Kế hoạch của chính phủ Lào là trong 20 năm tới sẽ xây nhiều đập thủy điện lớn trên sông Mê Kông, chuyển Lào trở thành một trung tâm thủy điện, với 11 đập thủy điện lớn trên sông Mê Kông, cùng 120 đập phụ.

Chính phủ Lào dựa mạnh vào các nhà thầu nước ngoài để xây các con đập, theo hình thức nhượng quyền thương mại, qua đó xuất khẩu điện đến các nước phát triển hơn Lào, gồm Thái Lan đang rất “đói” điện.

Công trình đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy được khởi công năm 2013, dự kiến xây xong vào cuối năm 2018 và dự tính đưa vào hoạt động từ năm 2019. Mục tiêu là đập thủy điện này sẽ trở thành một nguồn thu béo bở cho Lào, bằng cách xuất khẩu 90% sản lượng điện qua Thái Lan láng giềng.

Theo Times, chủ trương dựa mạnh vào các nhà thầu nước ngoài đã khiến một số thành phần quyền thế ở Lào huởng nhiều lộc, trong khi để mặc dân nông thôn nghèo trông nhờ vào các công ty nước ngoài.

Lời báo động của các chuyên gia đã không được lắng nghe

Các nhà phân tích đã lấy tỉnh Attapeu-nơi xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy-làm nghiên cứu mẫu.

Đây là một tỉnh nông nghiệp giáp Việt Nam về phía đông và Campuchia về phía nam. Tỉnh có nhiều dự án nông-lâm nghiệp, khai thác mỏ và thủy điện, nhưng nông dân “nói chung không được hưởng nhiều lợi ích từ các hoạt động này”, thay vào đó, họ phải đối mặt với những tác động xấu về môi trường và xã hội, theo ông Miles Kenney-Lazar, một chuyên gia về Lào ở Đại học Kyoto (Nhật Bản).

Ông Kenney-Lazar cho biết từ lâu trước vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, các dự án do nước ngoài chi tiền ở tỉnh Attapeu đã tàn phá rừng nghiêm trọng, gây ô nhiễm hóa chất trên sông hồ và làm thay đổi mực nước nhanh chóng.

Các nhà bảo vệ môi trường cũng đã liên tục báo động về các kế hoạch của chính phủ Lào sẽ tác động xấu đến cuộc sống của dân địa phương và môi trường thiên nhiên, từ việc xây các đập thủy điện quá nhanh, gồm tổn thất đã xảy ra với hệ sinh thái của các con sông trong khu vực.

Theo báo Vientiane Times, vào năm 2017, đập thủy điện 15 megawatt Nam Ao đã bị sập ở tỉnh Xieng Khuong (bắc Lào), và hậu quả là lụt nặng, “gây tổn thất nặng nề về người và tài sản”.

Hồi tháng 4, Tổ chức Các con sông Quốc tế-hoạt động kêu gọi ngưng xây các đập thủy điện “hủy diệt môi trường” ở Lào, từng có báo cáo các đập thủy điện ở vùng hạ lưu sông Mê Kông là mối đe dọa nghiêm trọng cho khu vực này.

Báo cáo dự báo tác động xấu gồm nguồn cá sông giảm từ 30 đến 40% từ năm 2040, giảm mạnh về sản lượng nông nghiệp và an ninh lương thực, mức nghèo khổ tăng ở đa phần vùng chậu sông Mê Kông.

Theo tổ chức phi chính phủ TERRA (Thái Lan), Lào đã xây xong 11 đập thủy điện, 11 đập khác đang xây dở, cùng hàng chục đập khác đã được lên kế hoạch xây dựng.

Bảo Vĩnh (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
17 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vỡ đập thủy điện ở Lào: ‘Vết nứt’ trong chương trình quốc gia